Sản phẩm Steam sáng tạo của học sinh tiểu học

GD&TĐ - Hơn 400 sản phẩm Steam được học sinh Trường tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) sáng tạo, tham dự Ngày hội Steam 2023 của nhà trường.

Học sinh Đặng Tùng Lâm, lớp 4Q3 trình diễn sản phẩm Quạt gió sử dụng năng lượng mặt trời.
Học sinh Đặng Tùng Lâm, lớp 4Q3 trình diễn sản phẩm Quạt gió sử dụng năng lượng mặt trời.

Ngày hội thu hút sự tham gia của 1.600 học sinh và các các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh. Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy và chuyên gia giáo dục đến dự ngày hội.

25 sản phẩm Steam sáng tạo nhất đã được lựa chọn để trao giải. Đó là những sản phẩm “Khơi nguồn sáng tạo Unleash our creativity” có tính ứng dụng cao, thể hiện sự thông minh trong lập trình, sự tương tác nhóm tích cực.

Thu Hồng và sản phẩm “Lâu đài mơ ước”.

Thu Hồng và sản phẩm “Lâu đài mơ ước”.

Một trong những sản phẩm ấn tượng là giá đỡ pin được lắp từ các chi tiết có sẵn trong bộ Lắp ghép mô hình kỹ thuật lớp 4. Tác giả sản phẩm, em Tùng Lâm, học sinh lớp 4Q3 cho biết: Em chọn sử dụng nguồn năng lượng vĩnh cửu, không lo cạn kiệt là năng lượng mặt trời. Giá đỡ có thể thay đổi được góc độ xoay, giúp có thể điều chỉnh pin mặt trời luôn hướng về phía lấy được nhiều ánh nắng nhất.

Sản phẩm còn có thể tiếp tục được điều chỉnh để quạt mát hơn bằng cách thay pin có hiệu điện thế cao hơn, sinh ra nhiều điện hơn. Đồng thời thay động cơ quạt có công suất tương ứng, hoặc tích hợp giá đỡ với xe điều khiển từ xa để con không cần ra ngoài trời mới chỉnh được tấm pin.

Sản phẩm Steam sáng tạo của học sinh tiểu học ảnh 2

Mô hình Robot Milo của em Lê Trần Đức Nguyên, lớp 3Q2.

Thông qua việc tự tay lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để vận hành quạt điện mini, Tùng Lâm cho biết mình hiểu được ý nghĩa của ánh sáng mặt trời trong việc sinh ra nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường.

“Trong quá trình làm thử và điều chỉnh, em cũng có thêm nhiều kỹ năng về lắp ráp, tính toán khả năng cân bằng của các chi tiết. Tham gia làm sản phẩm khiến em thêm yêu thích môn công nghệ nói riêng và hoạt động Steam nói chung. Em mong trong tương lai mình sẽ trở thành một kỹ sư điện để thỏa mãn niềm đam mê”, Tùng Lâm chia sẻ.

Học sinh khối 2 đạt thành tích cao trong giải đấu.

Học sinh khối 2 đạt thành tích cao trong giải đấu.

Đoàn Thị Thu Hồng, lớp 1A4 thì đem đến ngày hội sản phẩm “Lâu đài mơ ước”. Đó là tất cả những gì đẹp đẽ nhất, lung linh nhất qua góc nhìn của tuổi thơ về một ngôi nhà dành cho các cô công chúa nhỏ.

Điều đặc biệt là lâu đài được Thu Hồng tạo nên từ những nguyên liệu tái chế, như lõi giấy vệ sinh, bìa các tông được “biến hình” với những mảng màu tươi sáng và rực rỡ.

Với Lê Trần Đức Nguyên, học sinh lớp 3Q2, niềm đam mê với Robot đã thôi thúc em tạo ra một Robot của riêng mình mang tên Milo. Với chức năng Robot cảm ứng, Robot di chuyển nhờ điều khiển qua phần mềm cài đặt trên Ipad. Robot được kết nối với Ipad bằng Bluetooth. Trong phần mềm điều khiển, người chơi có thể cài đặt âm thanh để khi di chuyển, Robot phát ra âm thanh vui tai.

Sản phẩm Steam sáng tạo của học sinh tiểu học ảnh 4

Học sinh lớp 1 tham gia thi đấu Robot Mtiny.

Điều đặc biệt là Robot được thiết kế bộ cảm biến chướng ngại vật, trong khi di chuyển nếu gặp chướng ngại vật trong tầm quét của cảm biến, robot sẽ phát ra âm thanh cảnh báo, tự động dừng lại để không va chạm.

Sản phẩm của cô trò khối 2 “City in the Future” (thành phố tương lai) mô phỏng Trường tiểu học Lý Thái Tổ trong tương lai với bể bơi, các phòng học chức năng, hệ thống AI thông minh giám sát xử lý các tình huống nhanh, đảm bảo an toàn cho học sinh, như hệ thống hành lang an toàn trong suốt và đồng thời sử dụng năng lượng mặt trời…

25 cá nhân đạt giải thưởng cho các sản phẩm steam xuất sắc nhất.

25 cá nhân đạt giải thưởng cho các sản phẩm steam xuất sắc nhất.

Nhận định của TSKH Tưởng Duy Hải, chuyên gia Steam Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường tiểu học Lý Thái Tổ đã tiên phong ứng dụng Steam vào dạy học, đặc biệt là chương trình Steam Robotic đã cho thấy kết quả tích cực. Ngày hội thực sự là sân chơi khoa học bổ ích nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ