Qua thời hoàng kim
Trừ một số chương trình nghệ thuật đã khẳng định được thương hiệu và tần suất biểu diễn định kỳ vẫn có được lượng khán giả ổn định thì hầu như các chương trình nghệ thuật đang rơi vào cảnh lỗ vốn vì đói khán giả.
Có thể thấy, không ít chương trình ca nhạc định kỳ trên đài truyền hình phải khép lại khi nhà tài trợ rút lui vì kinh phí khó khăn. Có chương trình gắng gượng tồn tại bằng cách tổ chức thành chương trình biểu diễn tại các sân khấu và bán vé nhưng cũng không kéo dài do chi phí cao mà giá vé quá thấp.
Nhiều ca sĩ ngôi sao đã chủ động gọi điện đến đài hỏi thăm có tổ chức chương trình gì? để họ được hợp tác, điều mà trước đây những ngôi sao này chưa từng làm.
Giám đốc một công ty văn hóa nghệ thuật – đơn vị chuyên tổ chức, cung cấp vé biểu diễn của các nhà hát tại Hà Nội cho biết: Các chương trình văn hóa, nghệ thuật thời gian gần đây không còn tưng bừng như trước.
Khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn vào các dịp lễ lớn mà trước đây các cơ quan mua vé cho cán bộ, con em đến xem đã giảm hẳn thậm chí từ chối thẳng.
Các chương trình nghệ thuật dù có chất lượng thực sự, đầu tư kỹ càng từ kịch bản, sân khấu, trang phục… cũng chỉ cuốn chiếu trong vòng 1 buổi diễn ở những rạp lớn chứ không kéo dài thành chuỗi như trước đây. So với cùng thời điểm năm ngoái thì lượng khách của các chương trình nghệ thuật giảm đáng kể.
Lãnh đạo nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật cũng than thở: Tình trạng kinh tế khó khăn, cộng với bùng nổ gameshow, mạng xã hội phát triển… khiến công chúng thắt lưng buộc bụng và lựa chọn ngồi tại nhà xem tivi thay vì bỏ ra một khoản tiền để đến các tụ điểm nghệ thuật.
Bởi thế, khi nghệ sĩ dù tiếng tăm lừng lẫy có ý định tổ chức show, các đơn vị tổ chức sự kiện… muốn chào mời nhà tài trợ đã khó lại càng khó hơn. Các mạnh thường quân dường như đã không còn đủ lực nên cũng không dám mạo hiểm cho những cuộc chơi quảng bá thương hiệu mà biết chắc tầm ảnh hưởng tới khán giả chẳng còn bao nhiêu.
Nhiều nhà hát trong nam ngoài bắc trước đây vẫn thường xuyên đỏ đèn cũng phải đối mặt với sự ảm đạm của chương trình biểu diễn nghệ thuật. Có nhà hát phải duy trì bằng cách cứ có trên 20 khán giả thì vẫn diễn.
Trong thời điểm nghệ thuật tạm lắng nhiều ca sĩ không thể mong chờ vào sự đầu tư hai bên cùng có lợi như trước kia, giờ đây, họ phải tự hoạch định cho mình đối tượng khán giả, thời gian, địa điểm… để tự tổ chức cho mình những liveshow mini tại phòng trà, tụ điểm âm nhạc nhỏ và vừa kết hợp với sự đầu tư tiết giản tối đa nhất cho đạo cụ, kỹ thuật sân khấu… Thế nhưng vẫn không tránh được sự thật, nhiều sao hạng A lăm le làm show vẫn phải gác lại.
Trong trường hợp ca sĩ vẫn quyết định làm show thì hầu hết đều lựa chọn làm ở những sân khấu vừa phải, giá vé vừa túi tiền của người xem. Dù không được hoành tráng, nhưng với những minishow như vậy, ca sĩ cũng tạm hài lòng vì đã nhắc khán giả nhớ tới mình, được trau dồi cho nghệ thuật và quan trọng hơn cả là phù hợp với ví tiền của khán giả thời điểm suy thoái.
Tự cứu mình bằng cách tiến sát khán giả
Trên thực tế, các nhà hát, sân khấu đều đã có những chiến lược tự cứu mình trong thời điểm khó khăn. Nhìn rõ nhất, đối với sân khấu kịch hầu hết đều đầu tư dàn dựng những vở diễn có chất lượng. Có nhà hát chèo đầu tư tiền tỉ cho một vở chèo, cũng chỉ để có thể tạo ra một vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao, phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Tuy nhiên nếu xét sâu xa thì đây cũng chính là chiến lược đầu tư có tính lâu dài của Nhà hát. Mặt khác, việc đầu tư lớn cho Chèo cũng là cách bảo tồn và phát triển, vì mình có làm hiện đại, có làm hay thì khán giả mới đi xem, có thế mới kéo khản giả đến với Chèo nhiều hơn...
Để kích cầu khán giả thời điểm này nhiều nhà hát, sân khấu vắt óc tìm phương cách. Từ việc thành lập Câu lạc bộ sân khấu để quảng bá, thu hút khán giả đến rạp bằng các phương thức như giảm giá vé thành viên câu lạc bộ, giao vé tận nơi với số lượng tối thiểu quy định, thường xuyên cập nhật gửi thông tin về các chương trình biểu diễn của Nhà hát…
Sự chủ động linh hoạt đến với khán giả như vậy cũng giúp khắc phục được phần nào tình trạng ế ẩm đói khán giả. Gần đây, ngành văn hóa đã đầu tư để hơn 10 đơn vị nghệ thuật có tiếng cùng dựng những vở kịch có chất lượng phục vụ khán giả. Hay Nhà hát Lớn – Hà Nội kết hợp với du lịch đưa khách vào tham quan và xem nghệ thuật…
Nhiều lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đã thẳng thắn cho biết, trong thời điểm khó khăn này thì chỉ chủ động đến với khán giả chưa đủ. Các nhà hát phải chủ động nắm được gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả để tổ chức, biểu diễn cho phù hợp.
Cùng đó các nhà hát cũng phải làm tốt việc phân khúc thị trường bởi thực tế vẫn có khán giả có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật song giá cả không hợp lý thì khó lòng bắt được họ móc tiền mua vé. Đã qua thời điểm đỉnh cao của nghệ thuật khi khán giả kéo đến các tụ điểm sân khấu và sẵn sàng mua vé với tiền triệu, các nhà hát, đơn vị tổ chức phải tính toán làm sao để giá vé hợp lý nhất…
Nghệ thuật cũng như nhiều ngành nghề khác trong xã hội sẽ có những thời điểm cao trào hoặc chịu tác động mạnh mẽ từ kinh tế thị trường. Vấn đề quan trọng vẫn là ngành văn hóa nói chung, các đơn vị nghệ thuật nói riêng tìm ra cho mình những giải pháp phù hợp trong từng thời điểm để tiến gần và kéo khán giả quan tâm theo dõi.