Sân khấu kịch hào hứng với “Dế Mèn”

GD&TĐ - Chỉ sau hơn 3 tuần dàn dựng, kịch thiếu nhi “Dế Mèn” phóng tác từ “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài đã ra mắt tại sân khấu Lệ Ngọc.

Các nhân vật trong “Dế Mèn” được hóa trang độc đáo, với lời thoại hiện đại vui nhộn.
Các nhân vật trong “Dế Mèn” được hóa trang độc đáo, với lời thoại hiện đại vui nhộn.

“Dế Mèn” là sự kết hợp của tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng và ê-kíp diễn viên sân khấu Lệ Ngọc. Dựa trên cốt truyện mộc mạc, thân quen của nhà văn Tô Hoài, vở kịch đã được thêm vào nhiều chi tiết vui nhộn, thú vị cùng lời thoại mang tính hiện đại để giúp người xem dễ tiếp cận.

Tình mẹ của Dế Mèn

Gần 2 tiếng đồng hồ trên sân khấu, “Dế Mèn” gắn với số phận của chàng dế rời xa vòng tay mẹ và bước vào đời với sự kiêu hãnh của tuổi trẻ.

Sự kiêu hãnh ấy được phát triển thái quá để trở thành bản tính kiêu ngạo, khiến Dế Mèn gây ra cái chết của cậu em Dế Choắt, cũng như tự biến mình thành trò tiêu khiển cho người đời.

Chỉ đến khi dần thức tỉnh, Dế Mèn mới dần có sự chiêm nghiệm để học thêm những bài học mới từ những cuộc gặp gỡ với Dế Trũi, Bướm, Xén Tóc, Nhà Trò, Nhện Chúa, Chim Trả....

Đặc biệt, sáng tạo độc đáo của ê kíp làm vở còn gắn với việc bổ sung và tô đậm vai trò của nhân vật mẹ Dế Mèn so với nguyên tác. Xuất hiện không nhiều, bóng dáng của bà vẫn in suốt vở diễn, ở cạnh Dế Mèn trong mọi lúc khó khăn để truyền đi thông điệp về lòng yêu thương và tình mẫu tử.

Bà từng dặn con: “Đường đời lắm chông gai mà bước đường tiếp theo sẽ không có mẹ bên cạnh. Hãy nhớ lời mẹ, sự kiêu hãnh thái quá trong cuộc đời đôi khi luôn phải trả giá đắt”.

Sử dụng khá khéo léo ngôn ngữ tuổi trẻ hiện đại nhưng không “lạc nhịp”, kết hợp các nghệ thuật múa rối hay lối diễn ước lệ của sân khấu truyền thống, Dế Mèn đã từ trang giấy của nhà văn Tô Hoài bước lên sân khấu một cách nhuần nhuyễn và sinh động.

Nhiều bạn trẻ tham dự buổi công diễn ra mắt nói rằng, vở diễn rất thú vị, từng nhân vật được hóa trang độc đáo. Đặc biệt, vở diễn với lối thắt – mở nút với những cao trào đã mang đến sự sâu sắc trong thông điệp về tình mẫu tử và bài học làm người.

Thực tế, việc đưa Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài lên sân khấu không phải là điều mới - khi mà chỉ vài năm trước, một vở diễn tương tự đã được dàn dựng tại Nhà hát kịch Tuổi trẻ với thông điệp: “Tất cả vì hòa bình và chính nghĩa, muôn loài đều là anh em, đều có cuộc hữu nghị và vui vẻ”.

Ở độ tuổi trai tráng trong vở kịch này, Dế Mèn mang vóc dáng vạm vỡ, đôi càng sắc ngạnh, đôi cánh chắc khỏe nhưng bản tính hơi ngỗ ngược, ưa gây gổ, thích bắt nạt kẻ yếu. Trải qua những vấp váp đầu đời đáng nhớ, Dế Mèn dần cứng cáp và trưởng thành hơn.

Dế Mèn đã kết nghĩa “huynh đệ” cùng với Dế Trũi, hai người bạn tri kỷ cùng nhau bước vào những cuộc hành trình đầy thú vị nhưng cũng không kém phần gian nan.

Giữa sông nước mênh mông, bốn phía không thấy bờ, cỏ non dự trữ trên bè thì đã cạn kiệt, hiểm nguy cùng với cái đói – cái rét luôn thách thức hạ gục trí lực của đôi bạn, có lúc Dế Trũi đã định bụng hi sinh đôi càng của mình để làm thức ăn cứu hai anh em. Trong cơn hoạn nạn, Dế Mèn đã bộc lộ tấm lòng thủy trung son sắt trong tình bạn cũng như lòng dũng cảm tuyệt vời.

Rồi đôi bạn Mèn - Trũi đã cùng nhau, họ đặt chân đến tổng Châu Thất, nơi mà Ếch Cốm Đại Vương đang là thủ lĩnh và cai quản cả một vung đồng cỏ tươi tốt. Ở đó, họ gặp và tỉ thí và chiến thắng gã Bọ Ngựa kiêu căng trong sự chúc mừng và tung hô của toàn thể muôn loài.

Trong vở kịch, nhân vật mẹ Dế Mèn xuất hiện xuyên suốt như sợi chỉ về tình mẫu tử.
Trong vở kịch, nhân vật mẹ Dế Mèn xuất hiện xuyên suốt như sợi chỉ về tình mẫu tử.

“Bữa tiệc” cho mùa hè

“Dế Mèn” là vở kịch nhiều thông điệp được thể hiện mềm mại, hài hước, hấp dẫn đối với khán giả nhỏ tuổi. Vở kịch sẽ là “bữa tiệc” đầy hào hứng với những “món ăn” vui nhộn, tình cảm và đầy giá trị nhân văn trong mùa hè này”. Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng

Tuy nhiên, “Dế Mèn” của sân khấu Lệ Ngọc vẫn có những nét riêng, trước hết là việc chủ yếu xoay quanh những bài học đầu đời của chàng dế mà không đi quá sâu vào phần “phiêu lưu ký” phía sau.

Tình yêu thương và tình mẫu tử chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Hình ảnh Dế mẹ luôn xuất hiện bên cạnh giúp Dế Mèn vượt qua khó khăn và trưởng thành cũng chính là ý nghĩa được gửi gắm qua vở kịch.

Vở kịch kéo dài 90 phút cho thấy đạo diễn đã rất dụng công và thành công khi đưa nhiều yếu tố sáng tạo bất ngờ. Điển hình như sử dụng nghệ thuật múa rối, sân khấu lồng sân khấu... để hóa giải hợp lý những tình huống từ trang giấy trên sân khấu kịch.

Đạo diễn cũng lồng ghép nhiều môn nghệ thuật truyền thống, như tuồng, chèo, cải lương, quan họ... tạo sự sinh động và chiều sâu văn hóa cho vở diễn.

Bên cạnh đó, diễn xuất ăn ý, trẻ trung, đồng đều, tích cực tương tác với khán giả của các nghệ sĩ, như: Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc, Nghệ sĩ ưu tú Minh Phương, Anh Tuấn, Thanh Hải, Lâm Cương, Huy Hoàng, Hoàng Nam, Bích Liên, Châu Sa, Anh Đào, Công Phùng... càng làm vở diễn lôi cuốn hơn.

Nhờ vận dụng các loại hình nghệ thuật truyền thống, những hình ảnh thiên nhiên trong vở kịch như tươi đẹp và đầy màu sắc được tái hiện sống động hơn trên sân khấu. Đó là hình ảnh các nàng Bướm đầy màu sắc bay lượn, hình ảnh Dế Mèn bay ra khỏi tổ, bay khỏi giỏ của cậu bé bắt dế...

Song hành với vở diễn, Sân khấu Lệ Ngọc cùng Đại sứ môi trường Nguyễn Như Khôi phát động cuộc thi vẽ “Bí kíp luyện côn trùng” dành cho phụ huynh và các em nhỏ.

Qua đó, các nghệ sĩ hi vọng các bạn nhỏ sẽ hiểu hơn về giá trị của môi trường sống đối với muôn loài. Đồng thời, lan toả ý nghĩa tình bạn, tình mẫu tử trong cuộc sống hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...