Sân khấu Hà Nội: Lảng tránh hiện thực đương thời?

GD&TĐ -Không phải ngẫu nhiên khi tại cuộc hội thảo được Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức, các nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, biên kịch… cùng bày tỏ sự trăn trở về thực trạng chờ mãi không thấy vở diễn về đề tài hiện đại.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 với những vở diễn “trốn” vào đề tài dân gian, dã sử, lịch sử. (Trong ảnh: Cảnh trong vở kịch Trương Chi – Mỵ Nương tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020). Ảnh: TG.
Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 với những vở diễn “trốn” vào đề tài dân gian, dã sử, lịch sử. (Trong ảnh: Cảnh trong vở kịch Trương Chi – Mỵ Nương tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020). Ảnh: TG.

“Phải chăng sân khấu Hà Nội còn lảng tránh hiện thực đương thời?” – PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Sân khấu Hà Nội đặt câu hỏi. 

Chưa nhập cuộc

Không chỉ thế, theo PGS.TS Trần Trí Trắc, sân khấu Hà Nội hôm nay còn chưa nhập cuộc với cuộc sống đổi mới. Chỉ cần nhìn lại chặng đường 20 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã đổi mới mạnh mẽ khiến chính người Hà Nội cũng thấy ngỡ ngàng.

Nhiều giá trị văn hóa, nếp sống, phong tục tập quán của người Hà Nội đã khác xưa quá nhiều, tạo ra phong cách sống kiểu mới hiện đại. Những giá trị đạo đức gia đình trong đạo hiếu đối với cha mẹ, đạo nghĩa đối với vợ chồng, con cái, đạo làm người đối với xã hội biến động từng ngày, mang theo cả nét tích cực và tiêu cực so với truyền thống.

Nhưng buồn thay, thời gian qua, sân khấu Thủ đô đa phần vẫn hướng tới những đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, chiến tranh cách mạng, nước ngoài và dựng lại “vở cũ” làm cho các nhà lý luận phê bình gọi là “xu hướng hoài cổ”.

Có thể kể đến những vở diễn như: “Quan lớn về làng”, “Yêu là thoát tội”, “Vương nữ Mê Linh”, “Huyền thoại Thánh Mẫu” “Nguyễn Công Trứ”, “Tình sử ngàn năm”, “Trương Chi – Mị Nương”, “Nàng thứ phi họ Đặng”, “Duyên kiếp Bạch Trà”, “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”… Qua những vở diễn này, khán giả chỉ thấy nếp sống ngày xưa, đạo lý quá khứ bất biến và trang phục, tập quán của thời phong kiến, thời cách mạng xa vắng…

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy rằng: Xã hội thế nào thì văn nghệ thế ấy; văn nghệ không được đứng ngoài kinh tế và chính trị xã hội; phải miêu tả cho hay, cho chân thật cuộc sống mới, con người mới; nghệ sĩ phải nhập cuộc vào cuộc sống mới để có những tác phẩm mang hơi thở hừng hực của cuộc sống mới, mang âm hưởng của thời đại… Thế mà, những năm qua, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, thì sân khấu Hà Nội phải chăng còn lảng tránh hiện thực đương thời, còn chưa nhập cuộc với cuộc sống đổi mới ở Thủ đô như Bác đã dạy?”, PGS.TS Trần Trí Trắc trăn trở.

Liên hoan… “trớ trêu”

Sân khấu Hà Nội: Lảng tránh hiện thực đương thời? ảnh 1

Trong bản tham luận gửi đến hội thảo, tác giả Nguyễn Hiếu đã nhắc đến Liên hoan Sân khấu Thủ đô chào mừng kỉ niệm 1.010 năm Thăng Long được diễn ra từ hồi cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua.

Cùng với ghi nhận về nét đổi mới của liên hoan lần thứ 4 này là quy tụ được ba đoàn kịch từ các địa phương Bắc Giang, Bạc Liêu và TP Hồ chí Minh góp vui, ông Hiếu còn cho rằng khi nhìn vào kịch mục các vở diễn tham gia so tài thì những người làm sân khấu Hà Nội thực sự buồn, và nếu đối chiếu với chủ đề “Sân khấu Hà Nội với cuộc sống hôm nay” của buổi hội thảo thì “cá nhân tôi phát hiện ra một thực tế trớ trêu”.

Theo đó, liên hoan có 13 vở diễn thì đều là những vở được dựng lại từ những kịch bản cũ, trong đó kịch lịch sử, cổ trang chiếm tới 80%. Nhìn vào kịch mục này người xem thấy dường như liên hoan cố tình né tránh hiện thực bỏng rẫy, đa dạng của thực tế Thủ đô đang được người dân quan tâm. Những kịch bản mang đề tài chung chung, cổ tích, dã sử thành cái khiên che chắn, tạo ra sự yên tâm.

Và trong số những kịch bản cũ ấy thì đáng chú ý là có đến 4 kịch bản của ba cố tác giả: Xuân Trình với “Đợi đến mùa xuân” và “Bạch đàn liễu”, Lưu Quang Vũ với “Người tốt nhà số 5” và Nguyễn Huy Tưởng với “Những người ở lại” được dàn dựng lại.

Tuy nhiên, nhìn vào bốn vở diễn này khán giả hôm nay thấy rõ sân khấu Hà Nội còn núp bóng các giá trị cũ để phản ánh những vấn đề thường bị né tránh và coi là nhạy cảm. Cũng từ đây lộ ra nỗi buồn về cuộc sống Hà Nội với những mảng thực tế đương đại nóng bỏng nhất hôm nay hoàn toàn vắng bóng ở một hội thi nghệ thuật sân khấu mang danh Hà Nội. Vì dù hay đến đâu, quyết liệt đến đâu thì kịch bản của hai tác giả gạo cội đó đã viết từ ba, bốn chục năm trước.

“Bên cạnh những điểm sáng, những đêm đỏ đèn hiếm hoi ở đâu đó giữa Thủ đô thì cũng như tình hình sân khấu cả nước, sân khấu Hà Nội vẫn chưa thực sự chuyển mình về cơ bản, nếu không muốn nói là đang suy thoái. Cái đáng buồn hơn là chất Hà thành ngày càng vắng bóng, hiếm hoi trên văn đàn thì bên sân khấu kịch mục, vở diễn thực sự về cuộc sống Hà Nội hiện nay trong hơn hai thập niên này quá ít, nếu không muốn nói là không có”, tác giả Nguyễn Hiếu nhận định.

Tác giả Hoàng Thanh Du cũng bày tỏ điều đáng buồn là liên tiếp hai cuộc liên hoan sân khấu Thủ đô gần đây tuyệt nhiên thiếu vắng các vở diễn về đề tài cuộc sống Hà Nội hôm nay? Nếu có vở diễn nói về Hà Nội thì đa phần toàn những kịch bản cũ bình mới, rượu cũ và ăn mày dĩ vãng. 

Tác giả yếu kém?

Trước nỗi niềm đau đáu của các nghệ sĩ, nhà phê bình lý luận, tác giả… về câu chuyện sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu cả nước nói chung thiếu vắng những vở diễn kể câu chuyện của cuộc sống hôm nay, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, mấu chốt của vấn đề là tác giả.

Hiện sân khấu vẫn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ. Sân khấu hiện chưa có nhiều tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển.

Tuy nhiên, ở góc nhìn của những người trực tiếp cầm bút, tác giả Nguyễn Hiếu cho rằng, sự đáng buồn đó không phải vì tác giả đang sống ở Hà Nội yếu kém, hoặc thiếu hụt tình yêu với thành phố mình đang sống. Nhưng dù viết về Hà Nội hay, hấp dẫn đến đâu mà kịch bản bị đút ngăn kéo thì đến kiệt tác cũng chỉ bằng thừa.

Tác giả Hoàng Thanh Du thì kể câu chuyện: Qua các trại sáng tác của Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức, nhiều tác giả có kịch bản hay, táo bạo, đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong xã hội của Hà Nội hôm nay nhưng khi mang đến các đơn vị nghệ thuật của chính Hà Nội thì bị trả lại với nhiều lý do, trong đó đa phần vì nỗi e ngại vở gai góc sẽ khó duyệt!

“Còn một vấn đề quan trọng nữa là cách dàn dựng tác phẩm vẫn theo lối mòn. Hầu hết vở diễn đã được ra mắt khán giả, khá “sạch sẽ”... Thậm chí có những đạo diễn trẻ mới tốt nghiệp để an toàn chuyên dựng lại các vở cũ đã có tên tuổi rồi biên tập lời thoại – sự kiện thời sự mới tinh làm mất tính lịch sử bối cảnh kịch bản khi nó ra đời… Theo tôi, cách làm này cần phải lên án loại bỏ”, tác giả Hoàng Thanh Du đề xuất.

Giải pháp nào?

Để giải bài toán khó này của sân khấu Hà Nội, theo NSND Thanh Trầm – Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, muốn có những kịch bản hay, có tầm về đề tài hiện đại cho sân khấu Thủ đô, điều quan trọng cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu.

Đó là phải biết chọn lọc và thẩm định được những người viết có khả năng để đầu tư, bồi dưỡng. Mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật nên chú trọng tạo dựng một vài tác giả sân khấu phù hợp với quan điểm, hướng đi của mình để đầu tư và sinh lời… Hãy đối xử bình đẳng với một kịch bản, không phân biệt của tác giả tên tuổi hay mới vào nghề, bởi tiêu chí cao nhất là: Kịch bản hay.

Tác giả Hoàng Thanh Du cũng kêu gọi các nhà làm sân khấu Hà Nội bằng cách tự thay đổi trong tư duy về cuộc sống hôm nay và thích ứng ngay với đòi hỏi của cuộc sống trong sáng tạo nghệ thuật. Cùng với đó là sự thay đổi quản lý kiểm duyệt theo chiều sâu, trao quyền tự quyết kịch mục cho các đơn vị nghệ thuật cùng quyền phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước các quy định của pháp luật.

NSND Quốc Chiêm thì cho rằng phải có chiến lược đặt hàng sáng tác những tác phẩm sân khấu có chất lượng, đầu tư có chiều sâu nghệ thuật để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao phục vụ nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng. Cùng với đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tác giả, chăm sóc các tài năng văn học, nghệ thuật cũng rất cần thiết.

Tác giả Lê Quý Hiền và tác giả Nguyễn Hiếu cùng dẫn chứng về cách làm mới đây của Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và được cho là đáng để Hà Nội học tập. Đó là tháng 9 vừa qua, Sở Văn hóa Hải Phòng đã mời khá đông các tác giả sân khấu từ mọi miền đất nước kí kết hợp đồng viết kịch bản về con người và cuộc sống Hải Phòng hôm nay để các đơn vị nghệ thuật dàn dựng với tần suất mỗi tháng có một tiết mục sân khấu mới.

Đồng thời, Hải Phòng còn dự kiến mời các đoàn nghệ thuật của Trung ương và các tỉnh diễn kịch về đề tài Hải Phòng. Còn ở TP Hồ Chí Minh, nhân kỉ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành ủy TP Hồ Chí Minh giao Sở Văn hóa tổ chức cuộc thi âm nhạc và kịch bản sân khấu về sự chuyển biến của thành phố sau 45 năm thống nhất đất nước với mức thưởng 100 triệu đồng cho giải A, giải Khuyến khích là 30 triệu đồng - “một mức thưởng anh em văn nghệ sĩ các tỉnh trong đó có Thủ đô Hà Nội mơ ước”, tác giả Nguyễn Hiếu bày tỏ. 

“Vậy tại sao lại xảy ra thực tế này? Những người làm công tác quản lý hay biểu diễn sân khấu của Hà Nội đã bao ra giờ đặt ra câu hỏi này chưa? Và nếu có thì đã có biện pháp để cải thiện về điều này hay không?”, tác giả Hoàng Thanh Du băn khoăn đặt câu hỏi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ