Sai phạm về quản lý đất công tại TPHCM: Vì sao cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường án chồng án?

Sai phạm về quản lý đất công tại TPHCM: Vì sao cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường án chồng án?

Sai phạm có hệ thống nhưng vẫn… kêu oan

Năm 2019 khép lại với phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) và các đồng phạm, bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến nhà đất số 15 Thi Sách (Q.1, TPHCM). Trong đó, bị cáo Đào Anh Kiệt – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM bị kết án 6 năm 6 tháng tù.

Trả lời phần xét hỏi tại tòa ngày 26/12, Đào Anh Kiệt là bị cáo duy nhất cho rằng mình bị oan sai: “Bị cáo có oan sai vì bị cáo không phải là đơn vị quản lý tài sản công, không thể xử lý giá trị tài sản được.

Đây là nhiệm vụ của Công ty Quản lý nhà và Sở Tài chính tham mưu cho UBND TP. Xuyên suốt quá trình tham mưu cho ủy ban, bị cáo chỉ biết một mục đích duy nhất là giao nhà đất 15 Thi Sách vì nghiệp vụ an ninh, không phải vì mục đích thương mại”.

Vừa xong vụ án liên quan đến nhà đất 15 Thi Sách thì Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) liên quan vụ thâu tóm “đất vàng” số 8 -12 Lê Duẩn (Q.1, TPHCM).

Theo đó, Cơ quan CSĐT đã chuyển hồ sơ qua Viện KSND tối cao đề nghị truy tố. Bên cạnh bị can chủ chốt là ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM giai đoạn 2008 - 2011) thì bị can Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TPHCM) xếp hàng thứ 2.

KLĐT nêu: Sở TN&MT là cơ quan tham mưu cho UBND TPHCM thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai… các bị can Kiệt, Nam, Út nhận thức rõ khu đất 8 -12 Lê Duẩn là nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước...

Tại thời điểm tham mưu, đề xuất, các bị can Út, Nam, Kiệt nhận thức được Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 về sửa đổi bổ sung một điều của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước đã có hiệu lực; nhận thức được Công ty Lavenue không phải đối tượng được giao đất, cho thuê đất chỉ định tại số 8 - 12 Lê Duẩn.

Biết hồ sơ dự án chưa đầy đủ, chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, chưa thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư nhưng vẫn tham mưu, đề xuất để bị can Nguyễn Thành Tài duyệt, ký. Bị can Kiệt, Nam, Út là đồng phạm với vai trò giúp sức cho bị can Nguyễn Thành Tài

Ngoài ra, ông Đào Anh Kiệt còn bị khởi tố do liên quan đến quá trình xử lý khu đất số 2 - 4 - 6 đường Hai Bà Trưng (Q.1 TPHCM))… Trong quá trình mở rộng điều các vụ án, Cơ quan CSĐT đã tiến hành bắt giam thêm một số bị can sai phạm liên quan.

Bị cáo Đào Anh Kiệt được áp giải tại phiên tòa liên quan đến sai phạm nhà đất số 15 Thi Sách. Ảnh: Như Ý
Bị cáo Đào Anh Kiệt được áp giải tại phiên tòa liên quan đến sai phạm nhà đất số 15 Thi Sách. Ảnh: Như Ý 

Kiến nghị giải pháp biến của công thành tư

Tham gia nhiều vụ án liên quan đến sai phạm về quản lý đất đai, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TPHCM, người tham gia bào chữa cho ông Tín) chia sẻ rằng, vấn đề ở TPHCM trong thời kỳ từ 2009 - 2018 nó không hẳn là do sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật. Có nhiều nguyên nhân trong đó có “cả nể cơ quan, lãnh đạo cấp trên hay chủ quan về nhận thức pháp luật”.

“Một số cơ quan tham mưu như Sở TN&MT hoặc Sở Tài chính, Văn phòng UBND... có những sai sót do sự buông lỏng quản lý. Không quán triệt việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật mang tính thời điểm. Cá biệt như văn bản Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg. UBND TPHCM thành lập Ban chỉ đạo 09 nhưng hầu như chẳng có hoạt động cụ thể nào.

Vì thế, các cơ quan giúp việc lúng túng nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Dù biết chưa đúng quy định pháp luật nhưng lại không dám ý kiến. Vì sợ cấp trên, chủ quan nghĩ rằng nếu sai thì lãnh đạo chịu trách nhiệm... Cũng không loại trừ một vài yếu tố chủ quan khác nhưng phải do CQĐT chứng minh cụ thể mới đánh giá được” - Luật sư Huyền Trang bày tỏ.

Liên quan đến sai phạm tại nhà đất 8 - 12 Lê Duẩn, KLĐT nhận định: “Còn có sự buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm của các cơ quan Nhà nước về lĩnh vực đất đai công sản. Mặt khác, các quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở để cá nhân lợi dụng lách luật.

Thực hiện các hành vi có thủ đoạn tinh vi, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân, cố tình áp dụng không đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất công sản. Từng bước chuyển quyền sở hữu tài sản công thành tài sản của các doanh nghiệp tư nhân.

Việc thất thoát, lãng phí về đất đai, tài sản Nhà nước không chỉ trong vụ án này mà còn xảy ra tại một số nhà, đất công sản khác trên địa bàn TPHCM như 15 Thi Sách, 2 – 4 - 6 Hai Bà Trưng, 129 Pasteur...”.

Để phòng ngừa, kịp thời phát hiện các sai phạm trong công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo, đề xuất Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, quán triệt việc thực hiện nghiêm túc các quy định.

Kịp thời rà soát và phát hiện các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, chú trọng đến thủ tục pháp lý, xác định giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.