Sai lầm trong dinh dưỡng của người Việt

GD&TĐ - Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, cơ cấu bữa ăn của người Việt có sự thay đổi đáng kể. 

Sai lầm trong dinh dưỡng của người Việt

Ăn cho sướng cái miệng

Nhìn vào bữa ăn người dân hiện nay sẽ thấy lượng thịt tăng lên đáng kể. Năm 1985, lượng thịt động vật một người tiêu thụ trong ngày là 13,6 gam, 40,1 gam cá và 1,7 gam trứng hoặc sữa thì đến năm 2000, con số trên tăng lần lượt là 51 gam thịt, 52 gam cá và 10,3 gam trứng/sữa. Đến năm 2010, lượng thịt động vật mỗi người sử dụng tăng lên đáng kể (84 gam) trong khi cá lại chỉ đạt mức 59,8 gam và 32,3 gam trứng/sữa.

Cùng với thịt, lượng mỡ người dân tiêu thụ cũng tăng lên đáng kể. Năm 1965 là 4,5 gam chất béo động vật đến năm 2010 tăng lên 20,4 gam. Tương tự, chất béo từ dầu thực vật và đồ ăn chế biến sẵn cũng gia tăng.

Theo nhận định của PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cơ cấu bữa ăn thay đổi là điều đáng mừng. Một mặt nào đó nó chứng minh đời sống người dân ngày một khấm khá hơn. Tuy nhiên, là chuyên gia dinh dưỡng, PGS Mai cũng không khỏi e ngại về sự mất cân đối các dưỡng chất mà người Việt đang tiêu thụ hàng ngày.

PGS Mai cho biết: Người Việt ăn no hơn, nhiều chất hơn nhưng chỉ là ăn theo sở thích, ăn cho sướng cái miệng chứ chưa khoa học, hợp lý. Điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tình trạng phổ biến trong bữa ăn người Việt là nhiều món ăn nhưng lại thiếu dinh dưỡng. Dinh dưỡng đó là các vi chất như sắt, canxi, vitamin A, I ốt… tuy chiếm hàm lượng nhỏ trong cơ thể nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể.

Một thói quen xấu của người Việt nữa là dùng quá nhiều nước đóng chai. Nếu như trước kia, người dân chỉ biết đến một vài loại nước ngọt, nước tăng lực nhập khẩu thì nay hàng trong nước ngập tràn. Với cảm giác sảng khoái, xua tan mệt mỏi, nước ngọt đóng chai dường như trở thành đồ uống hàng ngày, thậm chí uống thay nước lọc.

Nhiều bậc cha mẹ cũng chiều trẻ nhỏ, cho chúng ăn đồ ăn sẵn, uống nước đóng chai thường xuyên. PGS Mai cho rằng: Tác dụng mà nước đóng chai mang lại chỉ là cảm giác còn sự thật nước đóng chai, nước ngọt có gas hay bổ sung hoa quả, sữa đều không tốt cho sức khỏe bởi chúng chứa quá nhiều đường, các chất hóa học như hương liệu tổng hợp, chất bảo quản…

Khổ cái thân

Thiếu kiến thức về dinh dưỡng nên dù kinh tế khá giả vẫn không làm thay đổi được tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và thiếu vi chất ở người lớn hiện nay. Kết quả điều tra tình trạng dinh dưỡng trẻ em năm 2014 của Viện Dinh dưỡng cho thấy, cứ 6 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân và cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi lại có trẻ bị thấp còi.

Bên cạnh đó còn 28% trẻ bị thiếu máu. Thiếu máu thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi (45%). 69,4% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm. Ở người lớn, có 54,3% phụ nữ có thai thiếu sắt hoặc thiếu máu; 80% phụ nữ có thai thiếu kẽm; 35% phụ nữ đang cho con bú có sữa mẹ với hàm lượng vitamin A thấp. Mức thiếu hụt vi chất dinh dưỡng này được xác định là cao trong lĩnh vực y tế công cộng.

Bên cạnh tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thì trẻ béo phì và tiểu đường lại ngày một gia tăng. Nguyên nhân do trẻ ít vận động và ăn quá nhiều chất béo từ đồ ăn nhanh, uống nhiều loại nước chứa đường.

Theo PGS Lê Bạch Mai: Từ lâu, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chúng ta không nên lạm dụng đồ uống đóng chai nhưng ở Việt Nam thì trẻ nhỏ và ngay cả người lớn cũng nghiện nó và uống rất nhiều. Chỉ cần để ý kỹ một chút sẽ thấy thành phần chủ yếu trong chai nước này là đường đôi và đường đơn (loại đường cung cấp năng lượng nhanh như glucose, fructose, sucrose, lactose).

Trung bình cơ thể con người chỉ cần dưới 5% lượng đường đôi hoặc đơn mỗi ngày nên nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng chán ăn, chướng bụng, tăng đường huyết và lâu dần thành tiểu đường. Có trẻ được tẩm bổ quá nhiều không chỉ béo phì mà còn bị dậy thì sớm. Khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) hiện quản lý hàng trăm hồ sơ trẻ bị dậy thì sớm. Nam có, nữ có và phần lớn trẻ đều phát triển bề ngang còn chiều dài lại khiêm tốn.

Thói quen ăn uống không hợp lý làm hại thân là bỏ bữa sáng, ăn bù vào bữa trưa và ăn no vào buổi tối. Việc làm này khiến dạ dày luôn trong tình trạng quá tả quá hữu, dễ dẫn đến tình trạng đau, loét hoặc bội thực tiêu hóa. Mặt khác, thói quen chỉ uống khi khát và ít ăn hoa quả cũng khiến cơ thể luôn trong tình trạng thiếu nước, thiếu chất xơ… rất mệt mỏi, tiêu hóa khó.

- Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng phải cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể.

- Chất sinh năng lượng là bột (chiếm 65% - 70%), đạm (12% - 14%) và chất béo (18% - 20%). Rau và hoa quả cung cấp các vitamin, chất khoáng và xơ. Bên cạnh đó, còn phải bảo đảm cân đối về nguồn thức ăn động vật và đạm thực vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ