Sai lầm thường mắc khi xử trí trẻ nôn và tiêu chảy

GD&TĐ - Không ít phụ huynh mắc sai lầm khi xử trí trẻ nôn và tiêu chảy. Trong đó, cho trẻ uống kháng sinh khi chưa rõ căn nguyên, ăn uống kiêng khem, tự mua dịch về truyền tại nhà... là những sai lầm phổ biến.

Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Ảnh minh hoạ.
Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Ảnh minh hoạ.

Nguyên nhân gây tiêu chảy

Những ngày qua, số trẻ mắc các bệnh về tiêu hóa gia tăng. Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày qua ghi nhận số trẻ đến khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa tăng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa bệnh viện, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến khám các vấn đề về tiêu hóa. Trong đó, khoảng 10 - 20 trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng tiếp nhận 10 - 30 trẻ mỗi ngày, 40 bệnh nhi đang điều trị nội trú. Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng tiếp nhận hàng chục trẻ mắc bệnh về tiêu hóa, ăn uống kém, rối loạn điện giải, hạ đường huyết...

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, nhiễm khuẩn tiêu hoá là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau bụng và nôn ở trẻ em. Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày - ruột cấp, do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, Covid-19 gây ra. Viêm dạ dày ruột có thể xảy ra khi trẻ ăn thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm khuẩn. Hoặc, trẻ ngậm tay, tiếp xúc đồ chơi bị nhiễm bẩn.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… Từ đó, dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Việc sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh cũng dễ gây nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm.

“Mùa hè là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch nhiều hơn, sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn, như: Thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả. Điều đó làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày - ruột do nhiễm khuẩn”, chuyên gia cho biết.

PGS Hà cho biết, nôn trớ do viêm dạ dày - ruột nhiễm khuẩn thường bắt đầu đột ngột và hồi phục nhanh trong vòng 24 giờ. Các biểu hiện khác như tiêu chảy phân nhày máu, sốt hoặc đau bụng sẽ xuất hiện đồng thời hoặc sau 12 - 24 giờ.

Bên cạnh đó, chế độ ăn không phù hợp như ăn uống quá độ, dị ứng thực phẩm, hay độc chất, hoặc dùng thuốc quá liều cũng là nguyên nhân thường gặp gây nôn trớ và đau bụng ở trẻ em.

Không tự ý sử dụng thuốc cầm nôn

Theo PGS Hà, khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ, nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa bé đến bệnh viện kịp thời.

Đồng thời, phụ huynh cần cho trẻ uống nước đủ để tránh bị mất nước khi nôn hoặc tiêu chảy nhiều. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (Oresol). Có nhiều chế phẩm (viên, gói bột) để pha dung dịch Oresol, cha mẹ cần pha đúng theo hướng dẫn.

“Không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy. Nôn và tiêu chảy là một hoạt động bảo vệ cơ thể để tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu và kéo dài thời gian lưu lại trong đường tiêu hoá của vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm làm trẻ đầy, chướng bụng, và kéo dài thời gian bị bệnh”, chuyên gia khuyến cáo.

Phụ huynh nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh. Sau đó, cho trẻ ăn bình thường và nhiều hơn khi hồi phục. Nếu trẻ không nôn trớ từ 12 - 24 giờ, có thể cho bé ăn uống bình thường, kết hợp uống nhiều nước.

Bắt đầu với những thực phẩm dễ tiêu hóa như ngũ cốc hay sữa chua. Nếu trẻ có biểu hiện sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ có thể cho con sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường như Efferalgan, Hapacol, Tylenol

Trong khi đó, bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, không ít phụ huynh mắc sai lầm khi trẻ nôn và tiêu chảy. Trong đó, cho trẻ uống kháng sinh khi chưa rõ căn nguyên (chủ yếu là căn nguyên virus và độc tố vi khuẩn) là sai lầm thường gặp nhất. Thực tế, theo bác sĩ Cường, kháng sinh không phải là thứ trẻ cần nhất khi bị nôn và tiêu chảy. Thay vào đó, yếu tố quan trọng là bù nước điện giải.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể chụp lại ảnh phân của trẻ cho bác sĩ. Trong khi đó,  nhiều phụ huynh tự cho trẻ uống Augmentin. Song, điều đó càng khiến trẻ tiêu chảy nhiều hơn. Ngoài ra, việc cho trẻ uống cầm tiêu chảy và nôn cũng là một sai lầm phổ biến. Việc uống những loại thuốc này có thể làm giảm đào thải tác nhân và độc tố.

Các sai lầm khác bao gồm cho trẻ ăn uống kiêng khem, tự mua dịch về truyền tại nhà, cho con uống nước ngọt. Theo bác sĩ Cường, việc ăn uống kiêng khem sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng. Thay vào đó, phụ huynh nên cho trẻ ăn loãng, chia nhiều bữa nhỏ. Trong khi đó, việc cho trẻ uống nước ngọt càng khiến bé tiêu chảy nhiều và mất nước nhanh hơn.

Để phòng bệnh, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường khuyến cáo, cha mẹ cần nhắc trẻ rửa tay trước khi ăn, luôn để sát khuẩn tay trong cặp. Đồng thời, không ăn đồ lạ, không dùng chung đồ như bát, đũa, hạn chế ngậm đồ chơi. Phụ huynh cần lau sạch tay nắm cửa nhà vệ sinh, cho trẻ ăn đồ chín. Lưu ý, khi trẻ đang nôn, phụ huynh không cho bé uống sữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.