Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 týp virus khác nhau.
Số ca tử vong tăng
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có 18 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Thuận. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc giảm, nhưng tử vong tăng 5 trường hợp.
Cục Y tế dự phòng cảnh báo, đang là thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Số mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.
Cục Y tế dự phòng kêu gọi cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát, lan rộng. Hạn chế tối đa số mắc và tử vong. Đồng thời, đề nghị các Sở Y tế tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng cao từ đầu tháng 9 đến nay. Cụ thể, tính từ ngày 10 đến sáng 28/9, có hơn 100 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Riêng tại Khoa Virus - Ký sinh trùng của bệnh viện, có trung bình khoảng 10 bệnh nhân điều trị một ngày. Trong đêm 30/9, khoa tiếp nhận 17 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Trong tháng 8 và tháng 9, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 70 trẻ mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có những bệnh nhi 5 - 6 ngày tuổi.
Một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Khoa A4B, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cảnh báo, người nhiễm virus Dengue thường mắc những sai lầm khiến bệnh trở nặng thậm chí tử vong. Theo chuyên gia này, sai lầm thường gặp đầu tiên là chủ quan không đi khám bệnh.
“Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà, nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi.
Bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng. Sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời”, bác sĩ Hiệp cho biết.
Trong khi đó, không ít bệnh nhân mắc sai lầm khi cho rằng, hết sốt là khỏi bệnh. Thực tế, bác sĩ Hiệp cảnh báo, sau sốt cao là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Chuyên gia này lý giải, sau 2 - 7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn. Song, đây là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng có thể nhận biết rõ bao gồm: Xuất huyết dưới da, chảy máu cam…
“Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều người nghĩ rằng, sẽ chỉ mắc sốt xuất huyết 1 lần trong đời. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Bác sĩ Hiệp giải thích, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 týp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Vì vậy có thể hiểu rằng, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 týp virus khác nhau.