Trường hợp trên xảy ra với một bệnh nhân nữ tên H (ngoài 40 tuổi, Hà Nội) và chị đã bị hiếm muộn 23 năm nay.
TS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã tiếp nhận trường hợp trên và được bệnh nhân kể về thói quen vệ sinh không đúng cách.
Theo lời chị H, chị lấy chồng từ năm 22 tuổi, mặc dù đã chạy chữa bao năm qua nhưng hai vợ chồng vẫn chưa có con. Thấy tuổi đã cao, chị H quyết định đi khám để làm thụ tinh ống nghiệm.
Chị H cho biết chị đã từng bị u nang buồng trứng phải cắt bỏ một bên. Do đó chị luôn nghĩ chính ca phẫu thuật này là nguyên nhân khiến chị khó có con.
Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Thành phát hiện nguyên nhân khó có con tự nhiên của chị H là do vòi trứng bị tắc. Khai thác sâu hơn tiền sử bệnh, chị H kể tính chị sạch sẽ nên thường kỳ cọ "vùng kín" rất kỹ. Thậm chí chị còn dùng tay kỳ cọ, xối nước vào để "cô bé" luôn được sạch sẽ.
Nghe xong bác sĩ Thành khá bất ngờ bởi nguyên nhân tắc vòi trứng có thể dẫn đến hiếm muộn. Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến tắc là do bệnh nhân cho tay vào kỳ cọ âm đạo mỗi lần rửa. Khi đó, chất bẩn sẽ đẩy ngược lên tử cung, điều này cũng giống như một chiếc máy bơm đẩy cặn bã, vi khuẩn và gây tắc vòi trứng.
Vị bác sĩ điều trị cũng cho biết, trước khi đi khám, vì sợ bác sĩ chê bẩn nên bệnh nhân đã kỳ cọ rất cẩn thận vùng kín.
Với hướng điều trị cho trường hợp trên, bác sĩ Thành chia sẻ, cần thực hiện chuyển phôi, đồng thời phải dừng ngay thói quen vệ sinh âm đạo như trước.
Ngoài ra vị bác sĩ cũng cảnh báo việc dùng tay kỳ cọ, thụt rửa vùng sinh dục có thể làm hại chức năng và hệ thống sinh sản của người phụ nữ.
Vệ sinh vùng kín không đúng cách gây hậu quả nghiêm trọng (Ảnh minh hoạ) |
"Thụt rửa không chỉ gây hại trực tiếp là làm khô rát âm đạo mà còn có thể gây vô sinh như trường hợp trên. Thậm chí, tôi từng tiếp nhận một bệnh nhân có vòi trứng phình to như cái cốc vì viêm nhiễm do thụt rửa", bác sĩ Thành nói.
Còn nhớ hồi giữa tháng 6/2022, ThS.BS Phạm Thị Bảo Yến - BS Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cũng từng cho biết, việc vệ sinh sai cách có thể gây tổn thương và viêm nhiễm ở vùng âm hộ, âm đạo.
Tình trạng viêm nhiễm nếu lan lên tử cung, vòi trứng, buồng trứng (nhiễm khuẩn ngược dòng) sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận này, từ đó làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới.
Môi trường âm đạo có độ pH nằm trong khoảng 3.8-4.2; tồn tại một hệ vi sinh vật phong phú, gồm những vi khuẩn có lợi và có hại chung sống với nhau. Việc sử dụng các chất tẩy rửa như sữa tắm, một số loại dung dịch vệ sinh phụ nữ, các sản phẩm vệ sinh ngoài da, đặc biệt là sản phẩm có mùi sẽ làm thay đổi pH ở vùng này, tiêu diệt những vi khuẩn có lợi và gây loạn khuẩn âm đạo. Điều này tạo cơ hội để các tác nhân gây hại từ bên ngoài xâm nhập và gây viêm nhiễm tại đây.
Bác sĩ Bảo Yến cho biết: Để duy trì độ pH ổn định, tránh tình trạng viêm nhiễm, phụ nữ nên vệ sinh vùng kín bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, không mùi, có pH gần với pH sinh lý của âm đạo.
Vệ sinh quá thường xuyên (trên 4 lần/ngày) cũng có thể gây ảnh hưởng đến môi trường ở âm hộ, âm đạo và làm tăng nguy cơ dẫn đến loạn khuẩn âm đạo. Theo bác sĩ Bảo Yến, phụ nữ nên rửa vùng âm hộ, âm đạo khoảng 1-2 lần mỗi ngày bằng nước ấm hoặc các dung dịch vệ sinh dịu nhẹ
Nếu nhận thấy dịch âm đạo có những dấu hiệu bất thường, phụ nữ nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và điều trị. Ngoài ra cần chú ý không dùng vòi xịt quá mạnh để vệ sinh vùng kín. Bởi điều này cũng có thể gây ra những tổn thương tương tự như việc thụt rửa, từ đó làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới.
Theo vị bác sĩ chia sẻ, âm hộ và hậu môn của phụ nữ nằm rất gần nhau. Tuy nhiên, hậu môn là nơi tồn tại nhiều loại vi khuẩn gây hại từ đường tiêu hóa. Nếu duy trì thói quen lau khô từ sau ra trước, phụ nữ rất dễ bị nhiễm khuẩn ngược dòng từ hậu môn ra âm hộ, âm đạo. Thay vì như vậy, các chị em nên lau khô từ trước ra sau.