Sách tự truyện: Chỉ là câu chuyện cá nhân?

Sách tự truyện: Chỉ là câu chuyện cá nhân?

Vậy liệu rằng, nếu chỉ dừng lại ở câu chuyện cá nhân thì sách tự truyện có đủ sức cuốn hút bạn đọc? 

Bắt đầu từ đâu?

Khi dẫn dắt buổi tọa đàm trực tuyến: “Trend sách tự truyện những năm gần đây” do Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 tổ chức, nhà báo Trần Hữu Việt (Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ Báo Nhân dân) đã điểm lại: Xu hướng viết tự truyện xuất hiện trong khoảng 5 - 6 năm trở lại đây và tạo nên sức sống mới của văn chương nước nhà. Trong số đó, có một số cuốn gây tiếng vang thậm chí còn đạt được những kỷ lục xuất bản, chẳng hạn như: “Quân khu Nam Đồng” (Bình Ca), “Hồi ức lính” (Vũ Công Chiến), “Chuyện lính Tây Nam” (Trung Sĩ), “Lê Vân yêu và sống” (Lê Vân), “Những thước phim trong suốt” (Nguyễn Hữu Tuấn), “Lính Hà” (Nguyễn Ngọc Tiến)...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa lại cho rằng sách hồi ký đã được manh nha từ trước kia, như cuốn “Tuổi thơ im lặng” của nhà văn Duy Khán chỉ viết những câu chuyện lặt vặt quanh mình nhưng gộp lại thành một tự truyện rất hay. Tiểu thuyết “Thời xa vắng” cũng có thể gọi là tự truyện của anh nông dân Giang Minh Sài nhưng thực ra là tự truyện của nhà văn Lê Lựu. Sau đó, một loạt những tự truyện khác xuất hiện như “Mùa chinh chiến ấy”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20”... Gần đây, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đã trao thưởng cho cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của Trần Mai Hạnh, “Trụ lại” của Hồ Duy Lệ...

Lý giải về xu hướng sách tự truyện hiện nay, nhà báo Hữu Việt đưa ra nguyên do: Tình trạng xuất bản cởi mở đóng góp vào việc mọi người có thể nói ra những suy nghĩ, đời sống quá khứ của mình thông qua văn bản. Cùng với đó, việc xuất hiện Internet, các trang mạng xã hội giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau, nhiều cuốn sách ra đời bắt đầu từ những bài viết trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, con người ngày càng có nhu cầu chia sẻ.

PGS.TS Văn Giá thì lý giải ở góc độ ngày nay mọi người được quyền nói về con người riêng tư, mà mỗi con người là một bí ẩn, một kho bí mật của đời sống. Trong khi đó, độc giả luôn có nhu cầu được lắng nghe chúng. “Cho đến hôm nay, văn chương hư cấu – mảng văn chương đem lại sự chân thực cho độc giả hình như còn hơi thiếu. Vì thế, để bù đắp vào chỗ có vẻ thiếu này, tự truyện ra đời để bù và làm nên sự chân thực tận cùng của văn chương” – PGS.TS Văn Giá nói.

Chỉ là câu chuyện cá nhân, chưa đủ

Mặc dù sách tự truyện đang chiếm lĩnh thị phần không nhỏ trên văn đàn trong mấy năm qua, song theo các nhà văn, nhà nghiên cứu, nếu tự truyện chỉ dừng lại ở câu chuyện của riêng cá nhân thì chưa đủ. Bàn về điều này, PGS.TS Văn Giá tiếp tục nhấn mạnh tự truyện có vị trí như vậy vì nó chân thực cả trong câu chuyện lẫn tấm lòng người cầm bút. Các cuốn tự truyện luôn thật hơn tiểu thuyết, được các tác giả dựng lên từ đời sống của chính mình và đời sống của thời đại mà tác giả sống trong nó, thuộc về nó...

Tuy nhiên, ông Giá cũng lưu ý, nếu sách tự truyện chỉ dừng lại ở câu chuyện cá nhân, chỉ là những câu chuyện buồn vui riêng tư là thất bại. Điều quan trọng của mỗi cuốn tự truyện là câu chuyện phải nhận được sự cộng hưởng, qua chuyện cá nhân để độc giả được hiểu về một thời đại, thấy được quan hệ của người viết với đời sống thế nào. “Tôi đọc những cuốn tự truyện như: “Lê Vân yêu và sống”, “Quân khu Nam Đồng”, kể cả ngược về xa nữa là “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng thì qua đó thấy cả một thời đại. Đấy là những người viết thắng, còn nếu người viết nào chỉ đi vào câu chuyện khép kín, không tìm được mối liên hệ thật máu thịt, mối liên hệ tử tế với đời sống bên ngoài là thất bại” – PGS.TS Văn Giá gợi mở.

Góp thêm về vấn đề này, một trong số các tác giả của cuốn tự truyện “Tuổi thanh xuân còn mãi” vừa mới được NXB Văn học ấn hành, ông Hoài Nam dẫn cuốn tự truyện “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài và cho rằng đây là cuốn tự truyện rất hay khi qua đây nhà văn nói lên thời kỳ cải cách ruộng đất. Vì vậy, ngay với tác phẩm “Tuổi thanh xuân còn mãi” dù đã đạt được thành công nhất định song, ông Hoài Nam mong muốn nếu có những tập tiếp theo thì những bài viết không nên dừng lại ở tính chất báo tường mà cần nâng cao tính chất văn học. Mỗi người viết cần gửi gắm vào đó những tâm tư nguyện vọng, hoài bão có thể lay động độc giả, khiến độc giả hiểu được lưu học sinh thời đó sống như thế nào, trăn trở những gì. 

Trước thắc mắc, vì sao sách tự truyện tập 1 rất hay song nhạt dần khi ra tập 2, tập 3..., TS tâm lý học Cù Thu Hương (Pháp) đưa ra góc nhìn: Viết tự truyện phụ thuộc vào cảm xúc. Có thể cuốn đầu người viết nhớ về sự việc trong trạng thái cảm xúc rất dâng trào nên khi viết gửi gắm vào đó không chỉ là những chi tiết hàng ngày người viết đã đi qua mà còn gửi gắm vào đó những tình cảm, kể cả những giọt yêu thương. Những tập sau được viết trong trạng thái tâm tư chưa thật cảm xúc nên như văn kể chuyện, rất rời rạc, không có sự gắn kết, không có cảm xúc.

Nhà văn Trần Đăng Khoa thì cho rằng, khi viết cuốn tự truyện đầu tiên là ký ức sâu đậm nhất, viết lại bao giờ cũng rất hay. Những cuốn sau đó là gạn đục khơi trong, là tìm những gì còn lại thì độ hay sẽ giảm đi. Theo ông, muốn có một cuốn sách hấp dẫn là phải có vấn đề hấp dẫn, chạm đến độc giả.

“Hiện nay có những nghệ sĩ trẻ cũng viết tự truyện nhưng không khỏi dấy lên dư luận đấy là một hình thức PR tên tuổi chứ chưa hẳn chất lượng. Quan trọng là PR như thế nào, nếu quá đi một chút sẽ thành đánh bóng tên tuổi. Nếu giữ được ở mức độ nào đó để thông qua đời sống cá nhân nói về đời sống xung quanh, hiện lên số phận của đất nước, hiện lên đời sống của người xung quanh và để bạn đọc nghĩ về đời sống nhân ái hơn, tốt đẹp hơn thì mới thành công. Đây gọi là đạo đức thể loại”. - PGS.TS Văn Giá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ