Sách giáo khoa hình cho người khiếm thị

GD&TĐ - Quy trình công nghệ của ĐHQG TPHCM, giúp các đơn vị nuôi dạy học sinh khiếm thị thuận tiện hơn trong việc chế bản sách giáo khoa dạng chữ nổi.

Bản in sách giáo khoa nổi cho người khiếm thị.
Bản in sách giáo khoa nổi cho người khiếm thị.

Quy trình công nghệ của nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) giúp các đơn vị nuôi dạy học sinh khiếm thị thuận tiện hơn trong việc chế bản sách giáo khoa dạng chữ nổi.

Chuyển sách giáo khoa in chữ sang in hình

ThS Phan Nguyễn Ái Nhi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) cho biết, từ đầu năm học 2020 - 2021, các cơ sở giáo dục, trung tâm và mái ấm nuôi dạy trẻ em khiếm thị tại TPHCM gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện các bộ sách giáo khoa hình và chữ nổi trên nền tảng các bộ sách biên soạn theo chương trình mới, đặc biệt đối với các môn học như Toán, Tự nhiên và Xã hội (TNXH), Khoa học và Tự nhiên (KHTN).

Các bộ sách giáo khoa mới được đầu tư biên soạn rất công phu, tích hợp đa dạng nội dung với nhiều hình ảnh sinh động mô tả đặc điểm, tính chất và chuyển động của vật thể. Điều này hỗ trợ tốt cho việc dạy và học theo định hướng giáo dục mới đối với học sinh bình thường, nhưng dẫn đến yêu cầu cao về việc nghiên cứu, thay đổi hình ảnh cho phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến nội dung các môn học cần chế bản để in sách cho học sinh khiếm thị. Đây là thử thách lớn cho đội ngũ chuyển đổi sách giáo khoa ở các trường chuyên biệt nói chung.

Khắc phục khó khăn này, nhóm các nhà khoa học đã xây dựng quy trình thực hiện và hệ thống chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị. ThS Phan Nguyễn Ái Nhi cho biết, hai lý do chính dẫn đến tình trạng khan hiếm sách chữ nổi là do thiếu nguồn nhân lực có kỹ thuật tốt và chi phí nguyên vật liệu, trang thiết bị máy móc chuyên dụng quá cao (5.500 - 7.500 đồng/tờ giấy ép nhiệt và khoảng 700 triệu đồng cho máy ép nhiệt và máy in chữ Braille).

Hệ thống sách giáo khoa được sản xuất vẫn tập trung chủ yếu vào sự mô tả bằng ngôn ngữ hơn là minh họa hình nổi. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tri thức của học sinh khiếm thị, đặc biệt là ở các môn Toán, TNXH, KHTN vốn dĩ luôn đòi hỏi phải có hình ảnh minh họa cho khái niệm, tính chất, nguyên lý và các bài tập ứng dụng.

Về cơ bản, có thể hiểu chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị là hệ thống các phôi, khuôn hay mẫu in gồm nhiều hình ảnh và chữ nổi được chuyển đổi trực tiếp từ sách giáo khoa, làm cơ sở tạo thành những cuốn sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille hỗ trợ việc học cho học sinh khiếm thị qua các quá trình đúc, thổi, in, ép… bằng nhiều kỹ thuật khác nhau.

Những cuốn sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille này sẽ được tạo thành theo công năng của máy ép nhiệt Thermoform (loại máy đặc thù được dùng để sản xuất sách cho học sinh khiếm thị với loại giấy Brailon chuyên dụng) bằng kỹ thuật tạo hình chân không.

Do đó, các nguyên vật liệu được dùng để làm chế bản chủ yếu là giấy carton, bìa cứng và một số loại nguyên vật liệu không nóng chảy khác để đảm bảo độ bền và độ phân lớp rõ nét của hình ảnh trên chế bản.

Xác định đúng nội dung chữ, hình cần thực hiện

Việc có sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille kịp thời sẽ giúp quá trình học tập của học sinh khiếm thị tham gia hòa nhập trở nên thuận lợi hơn. Từ đây, thúc đẩy các học sinh khuyết tật nói chung và học sinh khiếm thị nói riêng tiếp tục vươn lên ở những bậc học cao hơn, tích cực khám phá năng lực của bản thân trong học tập, công việc và cuộc sống ổn định sau này.

ThS Ái Nhi cho hay, việc xác định tư duy, trải nghiệm xúc giác của học sinh khiếm thị nói chung và đặc biệt là năng lực tri giác xúc giác đối với sách giáo khoa ở cấp lớp mà các em chuẩn bị được tiếp cận là rất quan trọng. Từ đây, nhóm nghiên cứu phải xác định những nội dung chữ và hình ảnh nào cần được thực hiện.

Đội ngũ làm sách cần xác định số lượng và phân chia nhân sự phù hợp với kinh nghiệm và năng lực vốn có (chuyển ngữ, thiết kế, kỹ thuật, công nghệ…), trang thiết bị và máy móc bổ trợ cho quá trình làm sách, các nguồn nguyên vật liệu dễ tìm, giá thành thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra…

Trước khi bắt tay vào thực hiện chế bản, đội ngũ làm sách sẽ lựa chọn một số hình ảnh từ đơn giản đến phức tạp trong sách giáo khoa để thiết kế và xây dựng mẫu thử.

Nếu thực hiện theo quy trình chuyển đổi sách của Mái ấm Nhật Hồng, ở bước này chỉ cần chọn hình, scan hình và dùng phần mềm PictureBraille để chuyển đổi hình ảnh thành những chấm nổi hỗ trợ nhận diện hình và dùng máy in chữ nổi để đồng thời tập tin chữ và hình ảnh.

Theo cách thông thường của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TPHCM, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu TP Hà Nội và nhiều đơn vị làm sách trên thế giới, đội ngũ chuyển đổi sẽ chọn hình và thiết kế thử nghiệm bằng phần mềm CorelDRAW 12 (hoặc một số phần mềm chuyên dụng có cùng chức năng), sau đó cài đặt phần mềm CorelLASER 2013.02 kết nối với máy CNC để cắt và tạo hình trên các nguyên vật liệu khác nhau theo những mẫu thiết kế.

Dán các hình vừa được cắt lên những tờ giấy in liên tục (giấy dùng để dập chữ Braille) tạo thành các tờ chế bản mẫu và sử dụng máy Thermoform cùng giấy in nhiệt Braillon để in thành các bảng mẫu.

Tất cả hình ảnh cùng tập tin dàn trang hoàn thiện sẽ được cắt và in bằng máy cắt CNC và máy in chuyên dụng. Các hình ảnh sẽ được dán lên tập tin dàn trang (ở chỗ những khung hình đang để trống) để tạo thành chế bản mẫu. Sau đó, in và thử nghiệm bản mẫu tại cộng đồng và hiệu chỉnh theo yêu cầu.

Theo nhóm nghiên cứu, việc ứng dụng mô hình dạy học tích hợp STEM thông qua dự án làm sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille vào môi trường đại học là cần thiết. Bởi lẽ, nếu như giáo viên tại các đơn vị nuôi dạy học sinh khiếm thị vừa dạy, vừa chuyển đổi sách giáo khoa sẽ tốn nhiều thời gian lẫn công sức, nhưng rốt cuộc chỉ có thể tập trung hỗ trợ cho học sinh tại đơn vị mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.