(GD&TĐ) - Hiện nay, thị trường sách đang có những chuyển biến để tiếp cận độc giả trẻ - những người bị chi phối bởi rất nhiều công cụ nghe, nhìn. Các đơn vị làm sách luôn tìm cách "dẫn dụ" người đọc trẻ đến với sách bằng nhiều cách khác nhau như truyền thông trên báo chí, tận dụng hiệu ứng xã hội, các website... Đó chính là kênh dẫn cực kì hiệu quả để khơi dậy niềm yêu thích sách, từ đó tạo thói quen và văn hoá đọc cho thế hệ trẻ.
Trình bày bắt mắt
Đánh vào tâm lý của giới trẻ, nhiều nhà xuất bản đã cho ra đời những ấn phẩm không chỉ hay mà còn đẹp mắt, mang tính thẩm mỹ cao. Điều dễ dàng nhận thấy là nhiều đầu sách cho giới trẻ "cháy hàng" ngay sau khi tung ra thị trường. Chẳng hạn những đầu sách thuộc "Tủ sách tuổi teen thế kỉ XXI" của báo Hoa học trò hay bộ sách "Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi" của ấn phẩm 2! (phối hợp với các nhà xuất bản). Đó là các đầu sách "Nhật ký công chúa" (tác giả Meg Cabot, báo Hoa học trò phối hợp với NXB Trẻ); "Mùa hè thiên đường" (tác giả Jenny Han)... Tiêu biểu phải kể đến 2 bộ truyện tranh: “Biệt đội siêu thỏ” và “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” phiên bản mới đang giành được rất nhiều sự quan tâm của độc giả nhí.
Điểm chung của những ấn phẩm này là lối trình bày bắt mắt và nhiều phụ kiện đính kèm. Đây là những cuốn truyện kèm tranh minh họa, giúp người đọc thỏa mãn nhu cầu đọc - ngắm với những quãng nghỉ cần thiết dành cho mắt.
Bạn Hoàng Anh, một độc giả trẻ chia sẻ: "Em vội vã mua ngay mỗi khi có sách 2! hay Hoa học trò phát hành. Chất lượng trang viết không phải lúc nào cũng ổn định, hợp "gu" nhưng phải công nhận sách thiết kế đẹp. Như cuốn "Hẹn yêu" có đến 32 trang phụ 4 màu, 2 tấm thiệp đính kèm, 2 "cam kết tình yêu" cẩm nang "hẹn hò siêu bí kíp"... Những thứ này đọc chúng em rất thích vì có cảm giác cuốn sách luôn tươi mới và chỉ cần ghé vào các sạp báo là có thể mua được. Mua sách đơn giản như mua báo, đó cũng là cách làm tăng sự hào hứng".
Sách hay vẫn không thiếu người đọc |
Tiếp thị nhiều “chiêu” bằng nhiều cách
Rất nhiều cuốn sách trở nên "đắt hàng" khi được giới thiệu trên các trang báo. Gần đây cuốn sách "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” (Ngô Bảo Châu, Nguyễn Phương Văn, công ty Nhã Nam); “Ngược chiều vun vút” (Nhã Nam) gắn với tên tuổi của cây bút Joe Ruelle nổi tiếng trên mạng xã hội; “Hiểu về trái tim” (Minh Niệm - NXB trẻ) gắn với một tổ chức từ thiện xã hội cùng tên... đều bán rất chạy, một phần nhờ những bài giới thiệu trên báo chí. Những cuốn sách dù đã cũ như Hoàng tử bé, Khuyến học... nhưng được khuấy động bởi giải thưởng sách hay cũng được độc giả đón nhận.
Sự "khuấy động” của báo chí khiến cho các dữ kiện "ngoài tác phẩm" trở thành một yếu tố tiếp thị quan trọng. Trường hợp cuốn tiểu thuyết Lolita của Vladimir Nabokov (dịch giả Dương Tường, NXB Hội Nhà văn) từng được xếp vào top 10 tác phẩm gây tranh cãi nhất thế giới, top 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại là một ví dụ.
Tại quầy bán sách trên đường Giảng Võ (Hà Nội), hỏi bạn trẻ đang tìm mua sách rằng: “Bạn chọn sách theo tiêu chuẩn nào?” - thì có bạn đưa ra lý do là “nghe nói sách A, B, C hay”. Việc “nghe nói” này có thể là qua báo chí, qua bạn bè, thậm chí là thể hiện qua số người mua nhiều. Có thể nói, thói quen đọc theo phong trào hiện diện ở khắp mọi nơi. Các tác phẩm được chọn mua đều là sách đang nổi tiếng hay ít nhất tên của nhà văn phải rất quen thuộc.
Hiện báo chí hay mạng xã hội ngày càng tác động sâu sắc tới việc đọc sách của giới trẻ. Đó chính là kênh dẫn cực kì hiệu quả để khơi dậy niềm yêu thích sách, từ đó tạo thói quen và văn hoá đọc cho thế hệ trẻ. Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại với tốc độ phát triển nhanh, các bạn trẻ phải cố gắng hết sức để tồn tại đúng với thời đại của mình. Sự tích luỹ về văn hoá, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, cách sống... được hình thành qua văn hoá đọc. Những người có trách nhiệm, có tâm huyết với vấn đề này cần đa dạng hoá phương thức làm sách, đặc biệt là những cuốn sách nặng về lý luận, diễn giải để tạo ra những cuốn sách phổ thông với hình thức phù hợp, đáp ứng được những nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú có khả năng tiếp cận cao với độc giả.
Lê Đăng