Trời nắng, mình hay ra sông tắm, nhà cũng ở gần sông. Bến sông quê có 2 gốc cây rất đẹp, 1 gốc phượng vĩ cỡ 2 vòng tay người lớn ôm không hết và 1 gốc bằng lăng cũng gần 1 vòng tay ôm.
Không hẹn mà năm nào cứ sau những cơn mưa hạ đầu mùa là hai cây cùng khoe sắc hoa làm sáng cả bến sông. Mùa đó khi nào ra sông mình cũng dừng lại và ngồi dưới gốc bằng lăng một lúc thật lâu.
Ở bến sông đó mình đã gặp em. Buổi chiều đó 3 cậu cháu mình ra sông tắm. Ngang gốc bằng lăng, in trong mắt mình là 1 tà áo dài trắng đang nhặt những cánh bằng lăng tím vừa mới theo gió rụng xuống.
Lòng mình chùng lại, ngay cả ngọn gió như cũng chùng chình không muốn bay ngang. Em ngước đôi mắt lên nhìn, đôi mắt đen trong veo mở to, hàng mi dài cong vút xanh như ngọn thông non mùa lạnh. Cô bé nở nụ cười với ánh mắt lấp lánh:
- Cháu chào chú, chú về lâu chưa?
Mình chỉ nhìn thôi, không nói được câu nào. Cô bé chào mình rồi về. Mình ngồi rất lâu, đến khi hai thằng cháu tắm xong rồi lên gọi:
- Cậu về thôi, trời gần tối rồi.
Mình vẫn cứ ngồi thế, hoàng hôn loang trên mặt sông. Mặt trời lặn, bóng tối che dần màu phượng hồng và màu tím bằng lăng.
Mấy buổi chiều hôm sau, mình đi sớm nhưng không tắm sông. Chỉ ngồi ở gốc bằng lăng chờ... và rồi em cũng đến... Mình trèo lên cây bẻ cho em 1 cành bằng lăng có những cụm hoa vừa chớm nở. Mắt em sáng bừng lên, cho đến mãi sau này mình chưa bao giờ gặp khuôn mặt nào sáng và trong veo đến vậy. Em nói cho mình biết:
- Cháu ở làng ngoài, lúc chú đi học đại học thì cháu học lớp 7. Hồi đó cháu biết chú rồi. Chú không biết cháu đâu...
Cứ thế mình ngồi nghe em nói, rồi kể cho em nghe về cuộc sống sinh viên mình trải qua. Những đêm Trung thu cả nhà trọ làm đèn lồng thật lớn rồi khiêng đi quanh hồ Xuân Hương.
Đêm đó quanh hồ lung linh bao nhiêu ánh đèn và bao nhiêu nụ cười của sinh viên rạng rỡ... Là những ngày miền Trung lụt, bão... anh chị em sinh viên ngồi bên nhau hỏi han tình hình ở quê, rồi khi bạn cất tiếng hát với cây ghi ta:
“Miền Tây nước lớn đứng ngồi không yên, miền Trung lũ lụt những đêm không ngủ... tóc cha thêm sợi bạc, dáng mẹ gầy hơn trước...”, nước mắt yêu thương lại nhỏ xuống. Tôi kể cho em nghe nơi tôi ở lạnh quanh năm, hoa thì mọc như cỏ, mà cỏ thì xanh đến tận chân trời...
Hai tuần qua mau, mình quay về trường để bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Trước khi đi em tặng mình 1 bức tranh ghép bằng những cánh bằng lăng tím ngát, em khéo cắt những cánh bằng lăng ghép tên 2 đứa. Và em đã không còn gọi mình bằng chú.
Chỉ kịp hẹn nhau mùa bằng lăng tới sẽ về và cùng ngồi ở chỗ này, mình hứa sẽ hát cho em nghe với 1 cây ghi ta.
Mình ra trường, xung phong đi biên giới ở Tây Nguyên. Những năm Tây Nguyên không bình yên, suốt 24 tháng mình buồn vui với đồng bào ở chốn biên thùy, cùng ăn, cùng ở, cùng làm...
Thời đó những vùng biên ải đến điện cũng chưa có thì làm gì có điện thoại nên chuyện trò với em qua những cánh thư. Mình theo nhiệm vụ, di chuyển khắp nơi, vài tháng mới về bộ chỉ huy. Những cánh thư cứ thế thưa dần. Và cứ thế mình trễ hẹn 2 mùa bằng lăng tím.
Em giỏi giang và may mắn du học ở Úc châu. Xa nhau 4 năm, mình và em kịp gặp nhau ở phố 1 lần không phải vào mùa bằng lăng. Bên ly cà phê em thao thao bất tuyệt nói cho mình nghe về bằng lăng:
- Bằng lăng ở Việt Nam chủ yếu có 4 loại. Thứ nhất là bằng lăng tím có tên khoa học là Lagerstroemia Speciosa có thân gỗ, phân nhánh cao, tán lá rộng, dày, lá đan xen vào nhau có màu xanh dài từ 8 - 15 cm, rộng 3 - 7 cm, có hình oval hoặc elip thường rụng lá vào mùa mưa, đặc điểm hoa màu tím, cánh hoa mỏng nở xòe thành chùm...
Thứ hai là bằng lăng tử vi hay còn gọi là tử vi chỉ có nguồn gốc ở Đông Á, Úc châu... được đặt theo tên 1 thương gia người Thụy Điển là Magnus von Lagerstrom... Thứ ba là Lagers troemia calyculata Kurs (bằng lăng ổi)... Thứ tư...
Mình ngồi nghe, không thấy em nhắc gì về gốc bằng lăng ở bến sông quê.
Rồi cứ thế, em lấy chồng. Mình thì những mùa sau lại về bến quê vào mùa bằng lăng nở. Năm bão to, cây phượng vĩ ở bến quê bật gốc chết. Còn lại cây bằng lăng nghe chừng cũng bơ vơ. Làng mình xây dựng nông thôn mới, mở rộng đường để đổ bê tông. Người ta chặt gốc cây bằng lăng.
Ba năm trước, em về. Hình hài của em về với đất mẹ gói gọn trong hũ tro cốt theo di nguyện. Chỗ em nằm là 1 ngọn đồi gần làng mình. Mình về cùng với ba em trồng quanh chỗ em nằm 12 cây thông non, mùa đông ngọn thông non xanh ngời như mi mắt em ngày xưa.
Mình trồng thêm 2 cây bằng lăng tím. Những lần về mình ra ngồi đó, mơ về ngày 2 cây bằng lăng trổ hoa. Dưới màu hoa ngan ngát tím có 1 cậu trẻ ôm đàn hát cho cô bé nghe:
“Người yêu hoa tím ơi
sao không chờ không đợi
vội vàng chi mấy em ơi...”
Họ cười với nhau, hai bàn tay đan thương yêu, nụ cười lấp lánh trên 2 khuôn mặt sáng bừng dưới hoàng hôn đang xuống.