Chủ nhân của cây bằng lăng là ông Lê Văn Vẹn, SN 1940 (ngụ ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Tam Bình). Theo ông Vẹn, năm 1921 khi ông nội của ông về đây mua đất, khai khẩn thì đã có cây bằng lăng cổ thụ ngay trên mảnh đất từ trước đó. Đến nay, theo tính toán cây bằng lăng đã hơn 250 tuổi với chiều cao 8 mét, gốc 2 người ôm không giáp. Năm 1997, cán bộ UBND xã Mỹ Lộc đến xin nên ông đồng ý cho để đem về khuôn viên của UBND xã trồng làm cây cảnh.
Ông Vẹn cho biết: “Cây này rất lâu đời, gắn với vùng đất này nhưng nhà tôi ở trong sâu không ai biết tới, khi cán bộ đến gợi ý xin nên tôi cho. Gốc cây to có nhiều u nần, lỗ thủng là do vùng này chiến tranh ác liệt nên cây đã “dính” nhiều đạn. Cây bằng lăng ngày xưa năm nào cũng được tỉa nhánh, cắt đọt để làm củi nên phần gốc phình to ra và phần ngọn rất ít nhánh”.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) kể lại: “Lúc đó có phong trào xây dựng xã văn hóa, cơ quan văn hóa, sạch đẹp nên khuôn viên xã nào cùng trồng cây xanh, hoa cho đẹp. Riêng tôi thích cây cổ thụ nên đi công tác thấy cây nào đẹp là xin về trồng ở khuôn viên cơ quan. Lúc đó thấy cây bằng lăng này nằm khuất trong vườn cây tạp, có dáng đẹp nên tôi xin và được ông Vẹn vui vẻ cho để đem về trồng ở UBND xã để tạo cảnh quan và cho nhiều người cùng xem”.
Theo ông Chiến, thời điểm đó không có máy móc hiện đại nên gốc cây cổ thụ rất to phải huy động 30 cán bộ, nhân công ở xã đến đào gần 1 ngày mới xong. Sau đó, chuyển cây đi bằng đường thủy rất vất vả mới về đến UBND xã. Tuy nhiên, khi mở dây thì cây trôi ra giữa sông nên phải mướn dân chài lưới cột thân và huy động hơn 100 người để kéo lên bờ.
Sau khi cây bằng lăng cổ thụ được đưa về khuôn viên UBND xã Mỹ Lộc trồng, nhiều người thích cây cổ thụ rất thích thú đến ngắm, chiêm ngưỡng vì dáng cây rất “độc, lạ”. Một số người nhận định, với những vết u, nần và gốc to như vậy thì cây bằng lăng cổ thụ này có tuổi trên 250 năm, thậm chí còn cao hơn.
Mới đây, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có quyết định công nhận cây bằng lăng trong khuôn viên UBND xã Mỹ Lộc là “Cây di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam”. Đây là niềm vui của người dân Tam Bình vì cây bằng lăng cổ thụ này gắn liền với sự hình thành và phát triển của cả vùng đất Tam Bình nói riêng và cả tỉnh Vĩnh Long nói chung. Từ đó, nhiều người hiếu kỳ đến tận nơi để chứng kiến cây bằng lăng rất độc đáo chỉ có ở vùng đất này.