Sắc màu muôn nơi ngày khai trường

GD&TĐ - Ở châu Âu, thông thường, năm học mới bắt đầu vào tháng Chín, có một số nước sớm hoặc muộn hơn khoảng vài tuần.   

Niềm vui ngày khai trường
Niềm vui ngày khai trường

Ở Ý, mỗi vùng tự chọn cho mình ngày bắt đầu năm học. Ví dụ, học sinh ở Milan có thể nghỉ hè ít hơn vài ngày so với học sinh ở Roma. Ở Liên Xô cũ, phần lớn các nước vẫn giữ những truyền thống quen thuộc, nghĩa là năm học mới bắt đầu vào đầu tháng Chín. Các nước bên kia đường xích đạo như Úc, New Zealand và Mỹ- Latinh, năm học bắt đầu vào cuối mùa đông. Học sinh châu Á thường đến trường vào tháng Chín, riêng ở Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan năm học bắt đầu vào mùa xuân. Nhân dịp năm học mới 2018 -2019, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số đặc điểm về ngày khai trường ở các nước khác nhau.

Phần Lan

Ở các trường phổ thông Phần Lan, học sinh bắt đầu đến trường không phải ngày 1 tháng Chín, mà là giữa tháng Tám. Các bậc phụ huynh được thông báo về ngày khai trường từ sổ liên lạc điện tử. Đồng thời, mỗi trường tự quyết định ngày bắt đầu năm học: Trong cùng một thành phố, nhưng có trường học vào ngày thứ Hai, có trường vào thứ Tư.

Phần Lan không có những truyền thống đặc biệt vào đầu năm học mới. Học sinh không mặc đồng phục đến trường. Năm học kết thúc vào ngày thứ Bảy đầu tiên của tháng Sáu. Đó là ngày thứ Bảy duy nhất trong năm, học sinh phải đến trường. Không có giờ học, thầy giáo có lời phát biểu ngắn gọn và phát cho học sinh giấy chứng nhận kết thúc năm học. Bố mẹ học sinh cũng được mời đến dự.

Thông thường, vào ngày này, giáo viên được tặng hoa. Còn các em học sinh tiểu học được mời ăn kem sau khi kết thúc buổi lễ.

Thụy Điển

Học sinh Thụy Điển đến trường vào năm 7 tuổi. Năm học mới ở Thụy Điển bắt đầu vào giữa tháng Tám và kết thúc vào giữa tháng Sáu, nghỉ hè thường kéo dài 8 tuần. Mỗi trường phổ thông tự chọn ngày bắt đầu năm học. Vào ngày khai trường, học sinh không phải học, các em làm quen với giáo viên và các bạn cùng lớp, trao đổi về thời khóa biểu và các môn học. Hiệu trưởng nhà trường gặp gỡ với học sinh ở phía sân trường được trang trí bằng hoa. Bố mẹ học sinh lớp 1 phải có mặt ở trường hai ngày đầu tiên để các con thích nghi, nhưng không phải ở trong lớp, mà ở phòng bên cạnh.

New Zealand

Năm học ở New Zealand bắt đầu vào cuối tháng Giêng - đầu tháng Hai, và kết thúc vào tháng Mười hai, nghỉ hè kéo dài 5 - 6 tuần.

Ở tất cả các trường công, kỳ nghỉ hè diễn ra theo thời gian biểu được công bố trên trang web của Bộ Giáo dục New Zealand. Ở các trường tư, thời gian nghỉ hè cũng tương tự như vậy.

Các lớp khác nhau bắt đầu năm học khác nhau. Ví dụ, ở THPT (New Zealand có 3 cấp: Tiểu học (học sinh đi học từ 5 tuổi), THCS (lớp 7-8) và THPT), học sinh lớp 9 được dành vài ngày để tìm hiểu nhà trường, xem nhà ăn và nhà vệ sinh ở đâu. Học sinh các lớp khác đến trường muộn hơn một chút.

Ở một số trường phổ thông, vào ngày khai trường, người ta tổ chức lễ Powhiri- một phong tục chào mừng cổ truyền của thổ dân Maori. Ngoài ra, không có những quy định chung nào, mỗi trường tự tổ chức theo cách riêng. Có nơi hiệu trưởng phát biểu ý kiến, có nơi bố mẹ của những học sinh mới ngồi uống cà phê với nhau. Hoặc tất cả phụ huynh tập trung để trao đổi với thầy giáo và tìm hiểu công việc của nhà trường (đặc biệt đối với những học sinh dưới 10 tuổi). Giáo viên có thể nghĩ ra những trò chơi để học sinh làm quen với các bạn mới, trò chuyện với các bạn cũ và ôn lại những kỷ niệm về trường cũ.

Ở trường tiểu học, giáo viên thay đổi hàng năm, còn từ lớp 4, học sinh bắt đầu học theo từng môn riêng biệt.

Thậm chí đối với học sinh lớp 1 người ta cũng không làm gì đặc biệt trong ngày 1 tháng Chín, phụ huynh có thể đưa con đến trường bất cứ ngày nào, sau khi đủ 5 tuổi. Phần lớn trẻ em đến trường vào ngày sinh lần thứ 5. Bố mẹ được đề nghị có mặt ở trường vài ngày để giúp con thích nghi. Người ta không tặng hoa vào những ngày lễ, có chăng vào cuối năm học bố mẹ mang đến một bó hoa nhỏ hoặc một thẻ quà tặng.

Israel

Ở Israel, giáo viên thường bãi công, vì vậy đôi khi ngày 1/9 nhà trường không làm việc. Nếu mọi việc bình thường thì đúng 8 giờ học sinh có mặt ở trường. Trẻ em Israel đến trường từ năm 6 tuổi. Học sinh muốn mặc thế nào tùy thích, nhưng trên áo bắt buộc phải gắn phù hiệu ghi tên nhà trường. Tất cả đến cùng với bố mẹ, tập trung tại sân trường cùng với các giáo viên và hiệu trưởng. Sau khi học sinh xếp hàng, hiệu trưởng bước lên sân khấu và chào mừng tất cả học sinh. Cứ thế từ lớp 1 - 6.

Thông thường, sau vài tuần bắt đầu kỳ nghỉ thu dài gần 1 tháng. Vì vậy ngày 1/9 ở đây chỉ mang tính chất biểu tượng. Năm học ở Israel kết thúc vào ngày 30/6 đối với trường tiểu học và ngày 20/6 đối với THCS và THPT.

Israel là một nước nhỏ, vì vậy vào kỳ nghỉ hè học sinh không buồn vì xa nhau. Không ai đi trại hè, vào những ngày nghỉ các em vẫn tiếp tục liên hệ với nhau. Thầy giáo không bận đồng phục gì đặc biệt. Điều duy nhất là cấm đi dép lê đến trường, nhưng nhiều người vẫn đi.

Học sinh Nhật
 Học sinh Nhật

Nhật Bản

Trẻ em Nhật bắt đầu đến trường từ 6-7 tuổi. Năm học bắt đầu vào tháng 4, đúng vào dịp anh đào nở hoa. Ở Nhật, mùa anh đào nở hoa báo hiệu bắt đầu một cái gì đấy mới mẻ. Học sinh học đến ngày 20/7, sau đó nghỉ hè đến tháng Chín, rồi tiếp tục học đến tháng Ba. Hiện ở Nhật đang có phong trào đòi chuyển năm học vào ngày 1/9, nhưng chưa có ai trao đổi về vấn đề này một cách nghiêm túc. Mùa đông và mùa xuân học sinh cũng nghỉ một tuần, sau kỳ nghỉ xuân học sinh lên lớp.

Ở Nhật, trường tiểu học, THCS và THPT là những tổ chức khác nhau. Do đó, khi học sinh tốt nghiệp mỗi trường, người ta làm lễ riêng (tháng Hai - tháng Ba) và khi bước vào giai đoạn tiếp theo cũng thế. Cả hai ngày lễ này rất long trọng. Tất cả diễn ra theo chương trình được chuẩn bị trước.

Học sinh và phụ huynh tập trung tại phòng khánh tiết để tham dự phần nghi lễ, nơi người ta giới thiệu các giáo viên mới và hiệu trưởng lên đọc diễn văn. Tất cả cùng hát quốc ca và trường ca. Thủ tục này chỉ dành cho những học sinh đầu cấp (tiểu học, THCS hay THPT), ở những lớp khác không có phần lễ hội, nhưng học sinh vẫn phải hát quốc ca. Vào ngày khai trường, học sinh không phải học và được về nhà sớm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...