“Con sâu làm rầu nồi canh”
- Ông đánh giá như thế nào về kỳ thi THPT quốc gia, sau một số sai phạm xảy ra ở Hà Giang, Sơn La?
Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi được tổ chức rất chi tiết, khoa học, chuẩn, và chặt chẽ. Thể hiện trong tất cả các quy trình từ ra đề, triển khai tổ chức thi, chấm thi, giám sát thanh tra…
Quá trình tổ chức có sự tham gia của các trường ĐH, CĐ trong các khâu coi thi, thanh tra thi, giám sát coi thi chấm thi, chứ không giao hẳn cho phổ thông.
Còn trong thực hiện thi cử, thì thuộc về trách nhiệm cá nhân mỗi người, mỗi đơn vị. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước học sinh, trước ngành, trước xã hội.
PGS.TS. Thái Văn Thành (bên phải ảnh) - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh |
- Theo ông, những sự cố vừa qua có ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ nói chung và Trường Đại học Vinh nói riêng?
Những sự cố về tiêu cực trong thi cử tại một số tỉnh được thông tin vừa qua là cá biệt, “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể dùng đó để đánh giá toàn bộ kỳ thi được.
Nhìn chung tổng thể, ngành giáo dục đã làm rất nghiêm túc, khách quan theo quy chế. Tôi tin rằng, người thầy ở đâu cũng đều có lương tâm, có trách nhiệm với học sinh, phụ huynh, với ngành. Vì vậy, xã hội nên an tâm với chất lượng kỳ thi.
Đối với khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh là vùng có truyền thống hiếu học. Trong các kỳ thi, nhiều học sinh đạt kết quả cao. Chất lượng mũi nhọn, học sinh giỏi chiếm tỉ trọng cao trong cả nước.
Và với đặc trưng “ông đồ xứ Nghệ”, việc tổ chức kỳ thi ở đây được làm bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan.
Nhìn vào phổ điểm của Nghệ An năm nay không cao bất thường, phản ánh đúng thực trạng chất lượng học tập của địa phương.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề xuất với Bộ GD&ĐT, trong tương lai, với các trường ĐH, CĐ có đào tạo khối ngành sư phạm, thì phải đề cao khâu hậu kiểm. Ít nhất, ngưỡng điểm sàn phải bằng ngưỡng điểm quy định của Bộ, ngoài ra, việc xét học bạ phải rất chặt chẽ, cẩn trọng.
Đối với Trường Đại học Vinh, hiện nay mọi hoạt động tuyển sinh của nhà trường vẫn diễn ra bình thường, sử dụng cả kết quả thi THPT quốc gia 2018, vừa xét học bạ.
Nhưng việc xét học bạ chỉ dành 30% chỉ tiêu, và ngoại trừ ngành Sư phạm. Lý do trường tin và đánh giá cao chất lượng, kết quả kỳ thi THPT quốc gia do Bộ tổ chức.
Kỳ thi đúng về lý luận giáo dục hiện đại
- Nhiều ý kiến cho rằng nên xét tốt nghiệp THPT và để các trường ĐH, CĐ tự tổ chức thi tuyển sinh? Quan điểm của ông như thế nào?
Rõ ràng việc tổ chức 2 kỳ thi như trước đây gồm thi Tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ là rất tốn kém cho xã hội, gây áp lực cho học sinh, phụ huynh một cách không cần thiết. Các em vừa trải qua kỳ thi này, lại tiếp tục cho kỳ thi khác.
Mặt khác, việc tổ chức 1 kỳ thi chung (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả), trên thực tế, đã được Bộ GD&ĐT tổ chức, duy trì suốt nhiều năm liên tục, từ năm 2002 đến nay. Chứng tỏ hiệu quả và tác dụng thực tiễn của nó.
Nếu đưa kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ về từng trường cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Như mức độ đề thi, cách đánh giá giữa các trường khác nhau, có thể điểm 27 của trường này, chưa chắc đã bằng điểm 15, 17 của trường khác.
Một đề thi chung của Bộ GD&ĐT được xây dựng từ những giáo viên có năng lực chuyên môn cao sẽ đảm bảo chất lượng. Đề ra theo hướng đánh giá năng lực người học là đi đúng với lý luận giáo dục thế giới. Phù hợp chung với xu thế hội nhập hiện nay.
Kết quả thi, theo đó cũng sẽ đảm bảo một thước đo chung về năng lực học tập của thí sinh trên cả nước. Và thí sinh có thể dùng để đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường nào theo nguyện vọng, lựa chọn của mình.
Những năm trước đây Bộ GD&ĐT có đặt điểm sàn, nhưng giờ đã bỏ và giao cho các trường tự xác định ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Dù vậy, các trường ĐH, CĐ cũng không thể nào lấy điểm quá thấp, vì sẽ không đảm bảo chất lượng đầu vào.
Cũng có những ý kiến đề xuất bỏ thi, thay vào đó là xét công nhận tốt nghiệp THPT và chỉ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chung - với lý do tỷ lệ đậu tốt nghiệp của cả nước hiện nằm mức cao.
Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có lộ trình lâu dài về sau. Khi xã hội phát triển và chúng ta có được đội ngũ cán bộ, công chức, trách nhiệm ý thức cao. Vì thực tế, chúng ta đang chống tiêu cực, nhưng bệnh thành tích ở đâu đó vẫn chưa thoát được. Cần có một kỳ thi khách quan để “ràng” lại, như một thước đo, mức chuẩn cần vượt qua. Hơn nữa, chúng ta vẫn cần một kỳ thi để tạo động lực ý thức dạy học ở các trường phổ thông.
- Như vậy, ông vẫn ủng hộ phương án kỳ thi 2 trong 1?
Cho đến thời điểm hiện tại, kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1 rất nhẹ nhàng, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phụ huynh, tiết kiệm cho xã hội và huy động được sự chung tay của cả hệ thống chính trị tổ chức kỳ thi. Đảm bảo 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.
Những ý kiến đóng góp cho kỳ thi đều có ý tốt cho ngành giáo dục. Điều quan trọng là nhìn nhận vấn đề chính xác để phát huy ưu điểm, cái tốt và hạn chế điểm yếu còn tồn tại, theo tinh thần đồng thuận xây dựng.
Những năm tới, để kỳ thi được diễn ra khách quan, công bằng, an toàn thì cần tăng cường hơn nữa khâu giám sát thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi
- Xin cảm ơn ông!