8 bài học lớn từ giáo dục Phần Lan

GD&TĐ - Sự thành công lần nữa của giáo dục tại đất nước Bắc Âu Phần Lan trong bảng xếp hạng “thành tựu giáo dục thế giới” đã cho thấy có ít nhất là 8 bài học mà nhiều nước khác phải học ở Phần Lan nếu không muốn bị lạc hậu.

8 bài học lớn từ giáo dục Phần Lan

Sau đây là 8 bài học lớn giúp Phần Lan chiến thắng trong cuộc đua giáo dục toàn cầu.

1. Cạnh tranh không quan trọng bằng sự hợp tác

Giáo dục Phần Lan nhấn mạnh sự hợp tác giữa các trường học để đi lên chứ không phải cạnh tranh giành học sinh để loại bỏ nhau. Một lý do là Phần Lan không có trường tư nhân. Tất cả các cơ sở giáo dục đều nhận kinh phí từ ngân sách công. Giáo viên được đào tạo để có thể tự ra bài tập của mình chứ không phải theo bài văn mẫu. “Không có sự rập khuôn trong giáo dục tại Phần Lan - chuyên viên giáo dục Pasi Sahlberg phát biểu tại trường sư phạm thuộc Đại học Columbia - Giáo viên được trang bị đủ kiến thức và đủ tự tin để tự mình soạn đề thi. Cũng không có tâm lý hơn thua với các đồng nghiệp”.

Pasi Sahlberg

Pasi Sahlberg

2. Dạy học là một trong những nghề được tôn trọng nhất

Giáo viên tại Phần Lan không phải nhận mức lương thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra của mình như tại nhiều nước khác, kể cả Mỹ. Giáo viên là nghề được trọng vọng vì cả đất nước Phần Lan lẫn người dân Phần Lan xem giáo dục là “cách tốt nhất để phát triển nhân cách và năng lực của học sinh để chúng có thể thành công trong cuộc sống”.

Muốn trở thành giáo viên, các ứng viên phải có tối thiểu bằng master và hoàn thành chương trình thực tập nội trú giống như tại các trường y ở Mỹ. Sinh viên sư phạm thường phụ giảng tại một ngôi trường gần trường họ theo học. Trải nghiệm thực tế với học sinh tương lai giúp các giáo viên có được những hiểu biết cơ bản nhất về nghề của mình sau này.

3. Không bao giờ đưa chính trị vào những quyết sách giáo dục

Tại Mỹ và nhiều nước khác cũng có những nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, giáo trình và hiệu quả của nó đối với giáo dục. Hội đồng trường và phụ huynh học sinh thông qua những nghiên cứu này để đề xuất điều chỉnh. Tuy nhiên, yếu tố chính trị lại can thiệp khá nhiều vào quá trình nghiên cứu và cả các đề xuất. Tại Phần Lan không có tình trạng như thế. Chính phủ đưa ra các quyết sách giáo dục chủ yếu dựa vào hiệu quả của nó.

Chính trị và đảng phái, tổ chức công dân không được can thiệp vào. Nếu quyết sách giáo dục đem lại kết quả tốt ở bước thử nghiệm nó sẽ được Bộ giáo dục và Văn hoá bật đèn xanh cho áp dụng rộng rãi. Nói rõ hơn, những quyết sách giáo dục ở Mỹ thường bị chính trị chi phối nên lệch lạc; còn tại Phần Lan, giáo dục là hoạt động nghề nghiệp nên chính trị không can thiệp vào.

4.  Không sợ thử nghiệm sáng kiến mới

Khi một đề xuất mới dựa vào nghiên cứu nghiêm túc được đánh giá là có triển vọng, Bộ Giáo dục và Văn hoá sẽ mạnh dạn thử nghiệm chứ không phải chỉ “lắng nghe, tiếp thu và để đó”. Không có rào cản tiền bạc hay chính trị ở đây. Các giáo viên được khuyến khích tạo ra những phòng thí nghiệm mini để hiện thực hoá bài giảng, giúp học sinh “mục sở thị” và tự mình thực tập bài học lý thuyết.

5. Thời gian dành cho giải trí chơi đùa là “thiêng liêng”

Nếu tại Mỹ, thời gian vui chơi tại các nhà trẻ và trường tiểu học bị giảm dần trong 2 thập niên qua thì tại Phần Lan, luật buộc các giáo viên phải cho học sinh chơi đùa 15 phút sau mỗi 45 phút học. Nói chung, học sinh Phần Lan được tạo điều kiện vui chơi càng nhiều càng tốt (dĩ nhiên là vẫn phải bảo đảm tiết học). Chơi đùa giúp trẻ ở lại lâu hơn với tuổi thơ của mình. Đạo mạo quá sớm và trở thành “con mọt sách” là điều không tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy học sinh được chơi đùa đúng mức sẽ cư xử và học tập tốt hơn. Chơi là cách thư giãn đầu óc và giải toả sự ức chế cho các em.

6. Học sinh rất ít khi làm bài tập ở nhà

Học sinh Phần Lan không bị áp lực làm bài tập về nhà như nhiều nước khác, đặc biệt là châu Á. Nhiều giáo viên giới hạn thời gian tối thiểu làm bài tập ở nhà của học sinh. Trường học, phụ huynh và giáo viên hợp tác khá tốt để giảm thời gian làm bài ở nhà. Bài tập về nhà không còn cần thiết nữa khi học sinh đã được học đầy đủ tại trường. Thời gian ở nhà các em dành cho gia đình với những bài học về cách sống.

7. Các nhà trẻ đều chất lượng cao và giống nhau

Có rất nhiều bài học đầu đời trẻ em nhận được là tại nhà trẻ, trước tuổi đến trường; vì vậy hệ thống nhà trẻ tại Phần Lan luôn tạo điều kiện tốt nhất để các em tiếp thu được những bài học này. Phần Lan có một khác biệt nữa là trẻ em không phân biệt xuất thân đều được hưởng thụ môi trường nhà trẻ tốt như nhau, không có phân biệt giữa nhà trẻ này và nhà trẻ khác. Các cha mẹ được bảo đảm là con cái họ đều được vào nhà trẻ chất lượng cao và bình đẳng từ năm 3 tuổi và ở lại đó cho đến năm 7 tuổi. Hơn 97% trẻ em Phần Lan, kể cả trẻ nhập cư được sống trong những nhà trẻ tốt nhất thế giới.

8. Giáo dục miễn phí

Khác với hàng chục ngàn sinh viên Mỹ phải vay nợ để học đại học, sinh viên Phần Lan không tốn khoản học phí nào. Từ chương trình cử nhân, kỹ sư đến master và tiến sĩ, học phí đã do tiền thuế của dân và chính phủ liên bang lo. “Không phải bận tâm với học phí là một động lực rất lớn để sinh viên học cao lên. Miễn học phí là cú huých rất lớn cho phổ cập giáo dục. Quyền con người và sự bình đẳng xã hội được giải quyết cũng nhờ chính sách này” - Pasi Sahlberg, tổng giám đốc trung tâm nghiên cứu giáo dục CIM nói.

Theo The Independent và The Daily Telegraph

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.