Thế nào là trường đại học quốc tế?
Vấn đề thời sự này vừa được bàn thảo tại hội nghị bàn tròn do Trung tâm báo chí đa phương tiện quốc tế MIA “Nước Nga hôm nay” tổ chức với tên gọi: “Xuất khẩu giáo dục đại học trên thế giới: những chiến lược nào đang được sử dụng”.
Mở đầu hội nghị, nhà sáng lập và giám đốc điều hành QS Quacquarelli Symonds (Bảng xếp hạng đại học quốc tế), ông Nuncio Quacquarelli nói:
Có một khoảng cách không nhỏ giữa yêu cầu của các nhà tuyển dụng lao động và những gì mà các sinh viên được dạy trong các trường đại học. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, không nắm được cái gọi là những kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng kiên trì, kỹ năng chống stress... Chính các trường đại học phải dạy cho sinh viên những kỹ năng này.
Xuất khẩu giáo dục đại học là một trong những ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước. Điều đó gắn liền với các chiến lược và sách lược của các trường đại học xuất sắc trên thế giới. Từ năm 2004, chúng tôi đã lập bảng xếp hạng các đại học trên thế giới. QS cung cấp cho sinh viên và các nhà tuyển dụng lao động những thông tin khách quan về các trường đại học trên thế giới để họ có thể đạt được mục đích của mình. Chúng ta đang sống trong điều kiện nền kinh tế tri thức. Vốn con người là tài nguyên chính của bất cứ đất nước nào. Nó còn quan trọng hơn cả dầu khí, rừng, than đá, vàng...
Ở Nga, hiện nay có đề án “5-100” về nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường đại học. Giáo dục tự nó đã trở thành một môi trường cạnh tranh, nơi đang diễn ra một cuộc chạy đua: Ai là người xuất sắc nhất? Đặc biệt, điều đó được thể hiện trong lĩnh vực nghiên cứu của các trường đại học. Thành công của một trường đại học còn được đo bởi số lượng các công bố khoa học. Chỉ số trích dẫn được sử dụng như một chỉ số năng suất lao động nghiên cứu.
Thành công của một trường đại học nào đó trên thị trường giáo dục phần lớn phụ thuộc vào trình độ quốc tế hóa của nó. “Option” (quyền lựa chọn) mới trong đánh giá lao động là sự quốc tế hóa của trường đại học. Về vấn đề này Hiệu trưởng Trường đại học hữu nghị các dân tộc Vladimir Philippov lý giải:
Trong các chỉ số của các trường đại học Nga có một tiêu chí bắt buộc - phải có không dưới 5% sinh viên nước ngoài học tập. Đối với các trường đại học tham gia đề án “5-100”, các chỉ tiêu này phải nhiều hơn.
“Không phải ngẫu nhiên mà tại Trường đại học hữu nghị các dân tộc, chúng tôi phấn đấu để có sinh viên không dưới 100 nước học tập” - ông Vladimir Philippov nhấn mạnh - “ Tại Trường đại học hữu nghị các dân tộc, năm 1990 có sinh viên 100 nước học, còn từ năm 2012 - hơn 150 nước. Điều quan trọng đối với chúng tôi là xây dựng chiến lược quốc tế hóa toàn bộ tập thể nhà trường, tất cả giảng viên và sinh viên”.
Những tín hiệu lạc quan
Theo ông Dmitry Guzhel, cán bộ cục hợp tác quốc tế LB Nga “Rossotrudnichestvo”, năm ngoái có 100.000 sinh viên nước ngoài có nguyện vọng học tập tại các trường đại học Nga. Năm nay đã có hơn 130.000 đơn xin nhập học được gửi tới. Tỷ lệ chọi trung bình trong nước đối với sinh viên nước ngoài là 30 - 35 người/1 chỉ tiêu.
“Rõ ràng, quan điểm của sinh viên đối với việc chọn trường đã thay đổi. Những nước hướng vào thị trường giáo dục và thị trường lao động, trước hết họ nhìn vào các bảng xếp hạng đại học” - ông Guzhel nói - “Sau khi lập danh sách các trường đại học, họ nhìn vào các sản phẩm giáo dục mà các trường này sẵn sàng cung cấp. Trước hết đó là các chương trình bằng tiếng Anh và cơ sở hạ tầng của nhà trường”.
Theo thống kê, cứ hai sinh viên nước ngoài thì có một người quyết định đi học ở nước Nga, theo lời khuyên và kinh nghiệm của những người quen đã tốt nghiệp đại học ở Nga. Và cứ ba người thì có một người được bố mẹ hoặc những người thân khác thuyết phục làm điều đó.
Tại nhiều trường đại học Nga (và thế giới), việc thu hút sinh viên và giảng viên nước ngoài trở thành mục đích tự thân. Có những trường đại học, nơi 90% là sinh viên nước ngoài, ví dụ, sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ.