(GD&TĐ) - Chỉ còn không đầy một tháng nữa là đến Tết Quý Tỵ. Trong những ngày này, 40 hộ làm tranh ở làng Lại Ân (xã Phú Mậu, H.Phú Vang, TT-Huế) đang tất bật in, vẽ, tô màu suốt ngày, đêm để kịp giao hàng trong dịp Tết.
Ngày xưa, hàng năm, cứ vào cuối đông, về chơi làng Lại Ân (tục gọi làng Sình) sẽ thấy hoa cả mắt, sân nhà nhà đều phơi…tranh. Tranh làng Lại Ân là tranh thờ cúng, màu sắc sặc sỡ, chủ đạo là “ngũ sắc”: đỏ, tím, vàng, lục, xanh. Làng tranh bắt đầu vào vụ từ tháng Chạp, đến tháng Giêng, tháng Hai vẫn còn bán.
Bộ tranh Làng Sinh |
Tranh làng Lại Ân thuộc về dòng tranh thờ, là thành tố của mỹ thuật cổ truyền trong văn hoá truyền thống xứ Huế từ thời Trịnh - Nguyễn. Theo đoàn người tìm vào đất Thuận Hoá định cư, có nghệ nhân Kỳ Hữu Hoà đã mang nghề làm tranh giấy mộc bản đến đây, tranh làng Lại Ân-Huế ra đời từ đó.
Người già cho biết xưa làm tranh hết sức khó nhọc, tự làm giấy, tự chế màu…bằng cách thức thủ công. Để làm giấy in tranh, trai tráng chèo thuyền dọc sông Hương- phá Tam Giang về Thuận An, Cầu Hai, Lăng Cô để cào điệp, một loại sò vỏ mỏng nhiều màu sắc, được giã thành bột, trộn với hồ. Quét hỗn hợp này 2 lần lên giấy dó, đem phơi khô, tạo nên màu trắng ngà của loại giấy in tranh.
Đầu mùa thu, dân làng vào những cánh rừng phía tây Huế để kiếm cây lá chế màu. Cây trâm thì lấy thân chặt khúc mang về, chẻ nhỏ để nấu màu; cây đung thì hái lá, lấy cành. Để tạo màu vàng nhạt thì dùng lá đung giã với búp cây hòe. Muốn màu đỏ sẫm thì dùng nước lá bàng. Màu vàng đỏ thì dùng hạt hòe. Màu xanh dương thì dùng hạt mùng tơi...Dễ nhất là chế màu đen, được dùng nhiều nhất, lấy rơm nếp đốt thành than, hòa với nước lã, lọc kỹ rồi cô đặc, thế là thành mực đen nhánh.
Bộ tranh “Bát âm” |
Tháng Chạp năm nay, tôi lại về thăm gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước- hậu duệ của nghệ nhân Kỳ Hữu Hòa. Trên tường nhà ông treo la liệt bằng khen, giấy khen của các kỳ Festival Nghề truyền thống. Mỗi năm thêm một tuổi, nghệ nhân có vẻ gầy và già hơn. Ngôi nhà cấp 4 cũng “tuềnh toàng” như chủ nhân. Thấy chỉ có 2 ông bà làm tranh, tôi hỏi, ông cho biết “5 người con chỉ có 1 làm nghề”. Làng tranh giờ đã qua thời hoàng kim!
Xưa, tranh làng Sình có đến 200 mộc bản, mỗi bản khắc một đề tài khác nhau như: Bát âm, Đánh vật, 12 con giáp, tranh Tượng thờ...Đường nét, bố cục tuy mộc mạc nhưng rất có hồn. Bức tranh thờ toát lên sự uy nghiêm, nên không phải để treo lên thưởng ngoạn.
Khi muốn sáng tác một bức tranh, đầu tiên dùng bản khắc gỗ in màu chính (thường là màu đen, màu tím chàm), những màu xanh, đỏ, vàng, lục còn lại được vẽ bằng tay. Phần “điểm nhãn” (vẽ mắt) do người thợ chính trong gia đình làm. Không chỉ người lớn, lên 10 tuổi, trẻ trong làng hầu hết đều học tập vẽ tranh.
Giờ, nghề tranh làng Lại Ân chỉ làm tranh thờ bán trong tháng Chạp, đến Giêng, Hai thì mãn vụ. Tranh được tiêu thụ ở TT. Huế vào đến Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Nghề này thu nhập không nhiều, chủ yếu kiếm tiền công, chi tiêu cái tết. Năm nay, trong làng còn theo nghề tranh chưa tới 40 hộ, mỗi hộ 1-2 người làm. Nhiều hộ cha mẹ túc tắc làm cho đỡ nhớ nghề, con cái bỏ theo nghề khác. Rồi đây mỗi năm mỗi giảm đi chứ không tăng!
Vũ Hào