Sắc màu cuộc sống từ con mắt trẻ thơ

GD&TĐ - Cuộc thi vẽ tranh 'Những sắc màu cuộc sống' vừa được Alfred Nobel School phối hợp với Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao văn hóa Việt Nam tổ chức.

Cuộc thi vẽ tranh 'Những sắc màu cuộc sống' được tổ chức thường niên từ năm 2022. Ảnh: Bình Thanh
Cuộc thi vẽ tranh 'Những sắc màu cuộc sống' được tổ chức thường niên từ năm 2022. Ảnh: Bình Thanh

Mở sân chơi cho trẻ được dùng sắc màu kể chuyện về cuộc sống qua những bức tranh là một cách khuyến khích các em thể hiện góc nhìn, tình cảm, sự quan tâm của mình với thế giới xung quanh.

Đó là điều đặc biệt từ cuộc thi vẽ tranh “Những sắc màu cuộc sống” vừa được Alfred Nobel School phối hợp với Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao văn hóa Việt Nam tổ chức. Hơn 100 học sinh Tiểu học và THCS đến từ nhiều trường ở Hà Nội đã dành ngày nghỉ cuối tuần, vượt nắng nóng để cùng bước vào sân chơi thú vị này.

Từ góc nhìn trẻ thơ…

Tác phẩm của em Ninh Văn Vũ giành giải Nhất cuộc thi vẽ tranh 'Những sắc màu cuộc sống' lần 2. Ảnh: Bình Thanh

Tác phẩm của em Ninh Văn Vũ giành giải Nhất cuộc thi vẽ tranh 'Những sắc màu cuộc sống' lần 2. Ảnh: Bình Thanh

“Từ cuộc thi, các con được thể hiện cảm xúc tích cực của mình trên tranh. Những cảm xúc tích cực đó sẽ mang đến tình cảm, tình yêu cuộc sống cũng như ý thức để có thể bảo vệ môi trường sống từ ngôi trường đến những ước mơ xa hơn của các con. Bên cạnh đó, hội họa bao giờ cũng thúc đẩy sự sáng tạo từ một chủ đề mở như cuộc thi này nên các con không bị mông lung mà sẽ hứng thú khi được vẽ những gì các con thích và hiểu”. ThS, họa sĩ Nguyễn Thị Huyền, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Vẽ bức tranh bố mẹ đứng trên cầu Thê Húc còn mình tung tăng cùng các bạn vui chơi bên hồ Gươm, cô bé Phạm Hiền Anh (lớp 2, Trường Tiểu học Vinschool) ríu rít kể: “Năm ngoái, con được đi chơi hồ Gươm cùng bố mẹ và các bạn. Con rất thích và nhớ mãi nên muốn thể hiện lên bức tranh. Ở đây con vẽ Tháp Rùa vì con thích… rùa. Con muốn gửi đến mọi người thông điệp: Cần bảo vệ môi trường và luôn tươi vui”.

Cũng ấn tượng từ chuyến đi chơi hồ Gươm, Đỗ Khánh Ngân (lớp 3, Trường Tiểu học Đa Tốn) đã vẽ không gian nơi đây với Tháp Rùa soi bóng phía xa. Thế nhưng, giữa sắc trong xanh, lung linh của mặt hồ lại lấp ló rác thải. “Hồ Gươm rất đẹp nhưng vẫn có nhiều rác.

Vì thế con nghĩ ra cần vẽ thêm hình các bạn cùng nhau quét, nhặt rác để cảnh quan của hồ sạch đẹp. Con mong mọi người cùng chung tay giữ gìn vệ sinh nơi công cộng và hãy bảo vệ Tháp Rùa, không vứt rác ra các vườn cây”, Đỗ Khánh Ngân nói.

Ngắm nghía bức tranh khổ dọc vừa mới hoàn thành, cô bé Nguyễn Lam Ngọc (lớp 1 Alberg Nobel School) khẽ lắc lư bím tóc tỏ vẻ hài lòng. Đó là một chú mèo ngộ nghĩnh có cái đầu được tạo hình từ quả dưa hấu bổ dọc, miếng dưa hấu hình tam giác làm đôi tai, cái thân là quả dứa vàng và cái đuôi là lá xương rồng. Chú mèo ấy ngồi trên chiếc trống được đặt trong khu vườn xanh lá, có mây trắng bay trên đầu và mỉm cười giơ tay chào mọi người.

“Con thích ăn quả dứa nhưng chỉ thích màu đỏ của dưa hấu. Cái trống này là của chú hề ở trong rạp xiếc con từng được xem. Cái đuôi của mèo lúc xù lông trông giống lá xương rồng mẹ trồng ở chậu cảnh trên ban công…”, cô bé Lam Ngọc dõng dạc “thuyết minh” tác phẩm của mình.

Với Ninh Văn Vũ, dù mới học lớp 4 Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh (Hà Đông) nhưng cậu bé đã có góc nhìn về cuộc sống rất già dặn trong bức tranh của mình. Khôn khéo chia bố cục bức tranh thành 2 phần, Vũ đã kể được 2 câu chuyện đối lập.

Nếu bên dưới thể hiện qua lăng kính của cặp mắt “phê phán” về những hậu họa từ chiến tranh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu khiến con người, cây cối, động vật… phải sống trong môi trường bất an, ô nhiễm thì bên trên lại là cặp mắt mừng vui xen lẫn mong ước về một thế giới hòa bình, môi trường trong lành.

Khi đó, mọi người được sống vui vẻ, hạnh phúc; trẻ em được học tập, vui chơi; người lớn phát minh ra nhiều thành tựu khoa học… “Con vẽ cậu bé nở nụ cười rạng rỡ khi nghĩ về một thế giới tươi đẹp không còn chiến tranh, môi trường được bảo vệ, bầu trời luôn vang tiếng cười trẻ thơ… cùng mong muốn người lớn hãy lắng nghe tiếng nói của chúng con…”, Ninh Văn Vũ bày tỏ.

Cặm cụi chăm chút từng nét vẽ cho đến tận cuối giờ, Mai Phương (lớp 8, Trường THCS Tân Định) hoàn thành bức tranh phong cảnh rất đỗi nên thơ. Đó là một conn ngõ tĩnh lặng có chiếc cổng khép, “tiệm” cắt tóc và trà đá… vỉa hè.

Phía trên là những cành khế đang ra hoa tím từ phía trong sà ra. Chia sẻ về bức tranh của mình, Mai Phương kể: “Ra khỏi nhà là con gặp con ngõ này. Hình ảnh rất thân thuộc ấy in đậm trong ký ức của con. Dịp này con tái hiện lại trong tranh để chia sẻ với mọi người về một Hà Nội bên ngoài ồn ào, náo nhiệt nhưng vẫn có những góc phố rất bình dị, đáng yêu”.

Vượt hàng chục km để đến tham dự cuộc thi, Đinh Trà My (lớp 6, Trường THCS Nguyễn Trực, Thanh Oai, Hà Nội) say sưa thể hiện bức tranh dòng sông hoa súng xếp hình chữ S - dáng hình Tổ quốc Việt Nam.

Bức tranh được chuyển thể từ tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Khánh Phan - người đoạt giải Grand Prize cho tác phẩm “Váy hoa” tại cuộc thi Ảnh & Video SkyPixel - SkyPixel Annual Photo & Video Contest lần thứ 8 - 2023.

Có thể thấy, cô học trò lớp 6 dành nhiều tâm huyết khi chuyển thể bức ảnh thành tranh từ màu sắc cho đến bố cục. “Một lần được xem bộ ảnh của cô Khánh Phan con đã rất thích thú nên quyết tâm chuyển thể thành tranh song có thêm một chi tiết là con thuyền nằm bên.

Qua bức tranh con muốn gửi gắm thông điệp: Từ vẻ đẹp của một dòng sông, chúng ta sẽ thấy đất nước Việt Nam thật tuyệt vời khi có những người dân lao động chăm chỉ dựng xây quê hương. Vậy nên, hãy cùng ngắm nhìn và nâng niu, giữ gìn vẻ đẹp tuyệt vời này…”, Trà My cho biết.

Đinh Trà My thể hiện bức tranh dòng sông hoa súng được chuyển thể từ tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Khánh Phan. Ảnh: Bình Thanh

Đinh Trà My thể hiện bức tranh dòng sông hoa súng được chuyển thể từ tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Khánh Phan. Ảnh: Bình Thanh

… đến niềm vui của người lớn

Tác phẩm của Nguyễn Lam Ngọc giành giải Khuyến khích cuộc thi vẽ tranh 'Những sắc màu cuộc sống' lần 2. Ảnh: Bình Thanh
Tác phẩm của Nguyễn Lam Ngọc giành giải Khuyến khích cuộc thi vẽ tranh 'Những sắc màu cuộc sống' lần 2. Ảnh: Bình Thanh

“Ban tổ chức không muốn đưa ra chủ đề quá chi tiết sẽ khiến các con cảm thấy hạn hẹp trong suy nghĩ của mình. Các con có thể vẽ tất cả những gì quan sát và thấy được từ gia đình, nhà trường, xã hội... So với cuộc thi lần 1, lần 2 của cuộc thi có quy mô lớn gấp đôi năm trước, phải đóng cổng đăng ký từ sớm. Nếu năm trước phần lớn là học sinh của Alberg Nobel School thì năm nay có sự tham gia của nhiều trường ở Hà Nội như: Trần Đăng Ninh, Kim Liên, Đa Tốn, Ái Mộ B, Cầu Giấy, Vạn Phúc, Lê Lợi, Phan Đình Giót, Nguyễn Siêu, Thái Thịnh, Kim Bài, Cao Viên 2, Ngô Sĩ Liên, Nam Trung Yên, Nguyễn Đình Chiểu, Tân Định, Cao Bá Quát, Thành Công, Ngô Sĩ Liên, Edison, Vinschool... Chúng tôi mong muốn những lần sau sẽ tổ chức với quy mô lớn hơn để rộng mở sân chơi cho nhiều học sinh được thể hiện đam mê nghệ thuật của mình và cũng là cơ hội để Alberg Nobel School tìm ra những học sinh xuất sắc và trao học bổng để các con có cơ hội phát triển hơn nữa”. TS Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc điều hành Hệ thống phổ thông Liên cấp Alfred Nobel, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi

Cùng con đi từ khu đô thị Ocean Park vào nội thành tham gia cuộc thi, chị Hoa Quỳnh - mẹ Nguyễn Quỳnh Anh (lớp 6 Trường THCS, THPT Vinschool) kể, chị biết thông tin về cuộc thi từ Facebook của Alfred Nobel School nên gợi ý Quỳnh Anh tham gia.

Cô bé đã rất háo hức giục mẹ đăng ký và suy nghĩ về ý tưởng từ chính trò game mà Quỳnh Anh yêu thích: “Con sẽ vẽ một người thám hiểm và chia bức tranh thành 4 phần, trong đó mỗi phần là một gam màu kể câu chuyện về nơi nổi tiếng của thế giới”.

“Tôi đã ngạc nhiên với góc nhìn rất cá tính của con về cuộc sống xung quanh. Và tôi cũng rất vui vì nhờ cuộc thi có đề tài mở nên được con chia sẻ về điều đó. Khi đến đây, con không chỉ được thể hiện bản thân mà còn được giao lưu, rèn kỹ năng tiếp xúc đám đông vì từ trước đến giờ dù rất yêu thích vẽ song con ít tham gia các sân chơi như thế này”, chị Hoa Quỳnh nói.

Là một trong những phụ huynh đưa con đến ghi danh cuộc thi từ sớm, anh Ninh Văn Thắng, bố bạn Ninh Văn Vũ (lớp 4, Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh, Hà Đông) cho biết, vì bố mẹ bận mải nên gần như tự Vũ chuẩn bị từ ý tưởng đến hộp vẽ để bước vào tranh tài cùng các bạn.

“Chúng tôi chỉ nói với con rằng, con cứ thể hiện thoải mái nhất, thấy những gì ấn tượng xung quanh thì vẽ. Tôi rất bất ngờ khi con là một trong 2 bạn được giải Nhất lên chia sẻ về ý tưởng khi vẽ bức tranh. Thường ngày, con là cậu bé tinh nghịch, ngây thơ vậy mà trước cuộc sống con lại có góc nhìn già dặn đến vậy”, anh Ninh Văn Thắng bày tỏ.

Cũng mang niềm vui bất ngờ ấy khi con được giải Khuyến khích, chị Hoa Quỳnh - mẹ bạn Nguyễn Lam Ngọc (lớp 1 Alberg Nobel School) kể, đây là lần đầu Lam Ngọc tham gia thi vẽ và con luôn hào hứng, tập trung làm hết sức nên khi được nhận giải con rất vui.

“Tôi không có năng khiếu về môn này nên toàn tự con vẽ bằng niềm yêu thích sẵn có. Ở nhà bạn ấy hay xem YoutTube để tự vẽ tranh theo ý thích của mình. Tôi rất bất ngờ về sự sáng tạo của con”, chị Hoa Quỳnh cho biết.

Nhận xét về chủ đề cuộc thi, các phụ huynh đều cho rằng ban tổ chức đã rất trân trọng góc nhìn của trẻ thơ, dành cho các con cơ hội được nói tiếng nói của mình về thế giới xung quanh.

Các bé say sưa thể hiện góc nhìn của mình về cuộc sống tại cuộc thi. Ảnh: Bình Thanh

Các bé say sưa thể hiện góc nhìn của mình về cuộc sống tại cuộc thi. Ảnh: Bình Thanh

Phần lớn các con quan tâm đến môi trường sống từ đô thị đến rừng xanh và biển cả. Ngoài ra cũng có con thể hiện niềm vui giản dị bên cha mẹ, bạn bè hoặc chia sẻ mong ước của mình về thế giới tương lai…

“Cuộc thi vẽ tranh “Những sắc màu cuộc sống” rất ý nghĩa vì đã thúc đẩy các con thể hiện niềm đam mê yêu thích của mình với hội họa và hứng thú hơn trong học tập. Chủ đề cuộc thi rất rộng nên dễ cho các con lựa chọn ý tưởng của mình, các con có thể tự do sáng tạo”, chị Hoa Quỳnh nói.

Đồng tình với quan điểm này, anh Ninh Văn Thắng nhận xét: “Tôi thấy chủ đề rất hay và phù hợp với lứa tuổi của các con đang thích tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Nhất là, dù các con còn nhỏ song ban tổ chức vẫn dành cho các con sân chơi để được thể hiện cảm xúc, sự hiểu biết cũng như ý kiến của các con về cuộc sống”.

Là thành viên Ban Giám khảo cuộc thi, ThS, họa sĩ Nguyễn Thị Huyền, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng, đa số các con đều nhìn cuộc sống với màu sắc rất tích cực, vui tươi, rực rỡ nhưng mỗi bạn đều có cách nhìn riêng rất phong phú và tùy từng lứa tuổi sẽ thể hiện cảm xúc trên tranh khác nhau.

Trong đó, các bé lớp 1, lớp 2 thường có cách nhìn trong trẻo, đơn giản hơn các bạn lớn hơn một chút, bắt đầu có những suy nghĩ, ý tưởng mang triết lý cuộc sống rõ ràng hơn, đề cập đến những vấn đề nổi trội trong cuộc sống hiện nay như về môi trường, khí hậu.

Cách nhìn riêng của trẻ con đều ngây thơ, bất ngờ đối với người lớn, có thể vẽ những góc cảnh nhỏ hoặc chỉ một ý tưởng nào đó nhưng luôn gây bất ngờ rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ