Sắc màu bản Giáy trong trường học

GD&TĐ - Trường học ở Lai Châu đã xây dựng môi trường học tập lành mạnh gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa đặc sắc của các dân tộc...

Cô Trần Bích Phương cùng học sinh mặc trang phục người Giáy.
Cô Trần Bích Phương cùng học sinh mặc trang phục người Giáy.

Từ mái nhà, khung cửa sổ, đến hàng rào đá, những trang phục truyền thống hay góc bếp với bộ công cụ lao động sản xuất được cô trò Trường THCS San Thàng, thành phố Lai Châu (Lai Châu) trang trí thành không gian sắc màu bản Giáy ngay trong trường học. Việc làm này góp phần thực hiện dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội với đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021 đến năm 2025.

Tái hiện không gian văn hóa

Đón chúng tôi trong trang phục truyền thống của đồng bào Giáy, cô Trần Bích Phương - Hiệu trưởng Trường THCS San Thàng chia sẻ: “Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã xây dựng môi trường học tập lành mạnh gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Ngoài ra, thầy cô đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào các tiết học và những hoạt động ngoại khóa”.

Trong đó, hoạt động nổi bật của nhà trường là xây dựng không gian Sắc màu bản Giáy và câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Giáy. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua không gian này sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

San Thàng là xã cửa ngõ, có nhiều thuận lợi của thành phố Lai Châu. Đời sống của bà con dân tộc thiểu số (trong đó có đồng bào Giáy) đã từng bước được nâng cao, và nơi đây vẫn lưu giữ nguyên vẹn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Cô Phương chia sẻ: “Văn hóa của người Giáy ở xã San Thàng được thể hiện qua nhiều mặt đời sống văn hóa, tinh thần và sinh hoạt cộng đồng. Để giúp học sinh thêm yêu quý và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhà trường đã xây dựng không gian Sắc màu bản Giáy”.

Đưa chúng tôi đi thăm không gian Sắc màu bản Giáy của nhà trường, cô Phương hồ hởi giới thiệu: “Tuy chỉ là một góc nhỏ, nhưng đã thể hiện được những nét đặc trưng, sinh động của ngôi nhà truyền thống của người Giáy”. Từ mái nhà, khung cửa sổ, đến hàng rào đá, trang phục truyền thống hay góc bếp với những công cụ lao động sản xuất đều được nhà trường lựa chọn trưng bày.

Chỉ tay vào đĩa bánh trên bàn tiếp khách, em Thào Minh Đại, học sinh lớp 9A2 giới thiệu: “Đây là bánh bỏng, một đặc sản truyền thống của người Giáy. Ngồi trong không gian văn hóa này, chúng em được tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc, công cụ sản xuất hay nghề truyền thống của dân tộc mình, đồng thời có thể giới thiệu cho các bạn khác tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Giáy”.

“Do không gian hẹp nên chúng tôi chỉ chọn những hình ảnh đặc sắc nhất trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào Giáy để trưng bày. Tuy nhiên, nhà trường đã nỗ lực để tái hiện không gian sinh hoạt của một gia đình dân tộc Giáy” - cô Phương chia sẻ.

Học sinh được tìm hiểu về văn hóa truyền thống.

Học sinh được tìm hiểu về văn hóa truyền thống.

Bảo tồn và phát huy bản sắc

Qua câu chuyện với cô Phương, người Giáy là một trong 20 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trường THCS San Thàng hiện có khoảng 400 học sinh thì hơn 50% là con em đồng bào Giáy. Lẽ đó, nhà trường đã lựa chọn xây dựng không gian văn hóa người Giáy, thành lập Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy.

Cô Phương chia sẻ: “Hiện, Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy có 56 thành viên, gồm: Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Theo kế hoạch, câu lạc bộ sẽ sinh hoạt 1 lần/tuần và linh hoạt khi có các đợt thi, giao lưu”.

Thông qua các hoạt động của Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy, học sinh được thường xuyên tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như tập luyện những điệu múa truyền thống, giao lưu với các nghệ nhân để hiểu thêm về văn hóa dân tộc mình. Cùng với đó, học sinh còn được tham gia giao lưu với trường khác và múa, hát tại chợ đêm San Thàng.

“Tại cuộc thi Tiếng hát ngành Giáo dục năm học 2022 - 2023, thầy cô và học sinh của trường đã tham gia tiết mục múa truyền thống của đồng bào Giáy và đoạt giải Nhì” - cô Phương chia sẻ.

Cùng với việc xây dựng không gian Sắc màu bản Giáy, nhà trường khuyến khích thầy cô cùng học sinh mặc trang phục truyền thống của đồng bào Giáy vào những giờ sinh hoạt ngoại khóa hay ngày thứ 2, thứ 6 hàng tuần.

Cô Phương cho biết: “Đầu tiên, chúng tôi định hướng để học sinh hiểu được nét đẹp của trang phục dân tộc Giáy. Sau đó là những lời ca, điệu múa. Hơn thế, chúng tôi lồng ghép việc định hướng nghề nghiệp khi cho học sinh tìm hiểu về những ngành nghề truyền thống như làm bánh phở, bánh bỏng, bánh giày hay may, thêu trang phục dân tộc”.

Em Lù Thị Thùy, học sinh lớp 9A2 hồ hởi nói: “Em là người Giáy tại xã San Thàng. Khi đến trường thấy không gian sắc màu người Giáy được trưng bày, bản thân em cảm thấy rất tự hào về dân tộc mình. Ý thức được vai trò của việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống nên em thường xuyên mặc trang phục dân tộc, chia sẻ nét văn hóa đặc trưng của người Giáy tới bạn bè trong lớp và nhà trường”.

Việc đưa các nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc vào trường học thông qua nhiều hoạt động thiết thực không chỉ giúp học sinh các dân tộc lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần giúp các em bồi đắp nhân cách sống, có trách nhiệm với gia đình, quê hương. Từ đó, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của dân tộc. - Cô Trần Bích Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.