Lần này trở lại với Sa Pa,“ôi thôi” một thị trấn mộng mơ đang khoác trên mình một chiếc áo bụi, đường sá lầy lội, bẩn thỉu. Khách du lịch đến với Sa Pa, ngoài áo ấm còn phải mang thêm cả khẩu trang và ủng. Các công trình xây dựng thi công khắp nơi không được che chắn, vật liệu để bừa bãi không còn lối cho người đi bộ.
Sa Pa đang thực hiện dự án nâng cấp cải tạo toàn bộ mặt đường thị trấn, nhưng gần hai năm nay vẫn chưa hoàn thành. Ông Hoàng Ngọc Hải người dân sinh ra và lớn lên ở Sa Pa bức xúc cho biết, xây dựng là điều cần thiết, nhưng đây là khu du lịch, cần phải đảm bảo môi trường, đúng tiến độ. “Đường đi lại lộn xộn. Đoạn đường từ đầu thị trấn đến đây nát hết cả đường, chẳng thấy tu sửa gì cả”- ông Hải nói.
Sa Pa "ngộp thở" với nhiều công trình xây dựng. |
Từ năm 2016, Sa Pa điều chỉnh địa giới hành chính diện tích tăng lên gấp đôi khoảng 5.500ha, trong đó bao gồm toàn bộ thị trấn Sa Pa, một phần xã Lao Chải, Sa Pả, San Sả Hồ. Năm 2017, Thủ tướng Chính phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Từ đó, nhiều dự án khách sạn 5 sao, khu giải trí, khách sạn mini, nhà hàng cũng được đầu tư xây dựng. Điều này cũng là một thách thức đối với chính quyền địa phương trong quản lý về trật tự xây dựng.
Đường xá ở Sa Pa bị đào bới, bụi bẩn. |
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sa Pa, từ đầu năm đến nay đã lập biện bản xử lý hành chính 80 công trình vi phạm trật tự xây dựng, chủ yếu là xây dựng không phép, sai phép. Tuy nhiên, chưa tổ chức cưỡng chế được bất kỳ trường hợp nào. Ngay như việc 4 trạm trộn bê tông ngang nhiên hoạt động không phép từ nhiều năm qua nhưng lãnh đạo huyện Sa Pa cũng không hề xử lý.
“Chúng tôi không biết các trạm trộn bê tông này có phép hay không. Sắp tới, chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra, nhưng chưa thực hiện được chúng tôi sẽ kiểm tra xem như thế nào?” - ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Sa Pa cho biết.
Xây dựng lộn xộn, còn quy hoạch kiến trúc cảnh quan thì sao? Trước kia, Sa Pa có khoảng 200 ngôi biệt thự kiểu Pháp nhưng đến nay đã biến mất dần. Thay vào đó là hình ảnh những nhà hàng, khách sạn mini liền kề, nhấp nhô, cao, thấp, thò ra thụt vào, lộn xộn như một góc phỗ cũ. Cảnh quan môi trường du lịch bị phá vỡ, vẻ đẹp hoang sơ của Sa Pa đang dần mất đi. Đây là điều khiến du khách đến Sa Pa không khỏi thất vọng.
Ông Nguyễn Thế Tài, Trưởng phòng Quy hoạch kiến Trúc, Sở Giao thông Vận tải- Xây dựng tỉnh Lào Cai cho biết: quy hoạch Sa Pa đã được phê duyệt từ năm 2016 với điểm nhấn là các công trình cao tầng.
Một góc đẹp Sa Pa còn đó. |
Khi Sa Pa có hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào sử dụng, du lịch đã phát triển mạnh, doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương. Thị trấn Sa Pa quá tải, biến dạng về mọi mặt, những vườn đào, vườn hồng, vườn lan…mang nét đẹp thiên nhiên, những ngôi nhà đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở Sa Pa đang dần biến mất, thay vào đó là nhà hàng, khách sạn.. Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Văn hóa truyền thống của người dân cũng đang chịu nhiều tác động.
“Sa Pa đang phát triển nóng về xây dựng, du lịch ảnh hưởng đến văn hóa. Tương lai du lịch Sa Pa sẽ phát triển sang hướng Y Tý, Bát Sát. Theo quy hoạch phát triển bên cạnh Sa Pa sẽ xây dựng các du lịch bảo tồn và du lịch cộng đồng” - ông Nguyễn Đình Dũng cho biết.
Sa Pa từng được bình chọn là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Du khách đến với Sa Pa để cảm nhận một môi trường sinh thái tự nhiên, tận hưởng khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc địa phương. Với cách phát triển du lịch như hiện nay ở Sa Pa thì mới chỉ theo hướng phát triển đô thị mà chưa đạt đến tầm quy hoạch kiến trúc của một điểm đến du lịch tầm cỡ Đông Nam Á. “Viên ngọc quý” Sa Pa mà không được nghệ nhân chế tác thì là điều đáng tiếc, một khi đã vỡ quy hoạch rồi thì sửa lại là vô cùng khó.