Sa mạc ngập vì mưa bất thường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong tuần này sau một cơn mưa được cho là lớn nhất trong vòng 75 năm qua ở quốc gia có tiếng là khô cằn này.

Lượng mưa kỷ lục 254mm đã trút xuống Al Ain - thành phố giáp biên giới với Oman, nhiều hơn mức trung bình của cả nước này trong một năm. Tại Dubai, đường cao tốc biến thành sông, nhiều lái xe bỏ lại phương tiện bị mắc kẹt trong biển nước, nhà cửa và cơ sở kinh doanh bị hư hại.

Các chuyến bay tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới bị gián đoạn nghiêm trọng. Theo báo cáo, 20 người đã thiệt mạng. Quá trình dọn dẹp, phục hồi dự kiến diễn ra chậm. Bởi, là nơi nổi tiếng với khí hậu sa mạc khô hạn và nhiệt độ nóng hiếm khi có mưa, nhiều khu vực thiếu hệ thống thoát nước.

Mưa lớn là hiện tượng bất thường ở UAE - đất nước nằm trên Bán đảo Ả Rập với khí hậu sa mạc khô hạn và đồng thời là một trong những khu vực nóng nhất và khô nhất trên Trái đất.

Nhiệt độ không khí mùa Hè có thể lên tới trên 50 độ C. Do đó, nhiều nghi vấn rộ lên về “thủ phạm” thực sự sau trận mưa lũ bất thường ở Dubai là công nghệ gieo mưa nhân tạo (cloud seeding), biện pháp mà UAE thường xuyên áp dụng để ứng phó với tình trạng khô hạn.

Công nghệ gieo mưa nhân tạo bao gồm việc phun các phân tử muối như bạc iodide hoặc chloride vào các đám mây. Các tinh thể muối này giúp tạo các tinh thể băng trong mây. Độ ẩm trong các đám mây sau đó bám vào tinh thể băng này và ngưng tụ thành mưa nhân tạo. Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức đã nhiều lần phủ nhận về khả năng này.

Các quan chức tại Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE khẳng định, mưa lớn dẫn tới lũ lụt không phải do chương trình mưa nhân tạo gây ra. Kể cả khi chương trình mưa nhân tạo cho máy bay di chuyển trên bầu trời, dẫn tới bão, thì những nỗ lực đó cũng khó có thể tạo ra nhiều mưa hơn lượng mưa rơi tự nhiên.

Tuy nhiên, trận mưa lớn gây lũ lụt chưa từng có ở UAE, cũng như Oman và Iran được cho là không phải tự nhiên xuất hiện. Lượng mưa xối xả này là do một cơn bão lớn di chuyển chậm quét qua Bán đảo Ả Rập và tiến vào Vịnh Oman trong nhiều ngày. Cơn bão mang theo hơi ẩm nhiệt đới dồi dào từ khu vực gần xích đạo và xả lượng hơi ẩm đó xuống khu vực này như vòi cứu hỏa phun nước.

Các chuyên gia thời tiết nhấn mạnh, bất kể chương trình gây mưa nhân tạo có được triển khai hay không, cơn bão này vẫn là một phần của hiện tượng cực đoan đã xuất hiện trong mô hình dự báo thời tiết trước đó nhiều ngày. Những đợt mưa xối xả như ở Dubai được dự kiến xảy ra thường xuyên hơn, khi bầu khí quyển tiếp tục nóng lên, hấp thụ nhiều hơi ẩm hơn và tạo thành mưa lũ.

Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể “tiếp tay” gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE. Thực tế, bản thân điều đó không có gì là bất thường. Do đó, nhân loại phải chuẩn bị cho các điều kiện thời tiết khắc nghiệt chưa từng có và có thể sẽ tồi tệ hơn cho đến khi chúng ta đạt được mức phát thải ròng bằng 0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ