Rút ngắn thời gian đào tạo đại học là tiệm cận quốc tế

GD&TĐ - Theo Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống GD quốc dân vừa được Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, GD ĐH sẽ rút ngắn thời gian đào tạo từ 4 - 6 năm như quy định hiện hành xuống còn 3 - 4 năm.

Rút ngắn thời gian đào tạo đại học là tiệm cận quốc tế

Đây là một điểm mới đáng chú ý của Đề án này, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội cũng như các nhà quản lý GD. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga vừa có cuộc trao đổi với báo chí, xung quanh vấn đề này.

Khuyến khích sự chủ động của các trường

Thưa Thứ trưởng, trước hết xin Thứ trưởng cho biết những căn cứ nào để Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh rút ngắn thời gian đào tạo GD ĐH như trong Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống GD quốc dân vừa trình Chính phủ?

Thế giới ngày càng hội nhập và GD ĐH cũng không thể tách rời xu thế đó. Thực tế khung thời gian đào tạo ĐH trên thế giới rất đa dạng, cấu trúc chương trình đào tạo cũng không giống nhau và đó là rào cản gây khó khăn cho việc công nhận chương trình, văn bằng giữa các nước, hạn chế việc trao đổi SV. Vì vậy, các nước đều mong muốn tiệm cận dần với một khung thời gian đào tạo được nhiều quốc gia áp dụng nhất.

Tiến trình Bologna (nhằm tạo ra Khu vực GD ĐH châu Âu với 3 nội dung: Thống nhất quá trình đào tạo; triển khai đảm bảo chất lượng; thực hiện công nhận văn bằng, chứng chỉ và thời gian học tập giữa các trường) về cải cách GD ĐH châu Âu đang được các nước trong Cộng đồng Châu Âu áp dụng. Các nước ngoài khối này cũng sử dụng quy định của Cộng đồng Châu Âu như khung thời gian tham chiếu. Theo đó thời gian đào tạo bậc ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ lần lượt là 3 năm, 5 năm và 8 năm kể từ khi người học tốt nghiệp tú tài.

Đào tạo ĐH của chúng ta hiện nay từ 4 - 6 năm là dài so với khung thời gian chung của các nước trên thế giới. Thời gian đào tạo dài làm tăng chi phí đào tạo, giảm cơ hội tìm kiếm việc làm của SV, gây thiệt thòi cho SV tốt nghiệp khi tham gia thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.

Nếu Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống GD quốc dân được Chính phủ thông qua, trong đó có việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH, việc triển khai sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Tất nhiên, đưa ra khung thời gian mới không có nghĩa là các trường phải ngay lập tức rút ngắn thời gian đào tạo xuống nhưng Bộ GD&ĐT khuyến khích xây dựng các chương trình mới phù hợp với khung đó.

Ví dụ, hai trường ĐH xuất sắc hiện nay là Trường ĐH Việt - Đức và Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (hay còn gọi là Trường ĐH Việt – Pháp) đã xây dựng chương trình đào tạo theo đúng tiến trình Bologna. Các trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay cũng đã áp dụng khung thời gian đào tạo tương tự.

Chú trọng vào chương trình và chất lượng đào tạo

Việc rút ngắn thời gian đào tạo liệu có đảm bảo đủ lượng kiến thức, chất lượng chuyên môn không thưa Thứ trưởng, khi mà SV Việt Nam vẫn còn phải học thêm các môn bắt buộc?

Rút ngắn khung thời gian đào tạo không có nghĩa là cắt ngắn chương trình và giảm chất lượng đào tạo. Khối lượng kiến thức, kỹ năng tối thiểu của các chương trình đào tạo phải được tăng cường để đáp ứng yêu cầu của khung trình độ quốc gia.

Các môn học bắt buộc theo quy định phải được duy trì, kiến thức chuyên môn cốt lõi của mỗi chương trình phải được xây dựng lại một cách có hệ thống, chặt chẽ, cô đọng sao cho thời gian SV lưu lại trường ĐH giảm nhưng kiến thức, kỹ năng SV tốt nghiệp được tích lũy được tốt hơn và có ích hơn cho hoạt động nghề nghiệp. Nghĩa là khi rút ngắn thời gian đào tạo thì chương trình, phương pháp giảng dạy của người thầy, phương pháp học tập của SV, cách quản lý đào tạo của các trường ĐH cũng phải thay đổi căn bản.

Hiện tất cả các trường ĐH đã học theo tín chỉ. Như Thứ trưởng vừa cho biết, với phương thức này, rất nhiều SV có thể rút ngắn thời gian đào tạo của mình xuống 3 năm, các em cũng có thể linh hoạt sắp xếp kế hoạch học tập theo thời gian phù hợp với bản thân. Như vậy, việc ban hành khung thời gian đào tạo có còn cần thiết, thưa Thứ trưởng?

Việc ban hành khung thời gian đào tạo là cần thiết. Theo đó, SV có thể học vượt, rút ngắn thời gian, không nhất thiết phải mất 4 năm học ĐH, nhưng 3 năm là tối thiểu, không thể rút hơn được nữa. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy có thể nâng cao hiệu quả đào tạo nhưng SV cần có thời gian tối thiểu ở trường ĐH để rèn luyện phẩm chất, phong cách sống, giao tiếp, làm việc theo nhóm… chuẩn bị hành trang đầy đủ trước khi bước vào đời.

Với ngành y, hiện đào tạo bác sỹ ngành y đang là 6 năm, thậm chí các trường y đang kiến nghị phải kéo dài lên đến 8 năm. Tuy nhiên, theo khung đào tạo mới này, trình độ ĐH ngành y cũng sẽ dừng lại ở 4 năm. Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn về điều này?

Không phải chỉ ở nước ta mà ở các nước phát triển cũng vậy, đào tạo bác sỹ y khoa để khám chữa bệnh cho nhân dân cần khung thời gian dài. Bên cạnh học ở trường, SV phải thực hành, thực tập nhiều ở bệnh viện.

Theo quy định của nước ta thì hiện nay đào tạo đại học ngành y phải kéo dài trong 6 năm. Các SV đỗ ngành này là những em giỏi, học thời gian dài nhưng khi ra trường cũng chỉ là tốt nghiệp ĐH như các ngành học 4 năm khác, hưởng cùng hệ số lương. Điều này rất thiệt thòi cho SV ngành y. Đề xuất cơ cấu hệ thống GD quốc dân mới quy định khung thời gian đào tạo ĐH tối đa là 4 năm nghĩa là các chương trình đào tạo phải được thiết kế sao cho sau khoảng thời gian tối đa này, SV phải được công nhận trình độ ĐH.

Đương nhiên để trở thành bác sỹ khám chữa bệnh, kỹ sư những ngành đặc thù… thì SV phải tiếp tục được đào tạo. Trình độ tiếp theo được công nhận dựa vào khung trình độ quốc gia của nước ta được xây dựng tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN. Theo đó đào tạo ĐH có 3 bậc: Bậc 6 (ĐH), bậc 7 (thạc sỹ) và bậc 8 (tiến sỹ).

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

“Hơn 10 năm nay chúng ta đã đổi mới quản lý đào tạo ĐH, chuyển từ niên chế sang tín chỉ. Quy chế đào tạo đã mềm dẻo hơn nhiều so với trước. Do đó mặc dù luật quy định thời gian đào tạo ĐH ít nhất 4 năm, nhưng nhiều SV đã tích lũy đủ tín chỉ để tốt nghiệp trong 3 năm. Đó là bằng chứng thực tiễn cho thấy chúng ta có thể rút ngắn thời gian học trên giảng đường”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.