Theo đó, quy trình đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ được thực hiện như sau:
Trong thời hạn 5 năm ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của nhà tài trợ, cơ quan đề xuất đàm phán phối hợp với cơ quan chủ quản chương trình, dự án hoàn thành hồ sơ, gửi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đồng thời gửi Văn phòng Chủ tịch nước để phối hợp.
Còn trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất, cơ quan liên quan gửi ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao để kiểm tra và Bộ Tư pháp để thẩm định.
Về quy trình kiểm tra, thẩm định, đối với các điều ước quốc tế có các quy định về pháp lý chung không khác biệt so với các điều ước quốc tế đã ký kết với cùng một nhà tài trợ thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp gửi ý kiến kiểm tra đề xuất đàm phán điều ước quốc tế cho cơ quan đề xuất.
Quy trình phê chuẩn được thực hiện như sau:
1- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan về việc phê chuẩn điều ước quốc tế, đồng thời gửi Văn phòng Chủ tịch nước để phối hợp;
2- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan gửi ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất;
3- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế, đồng thời gửi Văn phòng Chủ tịch nước để phối hợp;
4- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất, Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước phê chuẩn điều ước quốc tế.