Cô, trò Trường tiểu học Thị trấn Ít Ong B, huyện Mường La (Sơn La). Ảnh: gdtd.vn |
(GD&TĐ) - Hôm nay (6/11), Bộ GD&ĐT và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo Dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đại diện Ngân hàng ADB, các Vụ, Cục chức năng (Bộ GD&ĐT) và lãnh đạo các Sở GD&ĐT tham gia dự án.
Trong vài thập niên vừa qua, giáo dục Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đạt được những mục tiêu đề ra. Tỷ lệ biết chữ (đối với dân số trong độ tuổi từ 15 trở lên) là 93,5%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học đạt 95,5%; trong tổng dân từ 5 tuổi trở lên có 24,7% đang đi học, 70,2% đã từng đi học trước đây, và chỉ có 5,1% chưa từng đi học. Tỷ lệ hoàn thành giáo dục tiểu học là 88,2%, trong khi tỷ lệ bỏ học của nhóm dân số ở độ tuổi từ 5-18 đã giảm đáng kể từ 22,0% năm 1989 xuống còn 17,1% năm 1999 và 15,5% năm 2009.
Nhìn chung, tiến bộ của giáo dục THCS trong thời gian qua đã có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, giữa các địa phương ngày càng rõ rệt sẽ có thể dẫn đến sự gia tăng thiếu bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục và khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đối tượng người học và các vùng miền. Điều đó đặt ra vấn đề các địa phương đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ để rút ngắn khoảng cách về giáo dục.
Mục tiêu tổng quát của Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất là giảm khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và các nhóm dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, Dự án tham gia, hỗ trợ trực tiếp vào quá trình phát triển các khu vực khó khăn, DTTS trong đó có vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, và vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nhất trí đánh giá về các tiêu chí đưa ra lựa chọn các đơn vị được hưởng thụ dự án rất rõ ràng cụ thể đảm bảo cho những nơi khó khăn được hỗ trợ về cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Các địa phương tham gia dự án cần phải xác định rõ vai trò và nhiệm vụ cụ thể trong quá trình thực hiện và triển khai, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mà toàn ngành đã đặt ra; Đẩy mạnh việc đưa ứng dụng CNTT vào quá trình thực hiện dự án vì CNTT có ảnh hưởng lớn tới việc phát triển nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường công tác đào tạo đội ngũ GV thông qua mạng Internet, phát triển hệ thống thư viện điện tử…;
Cùng đó, cần đầu tư thiết thực, có hiệu quả tại các địa phương, các địa phương sẽ trực tiếp lựa chọn các cơ sở tham gia dự án và các danh mục được đầu tư một cách hợp lý có trọng điểm; Đảm bảo nhu cầu và năng lực sử dụng nhưng trang thiết bị mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới mô hình chất lượng giáo dục.
Minh Châu