Ông ngờ ngợ. Ông đã quen anh ta bao giờ chưa nhỉ? Theo thói quen đối với cấp dưới, ông hất hàm.
- Nào, chúng ta đi vào câu chuyện. Anh cần gì ở tôi?
Người khách lạ nhếch miệng.
- Xin lỗi, tôi là khách hàng của ông.
Suýt nữa thì ông vỗ trán đánh bộp và kêu lên “Trời, sao mình lại bất cẩn đến thế”.
- Thư kí của tôi nói anh muốn kí hợp đồng truyền thông với chúng tôi. Tôi có thể biết cụ thể ý tưởng của anh là gì không?
Người khách lạ trở lại thái độ nghiêm túc lúc đầu. Anh lấy túi tài liệu từ trong va li ra.
- Đây là tất cả tài liệu tôi sưu tầm được về ông. Các bài báo in cũng như báo mạng viết về ông, phỏng vấn ông, 325 bài cả thảy. Ở mỗi bài, tôi đều ghi rõ xuất xứ, ngày tháng... 325 bài. Ông thấy đấy, tôi đã kẹp ghim tất cả, đảm bảo không nhàu nát, hoen ố... Rất tiếc là những lần ông xuất hiện trên truyền hình hay truyền thanh thì tôi không ghi lại được.
Ông ngồi thẳng lên. Ông bắt đầu khó chịu với vị “thượng đế” này.
- Xin lỗi, tôi chỉ còn ba mươi phút. Tôi có một cuộc hẹn lúc 10 giờ.
Người khách lạ không có vẻ gì là phật ý, hay bị chạm tự ái.
- Vâng, xin lỗi đã làm mất thời gian của ông. Tôi sẽ trình bày ngắn gọn ý tưởng của tôi. Có lẽ không đến ba mươi phút đâu, thưa ông.
Anh vén tay áo sơ mi lên, để lộ hình xăm ở bắp tay phải. Dòng chữ “H...Ậ...N...C...H...A”.
Ông khó chịu, buông lời giễu cợt:
- Lại là gì đây, thưa ông?
Anh tiến lại gần ông hơn.
- Ông nhìn đi. Đã rõ hơn chưa, thưa ông.
H...Ậ...N...C...H...A
Ông run rẩy. Một luồng điện chạy dọc cơ thể.
- Anh... anh là...
Người khách lạ cố ghìm cơn chấn động chỉ chực òa khỏi lồng ngực. Anh hấp tấp cắt ngang lời:
- Vâng, là tôi đây. Ba mươi năm đã trôi qua rồi. Lâu quá rồi, phải không ông.
Và ông không bao giờ mong chờ cuộc gặp này, cũng không bao giờ ngờ đến là sẽ gặp lại tôi, đúng không?
- C...o...n...
- Ông đừng gọi như thế. Kịch lắm. Tôi cũng chẳng thiết tha gì, chẳng sung sướng gì khi nghe cái từ đó thốt ra từ cửa miệng ông đâu.
Nỗi khinh bỉ của anh trào ra ngoài theo cơn giận ngùn ngụt. Ông ta chỉ cho anh trình bày ba mươi phút thôi mà. Anh đã chịu đựng ba mươi năm nay, để đổi lấy ba mươi phút này đây. Giây phút này, hà cớ gì anh phải kiềm chế.
- Ba mươi năm nay, tôi mang mối hận của một thằng không cha. Nói chính xác, tôi và em tôi có cha mà bị cha ruồng bỏ, bị cha chối từ. Mẹ tôi phải tự huyễn hoặc mình đã góa chồng, phải rời bỏ quê hương để tìm miếng ăn.
Coi như ông đã chết thì bà mới đủ sức mà nuôi chúng tôi lớn chứ. Nếu bà cứ nghĩ cha các con bà còn sống mà ruồng bỏ, bạc đãi chúng, chạy theo người đàn bà khác, vun đắp tổ ấm khác... Nếu nghĩ như thế, chắc bà chỉ tồn tại thôi đã khó, làm sao nuôi dạy anh em chúng tôi được.
Ông thấy ngột ngạt trong người. Đây là hiện thực hay ác mộng? Đây là trần gian hay địa ngục? Cuộc đối đầu này, ông mơ hồ cảm thấy. Vậy mà chưa bao giờ ông chuẩn bị, chưa bao giờ ông nghĩ ngợi về nó. Ông chủ quan quá.
- Nhưng... nhưng ba và mẹ con đã li hôn... - Ông lắp bắp.
Anh chỉ tay vào mặt ông.
- Câm. Tôi cấm ông không được nói. Ông không có quyền nói. Ông có quyền gì mà thanh minh cho hành động tội lỗi của mình kia chứ. Ba mươi năm nay, tôi ôm mối hận cha trong lòng. Tôi đau từng ngày để hôm nay, tôi đủ quyền đứng trước ông, buộc ông phải tự phán xét, tự sám hối.
- ...
- Đây. Ông nhìn đi. Nhìn cho kỹ vào. Tại sao tôi phải xăm vào tay mình dòng chữ này? Để tôi không bao giờ quên được. Dòng chữ khắc vào tâm trí tôi, buộc tôi phải bươn chải, phải lao động cật lực để sớm có ngày gặp lại ông, đường hoàng.
Tôi đã phải mất ba mươi năm. Không tuổi thơ, không tuổi trẻ, không một bữa ăn ngon, không một giấc ngủ bình yên. Cái giá mà tôi phải trả quá đắt, đúng không. Nhưng tôi không hối tiếc.
Ông nài nỉ:
- Ba xin... Ba xin con. Con đừng nói nữa.
Nỗi khinh bỉ của anh trào ra ngoài:
- Ông có biết vì sao tôi phải sưu tầm từng bài báo viết về ông, từng bài trả lời phỏng vấn của ông không? Chưa lần nào, ông nhắc đến mẹ con tôi, nhắc đến cuộc hôn nhân đầu tiên mà ông tự nguyện ruồng bỏ. Với ông, cuộc hôn nhân sau này của ông mới là bắt đầu, mới là trinh nguyên, mới là hạnh phúc. Tôi nói thế có đúng không nhỉ!
Đã đi vào nội dung chính của buổi chất vấn. Ông bắt đầu thở ra nhè nhẹ.
- Ông quên rồi à, khi ông mười bảy tuổi, ông là một thằng trai làng quần ống cao ống thấp, học hết phổ thông mà chẳng biết đi đâu. Ông lấy mẹ tôi. Ông ngấu nghiến mẹ tôi, bắt mẹ tôi một mình mang vác, một mình chửa đẻ, chăm con, chăm mẹ cho ông, để ông rảnh rang tìm đường lên thành phố.
Đến khi học hành xong rồi, sự nghiệp mở mang rồi, ông tìm cách ruồng bỏ mẹ con tôi, lấy vợ mới, đẻ con mới...
- …
- Tôi đã phải nuốt hận, rời bỏ quê hương với hai bàn tay trắng, sống chui lủi và làm đủ mọi việc ở xứ người. Làm thằng phu khuân vác, làm thằng ở cho người ta, kể cả làm trai bao trai gọi, cốt gom được lưng vốn làm ăn. Chi phí cho buổi gặp ông hôm nay bằng một tháng tôi dọn hố xí cho nhà người ta đấy.
Ông thấy lợm giọng, chỉ muốn nhổ một bãi nước bọt. Hóa ra ông chỉ ngang với những thứ bẩn thỉu ấy thôi ư?
- Thôi, nói thế đủ rồi. Tôi gặp ông, cũng chỉ để cho ông thấy rằng: Quá khứ không ngủ yên như ông vẫn mong muốn và lầm tưởng đâu. Nó sẽ quay lại và cắn vào ông bất cứ lúc nào.
Anh bỏ ống tay áo xuống, lấy lại dáng vẻ lịch sự ban đầu.
- Tập tài liệu này, tôi đã liên tục bổ sung trong những năm qua. Bây giờ tôi không cần đến nữa. Tôi tặng lại ông đấy.
Anh bước ra cửa, xoay nắm đấm.
- Chờ đã...
Giọng ông yếu ớt ở góc phòng. Dường như ông vẫn còn bàng hoàng. Cơn sóng thần ập đến đảo lộn cuộc sống vốn bình yên bao năm qua.
***
- Sao anh không bật điện, phòng tối om thế này?
Ông giật mình, suýt nữa thì bật dậy. Ồ, đây là nhà mình cơ mà. Hình như mình vừa thiếp đi một lúc thì phải.
- Anh ốm à?
- Không, anh hơi mệt. Anh muốn nằm nghỉ một lúc.
- Vậy thì về phòng đi. Ai lại nằm ở phòng đọc sách mà ngủ bao giờ.
Ông chống chế:
- Đâu có. Anh đọc tài liệu rồi ngủ quên đấy chứ.
- Trông sắc mặt anh đờ đẫn thế kia, lại về sớm hơn mọi ngày. Anh mất gì à?
Đúng, đúng là ông đang mất. Nhưng hỏi mất gì thì ông chịu, không trả lời được.
- Vậy em đi dọn cơm. Anh tắm rửa rồi ra ăn cơm nhé. Cũng muộn rồi đấy.
Sau bữa cơm tối rời rạc, lấy cớ bận đọc tài liệu, chuẩn bị cho buổi họp báo ngày mai, ông chui vào phòng đọc sách, khóa trái cửa lại.
Cuộc gặp gỡ hồi chiều với thằng con lạc loài khiến ông không yên, cảm giác bứt rứt bực bội trong lòng. Thằng láo toét! Đang yên đang lành, từ đâu nó vác xác tới, đập vào mặt ông những lời hỗn hào.
Thằng khốn nạn! Nó giả vờ đóng vai đối tác làm ăn để tiếp cận ông, vạch chân quá khứ của ông? Ông rùng mình. Nếu chuyện này lộ ra... Mấy tờ báo lá cải sẵn sàng quay mũi giáo về phía ông.
Những đối tác làm ăn thân thiết bao nhiêu năm qua cũng sẵn sàng cho ông nốc ao. Những kẻ thù địch nhân cơ hội này sẽ ném bùn sang ao. Ông - Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty truyền thông lớn. Ông - người đàn ông thành đạt, mẫu hình người chồng người cha lý tưởng - sẽ bị vạch mặt là kẻ phản bội. Mà phản bội ai cơ chứ? Phản bội chính người vợ đầu và hai đứa con với người vợ ấy.
Thằng con mất dạy ấy nói có đúng không nhỉ? Tất nhiên là đúng, nhưng đúng theo cái lý của nó thôi.
Nó đâu có biết vì sao, vì cớ gì ông phải ruồng bỏ.
Ông nhắm mắt lại. Cơn đau tức âm ỉ trong lồng ngực. Ông cảm thấy mình đang chìm dần vào ác mộng. Ác mộng của quá khứ. Quá khứ ấy chưa từng ám ảnh ông, hay nói đúng hơn, miền quá khứ mà ông từng sợ hãi, miền quá khứ ông cố tình chà đạp rũ bỏ hôm nay lại trở về.
***
Ngày ấy, ở một làng quê miền Trung nhiều gió cát, có một chàng trai nổi tiếng học giỏi và hào phóng vô tư. Thừa điểm để đi học nước ngoài nhưng vì mâu thuẫn giữa gia đình và chính quyền địa phương, họ cố tình đưa vào lý lịch của anh những dòng bất lợi.
Chán đời, nhàn rỗi, anh quay sang lấy vợ là cô thôn nữ cùng làng, định bụng yên ổn với ruộng vườn, sinh con đẻ cái. Nhưng cái chất ngang tàng phóng túng không để anh yên. Anh lên thành phố, rồi lại trở về, loay hoay mãi cũng lo được thủ tục vào đại học. Nhịp sống thành thị cuốn anh vào vòng xoay của nó.
Từ khi lên thành phố, mỗi lần trở về quê đối với anh là cả cực hình. Người vợ cùng hai đứa con là hiện thân của những năm tháng cơ cực nhất, mòn mỏi nhất.
Bạn bè thì mỗi đứa mỗi phương, còn anh nuốt nhục trong xó buồng khai mùi nước đái. Anh hận quá khứ ấy. Anh khao khát thành công và nổi tiếng. Nỗi khát khao mạnh như một cơn bão. Anh cần gạt bỏ tất cả những gì cản đường đi của cơn bão đó.
Nhanh thật. Mới thế mà đã ba mươi năm. Ba mươi năm ông đoạn tuyệt với người vợ đầu và hai đứa con, không một lần ngoái lại. Bố mẹ mất rồi. Anh em ruột thịt mỗi người mỗi ngả. Quê hương mỗi ngày một mờ xa.
Quê hương thật ra cũng chẳng có nghĩa lý gì, nếu nó chỉ gắn với cơ hàn, tủi nhục, gắn với quá khứ mà người ta cố tình muốn rũ bỏ. Ông yên tâm với lý lí lịch mới, tên gọi mới, yên tâm tạo dựng sự nghiệp bằng tất cả sự thông minh, tài khéo và cả gian manh sẵn.
Trong tất cả các cuộc gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn, ai muốn quan tâm đến gia đình ông đều được ông kể rất say sưa về người vợ gốc Nam Bộ và hai đứa con một trai một gái.
Trong mắt mọi người, ông là mẫu đàn ông hiếm có: Thành đạt, hạnh phúc và chung thủy. Hợp tác với một con người tử tế là sự bảo đảm bằng vàng. Những hợp đồng làm ăn bay đến tới tấp. Cơn lạm phát toàn cầu lại là dịp để công ty ông vươn vòi bạch tuộc thâu tóm quyền lực trong giới truyền thông.
Cuộc sống đang tốt đẹp biết bao. Vậy mà hôm nay, quá khứ lại trở về. Nó gõ cửa đòi ông phải đối diện.
***
Cả đêm ông ngủ chập chờn, mộng mị. Sáng dậy, ông gấp vội mấy bộ quần áo bỏ vào cái va li xách tay. Về quê. Đơn giản là về quê thôi. Đã lâu ông không về. Về quê bây giờ cũng chẳng còn ai. Nhưng có một tiếng nói nào trong ông thì thầm hối thúc ông trở về. Phải trở về.
Ông đi xe đò. Cả chục năm nay ông không có khái niệm đi xe đò. Đi gần thì có xe công ty đưa đón. Đi xa thì có máy bay. Vậy nhưng hôm nay, bước khỏi nhà là ông bắt taxi ra bến xe khách.
Phải mất một ngày trời mới về đến quê. Cả ngày trời ngồi trên xe, với một người lúc nào cũng bận rộn như ông là cả sự lãng phí lớn. Nhưng hôm nay, ông thấy thật thoải mái. Mấy khi ông cho phép mình thư giãn như thế này.
Ông nhắm mắt. Cuộc gặp gỡ hôm qua với đứa con lạc loài không còn ám ảnh ông mạnh mẽ nữa. Mặc kệ nó. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Ông ngáp dài. Thèm ngủ một giấc quá.
Điện thoại kiên trì reo trong túi quần. Mấy hành khách bên cạnh chau mày vì sốt ruột, inh tai. Ông tặc lưỡi, mở máy. Cô thư kí nhỏ nhẻ nũng nịu: “Anh à, sao anh lại đi xe đò. Anh muốn về quê thì để em đặt vé. Đi xe đò người ta lo chết à!”. Ông ừ hữ: “Anh đang mệt, mọi việc tự giải quyết hoặc liên hệ với giám đốc nhé”.
Ông tắt máy điện thoại, thả lỏng người trên nệm êm. Thật dễ chịu. Tự nhiên nhớ giọng nói ngọt ngào của cô thư kí. Phải rồi, từ quê lên, ông sẽ rủ cô ta đi đâu đó vài ngày. Một thoáng rạo rực trong ông.
Ông của tuổi mười tám năm nào vục đầu vào ngực cô thôn nữ. Khoảng cách từ bộ ngực thôn nữ đó đến bộ ngực cô thư kí này, ông đã nếm trải thêm bao nhiêu hương hoa khác. Nhưng sao hôm nay ông lại nhớ cái mùi giản dị của đất đai toát lên từ hương thôn nữ ngày xưa.
Ngày xưa... Không, không bao giờ ông hối tiếc. “Kẻ mạnh phải là kẻ biết dẫm lên vai kẻ khác”. Ai đó đã nói như vậy nhỉ? Huống chi, ông chẳng có tình yêu, chỉ đơn thuần là ràng buộc con cái. Sau khi ly hôn, ông hứa sẽ trợ cấp tiền nuôi con, nhưng có lẽ vì hận ông nên cô ta ôm con bỏ đi biệt xứ. Rồi ông lấy vợ mới.
Nghĩ đến vợ, lòng ông chợt nguội lạnh. Bà bị ung thư, phải cắt bỏ một bên vú để tránh di căn. Hai người vẫn ngủ chung một giường mà ở hai bến bờ xa lắc. Trong mắt người thân và bạn bè, ông lại càng đáng kính. Ông đã chung tình và tận tụy với vợ biết bao.
Mắt ông chợt tối lại. Một tiếng động kinh hoàng. Rất nhiều tiếng động tiếp theo. Rồi lặng im. Lặng im tuyệt đối.
***
Đám tang Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn truyền thông F&F diễn ra trọng thể. Hai đứa con một trai một gái đang du học nước ngoài đã kịp về để tiễn đưa cha tới nơi an nghỉ vĩnh hằng.
Người đến viếng ai cũng chảy nước mắt. Tội nghiệp. Ông ấy tốt với bạn bè và đồng nghiệp vô cùng. Tội nghiệp. Hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Tội nghiệp!
Mấy năm trước vợ ốm, ông ấy đã đưa vợ đi chạy chữa khắp nơi... Tội nghiệp. Sao tự nhiên lại đi xe khách làm gì, để đến nông nỗi này. Sao trong số những người thoát khỏi vụ tai nạn kinh hoàng ấy lại không có ông?
Anh đứng lẫn vào đám đông. Anh cúi đầu, lắng nghe từng lời điếu văn trịnh trọng và xúc động. Người đang nằm trong quan tài kia không phải là cha anh.
Ông ta không trùng ngày sinh tháng đẻ, quê quán, tên tuổi. Ông ta có một người vợ gốc Nam bộ và hai đứa con đang du học nước ngoài. Ngay cả khi đã chết, ông ta vẫn mang một lý lịch khác về âm phủ.
Hành trình tìm lại cha của anh sẽ dừng lại ở đây. Từ đám tang về, anh sẽ đi tìm một thẩm mỹ viện để xóa đi hai chữ “H...Ậ...N...C...H...A” trên cánh tay phải này. Anh sẽ trở lại Mỹ, nơi anh đã tiêu hao tuổi trẻ trong lao lực và đau khổ. Mẹ anh đang trên giường bệnh.
Bà đang ngóng đợi anh từng ngày. Trước khi trở về Việt Nam, anh đã dặn đi dặn lại em gái không để bà biết lý do vắng mặt của anh. Nếu bà biết sự thật con trai mình đã đi đâu, làm gì, chắc chắn bà sẽ không yên. Khi bà ra viện, anh sẽ đưa bà về lại cố hương.
Anh và em gái anh không phải là những đứa trẻ bị ruồng bỏ. Hai anh em đã được sống, được lớn lên trong tình yêu của mẹ.
Một giọt nước rơi xuống mũi giày. Hình như anh khóc. Anh khóc cho mình hay khóc cho người đã chết?