Truyện ngắn: Búp bê lọ lem

GD&TĐ - Chuyện sống ở bãi rác, di dời nhà và con búp bê gãy tay đã trở thành những kỷ niệm thời thơ ấu khó quên của cô sinh viên Thu Hiền xinh đẹp...

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Mưa mải miết, những hạt mưa rát rạt quất vào mặt hai đứa bé đang quảy túi nhặt rác. Thằng con trai lớn hơn chắc là anh, bởi vì nhìn khuôn mặt lem luốc nhỏ xíu của đứa con gái, thấy nó giống thằng bé kia.

“Về đi anh, em đói bụng... em lạnh!”.

“Ráng chút nữa thôi. Bữa nay mưa quá, lượm không có mũ, làm sao có tiền mua gạo nấu cơm, mua thuốc cho má!”.

Con bé chợt nhớ đến mẹ nó, tự dưng thấy bớt lạnh và bớt đói bụng. Nó cầm cái cù móc hăng hái bới đống rác ngồn ngộn trăm thứ xà bần pha mùi nồng nặc, hôi thối. Đất dưới chân nó nhem nhẻm, đen sì và nhớp nháp.

“A! một con búp bê… bị gãy tay!”. Đứa con gái kêu lên phấn khởi. Hình như cái đói và sự mỏi mệt không còn nữa.

“Búp bê hả?”

“Búp bê dễ thương quá anh Dữ ơi!”

“Hừ… Nhựa cứng bán rẻ rề. Vậy mà mày cũng mừng!”. Thằng anh giọng uể oải.

“Không bán con búp bê này đâu… để em chơi!”

“Nó có đẹp đẽ gì. Còn bị sứt hết một tay như…”

“Như ai vậy anh?” - Con bé tên Hiền ngây thơ hỏi.

“Như chú Tư bán vé số ở đầu hẻm đó!”

Đống rác ở ngoại ô thành phố này dần dà cạn kiệt “tài nguyên” giống như con rạch sau nhà của anh em thằng Dữ, con Hiền, xưa kia rất nhiều cua cá. “Bây giờ kiếm lòng tong, tép chấu cũng khó!”. Chị Huệ, mẹ của hai đứa bé, thường cám cảnh, thương cho con rạch trong lành hồi ấy, ngày nay nước đen kịt như mực tàu, bởi người ta đã tuôn trăm ngàn thứ ô uế xuống… Con rạch đã chết! Con người đã bức tử nó! Vài nhà báo, nhà văn tâm huyết đã nhắc nhở đến nó với nỗi xót xa!

Rác ở bãi Hưng Thạnh hồi đó cũng khá phong phú với nhiều nhôm, đồng, sắt vụn, bán có tiền. Còn bây giờ thì rất nhiều túi ni-lông, giấy tạp, mũ cứng. Toàn là những thứ bị người ta dạt ra sau khi đã bán cho những gánh ve chai, lông vịt mua dạo. Bọn thằng Dữ, con Hiền và các bạn nó chỉ là đám ăn mót rác. Nhưng vẫn còn có chỗ cho chúng kiếm tiền. Những bàn tay bé nhỏ, hăng hái với ánh mắt vô tư, lơ ngơ của những đứa trẻ con nhà nghèo cận bãi rác, khiến ai đó khi bất chợt bắt gặp cũng thấy nao lòng!

***

“Tụi bây ngày mai không được vô đây bươi rác nữa nghen! Tao đã thầu đống rác này rồi. Đứa nào vô, tao bắt được, tao vặn họng…”. Mụ Tám Béo hàu hển la quang quác xua đuổi đám trẻ con. Người đàn bà này đã khá lớn tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, mạnh mẽ. Mụ ta có khổ người to lớn, mập mạp. Mụ Tám Béo không đến nỗi quá xấu xí. Nhưng khuôn mặt của mụ, càng nhìn càng thấy vô duyên, bởi màu da bờn bợt như màu vữa xi măng thiếu nước.

“Mụ béo! mụ béo!… Mập lê… mập lê… Thấy mà ghê!” - Bọn trẻ đồng thanh xướng lên như để trút sự bực tức của chúng.

Sự thật, cái vụ thầu đống rác này cũng khó hiểu! Có người nói mụ Tám Béo đút lót cho xe tải vệ sinh vài trăm ngàn gì đó, để cho người nhà mụ độc quyền bươi rác! Có người lại nói mụ Tám đã ký hợp đồng với công ty vệ sinh làm “thầu rác”, giống như mấy người thầu ở những nơi có vệ sinh công cộng.

Mấy ngày đầu mụ Tám làm dữ, rượt đuổi bọn trẻ không cho chúng bươi rác. Anh em thằng Dữ, con Hiền thất nghiệp. Mấy gia đình ở xóm bãi rác nhau nháo, khủng hoảng! Vài hôm sau đó, ai muốn vào bươi rác phải đóng tiền ngày cho mụ Tám, gần bằng phân nửa tiền bán phế liệu trong ngày của những đứa trẻ siêng nhất! Thật là đỉnh cao của sự bóc lột! Nhưng, bọn trẻ nầy có mấy đứa lớn rất sừng sỏ. Bọn chúng tìm cách trả quả mụ mập đáng ghét kia.

Mấy thằng lớn chỉ huy, ra lệnh cho mấy đứa nhỏ, mỗi đứa làm thế nào không biết, phải có một túi… cứt! Thế là một trận mưa “bom” trút tứ tung xuống căn nhà của mụ Tám Béo trong một đêm tối tăm, mù mịt. Mụ la trời ơi ới và bụng dạ rất hoang mang, mặc dù ngoài miệng mụ vẫn nói cứng: “Tao sẽ cho bọn mày biết tay! Hừm…”

***

Con Hiền ôm con búp bê trong lòng như ôm một đứa con nít. Nó chơi bán nhà chòi. Căn nhà mà nó nhờ anh nó làm, sườn bằng sống lá dừa nước nom cũng khá đẹp: Trên lợp lá chuối. Vách vừng bằng những đọt lá cắm thẳng, chồng xếp mí nhau. Trước cửa chòi có một cái sạp bằng miếng gỗ thông dẹp, loại đóng thùng xuất khẩu nông sản. Trên miếng gỗ ấy là những tô, chén, ly, lọ sứt môi, mẻ miệng mà con Hiền đã lượm được và đem về nhà sau mỗi lần đi móc rác.

Thằng Hải - cháu ngoại của mụ Tám Béo - lân la lại làm quen và xin chơi chung: “Bạn… bạn cho Hải chơi với” - “Ừ… bạn kiếm lá ổi làm tiền mua đồ nghen!”. Con Nhí và thằng Tình ở cạnh nhà con Hiền cũng nhập bọn chơi chung. Bọn chúng chơi trò bán quán. Nồi cơm làm bằng lon thịt hộp ba lát lùn, có nắp vung là một tấm thiếc tròn, dằn gạch bên trên. Lá khô trong vườn tha hồ mà gom nhóm bếp. Một vốc gạo nhỏ vo với nước sông. Lửa cháy lên, cơm sôi, chắt nước, cời than ghế cơm. Món kho thì có dăm ba con tép chấu đặt “nhá”*, không nhiều lắm, nhưng đủ để bán quán nhà chòi.

truyen-ngan-bup-be-lo-lem-1.jpg
Ảnh minh họa: ITN.

“Cho một tô hủ tiếu đi!”

“Cho một dĩa cơm!”

“Cho một chai rượu”

“Trả tiền quán đi!”

“Không… tui say rồi! Tiền bằng lá khoai có xài không?”

“Ăn quỵt!… ăn giựt. Kêu cảnh sát bắt nó… Nó chạy kìa!”

Thằng cu Tình đóng vai bợm bải ăn quỵt, bị dân xóm chòi vây bắt. Phen này cu Tình sẽ phải vào nhà đá! Cuộc chơi kết thúc khi cả bọn xúm đè cu Tình, nó giãy đạp làm sập cái nhà chòi…

***

Mấy cái xe ủi lù lù giống như những chiếc xe tăng nằm trên bãi rác. Đã có quy hoạch giải tỏa bãi rác này để làm nhà máy. Dự án vào triển khai. Những chủ đất vườn, đất ruộng quanh đây còn phải ra đi huống hồ chi mươi hộ gia đình vô căn cơ, sống tá túc quanh cái bãi rác này.

Những người dân bị thu hồi đất được đền bù “thỏa đáng”. Có kẻ bằng lòng, có người cũng chưa vừa ý. “Chẳng biết sẽ làm gì nữa để sống đây!?”. Đó là câu than thở, lo âu của mọi người.

Có người tỏ vẻ hiểu biết, hệch hạc nói rằng: “Tập đoàn hay công ty gì đó, làm dự án xin đất để xây dựng, phát triển này nọ. Sau một thời gian, họ than lỗ lả và xin chuyển mục đích sử dụng! Chuyện hứa hẹn dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho cư dân ở đó thì chỉ là mơ thôi! Họ còn than phiền, dân sở tại đa phần trình độ văn hoá thấp, quá tuổi hoặc dưới tuổi lao động, rất khó đào tạo!? Công ty còn bận trăm ngàn công việc làm ăn để kiếm tiền trả nợ cho ngân hàng!?” - Hóa ra, họ cũng chỉ là những người, đôi khi chỉ “mượn đầu heo nấu cháo” mà thôi! Chỉ có mấy anh nông dân mất đất, khi hết tiền thì cuộc sống của gia đình anh ta rất thảm hại, nhiều khi dẫn đến bi kịch.

Di dời chỗ ở là sự đổi thay rất sâu sắc, mạnh mẽ đối với những người xưa nay, vốn sống với đồng đất, chân quê, chưa quen mùi thành thị. Nhà nước và những người có trách nhiệm đã thấy, và cũng rất băn khoăn đến vấn đề “tái định cư!”. Tái định cư rồi một thời gian không lâu thường xảy ra kịch bản “hậu tái định cư”, đa phần dân mất đất làm trái nghề và một số không nhỏ lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn: “cận nghèo - nghèo - thoát nghèo - tái nghèo”.

Đồ đạc của nhà mụ Tám Béo được bà con “Xóm rác” phụ giúp chất lên chiếc xe tải gọn gàng. Gia đình mụ là những người ra đi đầu tiên, bởi mụ bao giờ cũng đánh hơi được sự lợi hại, thiệt hơn. Mụ Tám Béo chẳng học hành cao siêu gì, nhưng đối với mụ, tất cả những việc xảy ra đều tiềm ẩn hoặc hiển hiện những cơ hội. Tại người ta không biết lợi dụng, nắm bắt nó thôi!...

Mụ Tám bây giờ không còn hung dữ như hồi đầu năm, bởi mụ cũng phải chịu chung hoàn cảnh với đám dân sống bám theo bãi rác. Mụ chỉ có mối ân hận và xót xa vì đã mất ít của, khi trót nghe lời một tay tổ trưởng vệ sinh, giao kết bằng miệng, lãnh thầu bãi rác sắp sửa bị dẹp kia! Ừ, mà chuyện quy hoạch giống như chuyện trên trời, những người như mụ vô phương biết nỗi!

truyen-ngan-bup-be-lo-lem-2.jpg
Ảnh minh họa: ITN.

“Thím Tám đi trước mạnh nhé?”

“Chúc Chị Tám thượng lộ bình an?”

“Bà Tám đi mạnh nhen…”

Mụ Tám Béo ngồi trên xe như pho tượng. Mụ cảm thấy trong lòng dâng lên mối cảm thương những người hàng xóm nghèo khổ kia, điều mà trước đây ít có! Mụ cảm động vẫy tay. Thằng Hải cũng vẫy tay như bà nó. Nó cảm thấy buồn vô cùng khi nhìn thấy bé Hiền ôm con búp bê đứng trước ngôi nhà lụp xụp. Con búp bê có hai cánh tay đàng hoàng! Nó đã lấy của chị nó đổi cho con Hiền.

Chị của thằng Hải đã được mẹ nó dắt lên Sài Gòn làm ăn gì đó, cũng lâu rồi không thấy về! Có lần, nó nghe những người hàng xóm nói mẹ nó đã có chồng và làm rẫy, trồng cao su ở miền Đông. Nó nhìn con Hiền muốn rơi nước mắt, rồi nhớ đến chị mình… Thằng Hải không bao giờ hình dung ra nổi ba nó là ai! Bởi chưa hề có ông nào chăm sóc nó như những đứa trẻ khác!

Chiếc xe tải cũ kỹ, phà khói đen mù mịt, chở thằng Hải mất hút cuối đường. Nhiều năm sau, thỉnh thoảng, con Hiền vẫn còn nhớ rõ mồn một khuôn mặt lơ ngơ của thằng bạn trai dễ mến, đã đổi cho nó con búp bê bị mất hết một cánh tay.

***

Ba con Hiền trở về nhà sau một thời gian theo… vợ bé! Người đàn ông ấy đã cảm thấy thật sự hối hận khi bỏ bê vợ con mình thân sơ, thất sở. Huệ cũng vui mừng trong bụng và tha thứ cho chồng. Thực ra, chồng chị đã bị một cô gái trẻ có bóng sắc và nhiều thủ đoạn xỏ mũi. Huấn vốn là một kẻ hiền lương. Cuối cùng, anh ta cũng đã quay lại với chính bản chất của mình. Hôm ấy, con Hiền nghe ba nó nói với mẹ nó: “Anh… xin lỗi em và con. Anh sẽ cùng em làm lụng, cố gắng cho con mình được ăn học như người ta…”.

Chuyện sống ở bãi rác, di dời nhà và con búp bê gãy tay đã trở thành những kỷ niệm thời thơ ấu khó quên của cô sinh viên Thu Hiền xinh đẹp và học giỏi… Cô cũng sắp sửa bước vào năm học mới. Bãi rác bây giờ đã thành một nhà máy, không còn thấy dấu vết của ngày xưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Thủ tướng Hungary cảnh báo EU tê liệt

GD&TĐ -Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 21/2/2025 đã lên tiếng cảnh báo giá năng lượng tăng cao có thể làm tê liệt nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).