Rừng thông của TP Pleiku bị "bức tử"

GD&TĐ - Hàng trăm cây thông có tuổi thọ gần 40 năm bị các đối tượng dùng dao, rựa, chặt phá vỏ, thân cây khiến các cây có nguy cơ bị “bức tử”.

Nhiều cây thông bị đục, đẽo vỏ…
Nhiều cây thông bị đục, đẽo vỏ…

Dưới tiết trời nóng bức những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp đến khu vực rừng thông khu vực giáp ranh giữa TP.Pleiku và huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) để tham quan.

Tuy nhiên, khác với suy nghĩ của chúng tôi rằng đến đây sẽ được tận hưởng không khí trong lành, thoáng mát bởi nơi đây được xem là “lá phổi” của cả thành phố - khu vực rừng thông này có rất nhiều cây bị đẽo vỏ, những dấu vết dao, rựa chặt nham nhở.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều cây thông bị héo, nhiều cành chết khô, bên cạnh đó là vô số cây bị đục, đẽo vỏ hơn mét. Nhiều cây vẫn còn rỉ nhựa mới, cành lá bắt đầu khô, rũ xuống gần mặt đất. Đứng từ xa có thể thấy cả một vạt rừng thông bị chết đứng giữa trời.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết một số đối tượng đã lén lút tìm đến khu vực này để cạo vỏ thông bán cho dân chơi hoa lan ở nhiều địa phương trong cả nước. Hiện nay, giới chơi lan đang rộ lên xu hướng lấy vỏ cây thông làm giá để nuôi cấy phong lan nên giá vỏ thông khô trên thị trường khá cao.

Khu vực rừng thông tại tiểu khu 309 đang có nguy cơ bị “bức tử”
 Khu vực rừng thông tại tiểu khu 309 đang có nguy cơ bị “bức tử”

Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ về công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng thông trồng tại tiểu khu 309 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thì khu vực trên có diện tích khoảng trên 60ha, trong đó khoảng 50ha là rừng thông trồng 40 tuổi.

Năm 2009, khu rừng thông này cũng đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi của BQL để xây dựng Công viên văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành bàn giao.

Năm 2015, UBND tỉnh quyết định thu hồi chuyển đổi mục đích để xây dựng Khu tâm linh với diện tích 2ha. Hiện nay toàn bộ khu vực này đã được đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng theo bản đồ rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều người dân đã vào khu vực rừng thông để róc vỏ khô lấy về trồng phong lan. Qua kiểm tra, đo đạc thực tế tại hiện trường cơ quan chức năng xác định có 981 cây thông bị róc vỏ. Trong đó có 715 cây thông bị róc một phần vỏ khô bên ngoài, một số ít cây có hiện tượng chảy nhựa do con người tác động. Ngoài ra, 276 cây thông đã bị chết khô, thân còn đứng nguyên tại hiện trường, vỏ cây đã mục và bị bóc sạch vỏ từ gốc lên khoảng 2-3m so với mặt đất, thân cây đã bị côn trùng đục, mối mọt…

Không những vậy, trong quá trình tuần tra, các cơ quan chức năng còn phát hiện có đối tượng vào róc vỏ cây thông nhưng không bắt được mà chỉ thu giữ được một số dụng cụ róc vỏ cây mà những người này bỏ lại.

Để bảo vệ rừng thông không bị “bức tử”, UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo xã Ia Dêr phối hợp với BQL RPH Bắc Biển Hồ tăng cường tuần tra, ngăn chặn hành vi phá hoại cây thông.

Bên cạnh đó, UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tiến hành điều tra, xác minh, cũng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng vi phạm.

Ông Nguyễn Tất Thành - Phó Trưởng ban phụ trách BQL RPH Bắc Biển Hồ cho biết, mặc dù phát hiện nhiều cây thông bị cạo vỏ nhưng hiện vẫn chưa tìm ra thủ phạm để xử lý.

Theo ông, hiện tại đơn vị đã cử từ 1 đến 2 người thường xuyên túc trực tại khu vực này để tránh các đối tượng vào cạo vỏ, phá rừng thông. Đồng thời, đơn vị cũng gắn biển cấm phá hoại cây thông và để lại số điện thoại để người dân tố giác các đối tượng có hành vi xâm hại thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ