Trong cái rét “cắt da, cắt thịt”, hàng đoàn xe máy của những người buôn đào rừng vẫn ngược xuôi trên các nẻo đường vùng cao. Dọc Quốc lộ 6 lên các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… dịp này, đào rừng được xếp hai bên đường dài cả vài cây số. Từ hàng tuần nay, anh Lường Văn Dinh, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu (Sơn La) rong ruổi khắp các bản vùng cao để tìm mua những cành đào rừng mang xuống thành phố bán lại cho người qua đường hay các xe tải dưới xuôi lên thu mua...
Trước đây, nhu cầu chơi đào còn ít nên đào ở rừng hoặc tại các bản vùng cao nở hoa kín cả vùng, rồi sau đó ra quả. Thậm chí, đào chín rụng đầy gốc, trâu bò còn không thèm ăn. Ấy vậy mà mấy năm nay, do nhu cầu chơi Tết của người miền xuôi nên người đi buôn đào cũng nhiều hơn. Tết đến chính là dịp để những người chuyên nghề buôn đào rừng hái ra tiền.
Do nhu cầu của người chơi đào rừng dịp Tết tăng nên mấy năm gần đây kiếm được cành đào cổ thụ rất khó. Thực tế thì chỉ thấy chặt đem bán chứ có mấy ai ở vùng cao trồng đào để bán đâu. Vì thế, những cây đào càng to, thế đẹp và cổ thụ thì giá càng cao. Với nhiều người chơi đào rừng, khi đã thích thì họ sẵn sàng “xuống tiền” cả vài chục triệu đồng cho một gốc đào.
|
Anh Dinh bảo, với tốc độ chặt đào bán Tết như hiện nay, mỗi năm có hàng nghìn gốc đào, cành đào bị mất đi. “Như tôi, mỗi năm mua đi bán lại cũng gần 60 cành đào được chặt từ các bản vùng cao ở Co Mạ, Long Hẹ, É Tòng (Thuận Châu). Có năm, đào bán không hết đành vứt lại. Buôn đào mấy năm nay, biết việc này đang tận diệt dần đào rừng tôi cũng xót lắm. Nhưng biết làm sao được, tất cả vì cuộc sống mưu sinh mà. Nếu mình không thu mua thì cũng có người khác”, anh Dinh ngậm ngùi.
Có cầu ắt có cung, cuộc sống của người dân vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả, trong khi một gốc đào đẹp nếu bán được giá bằng cả năm làm việc vất vả. Vì vậy, khi có người hỏi mua họ sẵn sàng chặt bán cả cây, thậm chí còn đào cả gốc đem bán. Ông Mùa A Chu, bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Nhà tôi còn lại mấy gốc đào cũng có người hỏi mua cả cây nhưng tôi không bán, chúng gắn bó với chúng tôi lâu rồi. Tôi dự định sẽ ươm đào trồng, bù đắp lại những diện tích đào đã bị chặt đem bán. Vùng cao ngày Tết mà thiếu sắc đào thì buồn lắm.
|
Ngày 24/1, qua khảo sát tại một số điểm bán đào rừng dọc đê Yên Phụ, Quảng Bá, Nhật Tân (Hà Nội), giá một cành, một gốc đào rừng dao động từ trên 1 triệu đồng đến ngót 20 triệu đồng tùy loại. Gốc đào càng to, xù xì, nhiều rêu mốc, cành khỏe, nhiều nụ thì giá càng cao. Anh Lê Văn Thi ở quận Đống Đa, một người đi mua đào cho hay, anh thích chơi Tết đào rừng vì vẻ đẹp khỏe khoắn và bền lâu của đào. Một cành đào đẹp có thể chơi đến qua rằm tháng Giêng mà vẫn ở độ đẹp viên mãn. Tuy nhiên, một số ý kiến của các nhà văn hóa cho rằng, nếu chơi đào rừng cũng chỉ nên chơi đào cành. Nên giữ lại gốc đào để bảo tồn giống đào rừng quý đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt này.
Đào rừng hiện không nằm trong danh sách các cây cần bảo tồn nên việc ngăn chặn nguy cơ tận diệt đào rừng ở các địa phương nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền. Tết này, đào rừng vẫn rưng rưng… về phố.