Rụng răng vì thuốc tẩy trắng răng

Lạm dụng hoặc sử dụng không đúng thuốc tẩy trắng sẽ khiến răng ê buốt, hư tủy, tụt nướu.

Rụng răng vì thuốc tẩy trắng răng

“Bệnh viện (BV) đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) gần đây ghi nhận vài trường hợp bị tác dụng phụ do lạm dụng hoặc sử dụng thuốc tẩy trắng răng không đúng cách như ê buốt, hư tủy…” - bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Hải, Trưởng liên khoa Tai mũi họng-Răng hàm mặt-Mắt, BV đa khoa khu vực Hóc Môn, nói.

Nhai cơm như nhai… thịt dai!

Do dùng nhiều kháng sinh lúc nhỏ nên răng chị NTTL (32 tuổi, ở TP.HCM) hơi vàng, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công việc của một nhân viên kinh doanh như chị.

Nghe bạn bè mách bảo, chị L. lên mạng tìm hiểu và sau đó lùng mua bột tẩy trắng răng với giá 140.000 đồng/hộp. Người bán hướng dẫn dùng bột tẩy trắng chung với kem đánh răng và chỉ nên sử dụng mỗi tuần 2-3 lần.

“Thế nhưng vì muốn răng mau trắng nên chị L. dùng mỗi ngày khiến răng rơi vào tình trạng ê buốt cả hàm, không thể nhai cơm bình thường. Chẳng những hàm răng không trắng mà sức khỏe chị L. càng xuống vì ăn uống không được nhiều. Chúng tôi yêu cầu chị ngưng sử dụng bột tẩy trắng răng và tiến hành điều trị” - BS Hải nói.

Tương tự, do thường xuyên hút thuốc lá nên hai hàm răng của anh TMH (42 tuổi, ở TP.HCM) ố vàng. Chưa hết, anh H. còn bị chứng hôi miệng. Nghe thị trường có thuốc tẩy trắng răng và trị hôi miệng, anh H. tìm mua với giá 150.000 đồng/tuýp. Người bán cam đoan dùng trong hai tuần thì răng sẽ trắng và miệng hết hôi.

Hai tuần trôi qua, răng anh H. vẫn ố vàng, hơi thở vẫn còn mùi hôi. Cho rằng sử dụng trong thời gian ngắn không tác dụng, anh H. tiếp tục dùng thuốc tẩy trắng răng ngày này qua ngày khác. “Khi răng quá đau nhức, anh H. đến gặp BS. Chúng tôi phát hiện hai chiếc răng của anh H. bị hư tủy nên phải nhổ. Nếu anh H. không đến BS sớm, nguy cơ cả hàm răng bị hư tủy và phải nhổ bỏ là điều không tránh khỏi” - BS Hải cho biết.

Bác sĩ đang khám răng trước khi thực hiện tẩy trắng. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bác sĩ đang khám răng trước khi thực hiện tẩy trắng.

Không thể có thuốc “hai trong một”

“ Tác dụng phụ thường gặp của thuốc tẩy trắng là gây ê buốt. Tác dụng này tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng răng, nồng độ và loại thuốc sử dụng, cũng như thời gian tẩy trắng. Ngoài ra, lạm dụng hoặc sử dụng thuốc tẩy trắng răng không đúng cách còn có nguy cơ gây hư tủy răng, phỏng rát nhẹ hoặc tụt nướu do thuốc dính vào mô mềm. Chưa hết, thuốc tẩy trắng răng chỉ có tác dụng làm trắng răng, không có hiệu quả trong điều trị chứng hôi miệng” - BS Hải cho biết thêm.

BS Trần Tú Uyên, khoa Điều trị kỹ thuật cao 1 thuộc BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, cho biết hiện nay đã có hiện tượng một số người hoặc spa sử dụng những chất không đúng để tẩy trắng răng cho khách, gây hại men răng. Do vậy, không nên quá tin tưởng vào các quảng cáo trên mạng.

Theo BS Uyên, răng sậm màu có thể do màu răng vốn không sáng, do bám màu sau quá trình ăn nhai, do hút thuốc, do sậm màu theo tuổi tác hoặc do dùng kháng sinh khi còn nhỏ… “Tẩy trắng răng là dùng thuốc tẩy, dạng bột hoặc kem (thường có gốc peroxide với nồng độ từ 5% đến 35%) đặt trên bề mặt răng. Khi thuốc được hoạt hóa sẽ giải phóng gốc ôxy tự do làm trắng răng” - BS Uyên giải thích.

BS Uyên cho biết thêm thuốc tẩy trắng răng và hôi miệng là hai vấn đề không có nhiều mối liên quan. Một hàm răng trắng chưa chắc đã chắc khỏe và một hàm răng chắc khỏe không phải bao giờ cũng trắng.

“Bên cạnh đó, hôi miệng là biểu hiện chung của nhiều bệnh lý đa khoa như tai mũi họng (viêm xoang), tiêu hóa, răng hàm mặt. Riêng về nha khoa thì thường do viêm nướu, sâu răng hoặc có các ổ nhiễm trùng trong miệng. Tẩy trắng răng là để giải quyết nhu cầu thẩm mỹ, không giải quyết các bệnh lý răng (nếu có) và hôi miệng” - BS Uyên nói thêm.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.