Rừng đặc dụng ở Điện Biên kêu cứu: Ban Quản lý thiếu trung thực

GD&TĐ - Hàng trăm cây gỗ trong rừng đặc dụng ở hai xã Mường Phăng, Pá Khoang (TP Điện Biên Phủ, Điện Biên) bị đốn hạ trái phép.

Hiện trường khai thác.
Hiện trường khai thác.

Toàn bộ diện tích hơn 2.300 ha rừng đặc dụng nói trên được giao cho Ban Quản lý (BQL) rừng Mường Phăng quản lý. Đã xảy ra tình trạng báo cáo thiếu trung thực việc lâm tặc phá rừng.

Chuyện thật như đùa…

Theo thông tin mà Báo GD&TĐ có được, gần đây trên địa bàn hai xã: Mường Phăng và Pá Khoang đang xảy ra tình trạng rừng đặc dụng bị đốn hạ trái phép. Hơn 170 cây gỗ lớn nhỏ các loại đã được hạ gục và “chế biến”. Qua tìm hiểu, đa số các cây gỗ đã bị mất phần thân, chỉ còn phần ngọn và gốc.

Đây không phải địa bàn xa xôi hiểm trở. Điều đáng nói, khu vực này do BQL rừng Mường Phăng thuộc Sở NN&PTNT Điện Biên) quản lý.

Mang những thắc mắc trên đến thành phố Điện Biên Phủ thì được biết, sự việc trên được phát hiện trong khoảng thời gian từ ngày 18/11 - 14/12.

Trước đó, ngày 17/11, UBND thành phố đã ban hành Quyết định và kế hoạch kiểm tra, tuần tra công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng đặc dụng trên địa bàn TP Điện Biên Phủ. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã giao cho cơ quan chức năng là Hạt Kiểm lâm, Công an thành phố và UBND xã Pá Khoang, Mường Phăng phối hợp với BQL rừng Mường Phăng tổ chức tuần tra, kiểm tra toàn bộ diện tích rừng đặc dụng trên địa bàn.

Qua kiểm tra, đoàn xác định tại khu vực rừng nói trên có 173 cây gỗ bị đốn hạ trái phép gồm các loại: Giẻ, Vối thuốc, Mắc khén, Thanh Mai và một số loại cây bản địa khác thuộc nhóm V đến nhóm VIII. Khối lượng gỗ còn tại khu vực đã kiểm tra là hơn 20m3.

Cơ quan chức năng xác định thời gian chặt hạ từ cuối năm 2019 – 10/2020. Cơ quan chức năng xác định, địa bàn có 173 cây rừng bị đốn hạ thuộc 2 xã: Pá Khoang và Mường Phăng. Nó do cộng đồng các bản Kéo, Ten, Đông Mệt 1 - 2, Co Thón, Co Cượm, Đông Mệt 1 (xã Mường Phăng) và các bản Bua, Che Căn, Tân Bình, Khá (xã Pá Khoang) quản lý.

Việc phá rừng đã diễn ra từ cuối năm 2019. Song phải mãi đến tháng 10/2020 mới bị phát hiện và ngăn chặn. Hầu hết, số cây gỗ đã bị khai thác trái phép nêu trên cho đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng chặt phá. Một số cây được đánh dấu sơn đỏ còn sót lại tại hiện trường là do BQL rừng Mường Phăng phát hiện, đánh dấu song chưa được xác lập hồ sơ để xử lý vi phạm theo quy định.

Toàn bộ diện tích hơn 2.300 ha rừng đặc dụng nói trên được giao cho BQL rừng Mường Phăng quản lý theo Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 24/7/2015 và Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 02/4/2019 của UBND tỉnh Điện Biên. 

Những gốc cây hàng chục năm tuổi đang nằm trơ trọi sau khi “lâm tặc” bỏ đi.
Những gốc cây hàng chục năm tuổi đang nằm trơ trọi sau khi “lâm tặc” bỏ đi. 

“Hô biến” 32/36 cây gỗ?

Trong quá trình kiểm tra, xác minh, tổ công tác của thành phố nhận thấy Ban quản lý rừng Mường Phăng đã thiếu trách nhiệm khi không phát hiện và báo cáo kịp thời sự việc “lâm tặc” phá rừng trái phép. Có vụ việc phát hiện nhưng lại báo cáo thiếu trung thực. Đơn cử như vụ vi phạm tại bản Đông Mệt 1, xã Pá Khoang. Tại đây, có 36 cây bị chặt hạ với số gỗ còn lại tại hiện trường là 4,375 m3. Tuy nhiên, viên chức của Ban quản lý rừng Mường Phăng chỉ báo cáo có 4 cây bị chặt hạ.

UBND TP Điện Biên Phủ xác định, để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa phận được giao quản lý là do BQL rừng Mường Phăng đã thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, kiểm sát và bảo vệ. Bên cạnh đó là trách nhiệm của mỗi chủ rừng đã được giao khoán. Theo UBND TP Điện Biên Phủ, viên chức của Ban quản lý rừng Mường Phăng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, có nơi có chỗ đã đi kiểm tra song không phát hiện và báo cáo kịp thời.

Chính quyền thành phố nhận định, đối tượng phá rừng chủ yếu là người dân sinh sống trên địa bàn khai thác về phục vụ nhu cầu làm nhà ở. Cơ quan chức năng chưa nhận thấy có dấu hiệu của việc buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ rừng ra khỏi địa bàn.

Từ khi tiếp nhận toàn bộ diện tích rừng của 4 xã thuộc huyện Điện Biên về thành phố, UBND thành phố đã tăng cường công tác chỉ đạo về lĩnh vực lâm nghiệp, chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên trao đổi phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng đối với chủ rừng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hạt Kiểm lâm thành phố đã tiếp nhận xử lý vi phạm từ BQL rừng Mường Phăng là 22 vụ, phối hợp thực hiện là 8 vụ.

Trước sự việc trên, chính quyền thành phố đã kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá lại mô hình quản lý của BQL rừng Mường Phăng. Bởi theo chính quyền thành phố, việc quản lý bảo vệ rừng của BQL không có hiệu quả dẫn đến diện tích rừng đang giảm dần cả về chất và lượng. Điển hình như việc rất nhiều cây gỗ đã bị chặt hạ từ lâu xong không được phát hiện và xử lý kịp thời.

TP Điện Biên Phủ cũng đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể và những cá nhân liên quan thuộc BQL rừng Mường Phăng khi để xảy ra vụ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.