Thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long

GD&TĐ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Đặng Huy Hậu vừa chủ trì hội nghị nghe báo cáo về Dự án Thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long.

Thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long

Theo đơn vị tư vấn dự án, ranh giới khu rừng đặc dụng được xác định tại vùng lõi Vịnh Hạ Long gồm toàn bộ đảo nổi và rừng ngập mặn nằm trong Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long có tổng diện tích trên 5.032ha.

Trong đó, diện tích đất có rừng là 2.427,76ha, diện tích có thảm thực vật, cây, bụi, dây leo và cây gỗ mọc rải rác là 2.604,46ha với độ che phủ của rừng là 48,24%.

Mục tiêu của dự án là bảo tồn, phát triển các loài động, thực vật quý hiếm có giá trị cao, loài động, thực vật đang có nguy cơ bị xâm hại cao. Cụ thể, sẽ bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên gồm 507 loài, 351 chi, 110 họ thực vật bậc cao có mạch, 105 loài động vật ở cạn có xương sống…

Nhiều đại biểu tham gia, đóng góp ý kiến làm rõ một số nội dung liên quan đến dự án như: Tính cần thiết, căn cứ của dự án, đánh giá hiện trạng của vùng dự án, giải pháp cụ thể cho từng vừng, từng lĩnh vực; vấn đề tổ chức, bộ máy chuyên trách; việc đặt tên cho các đảo; nghiên cứu các giải pháp làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch sinh thái trên Vịnh Hạ Long; công tác đầu tư hạ tầng trong vùng dự án; vấn đề công nghệ của các bè nuôi, trồng thủy sản; giải pháp cụ thể để quản lý, bảo vệ rừng…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Đặng Huy Hậu nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng của việc triển khai Dự án Thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long.

Vì vậy, các khâu, quy trình cần phải được triển khai chặt chẽ, khoa học; nghiên cứu, xây dựng các khu bảo tồn động, thực vật dưới nước, mở rộng các trung tâm bảo tồn, trước mắt là bảo tồn san hô, tảo; ngoài 8 tuyến du lịch hiện có, cần nghiên cứu, đề xuất mở thêm tuyến mới; nghiên cứu các phương án nuôi trồng thuỷ sản mới phù hợp với bảo vệ môi trường trên Vịnh Hạ Long…

Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành của tỉnh nghiên cứu đề xuất việc trồng mới các loài cây bản địa, lộ trình triển khai, nghiên cứu các nguồn lực triển khai, phân kỳ đầu tư, đề xuất phương án về bộ máy chuyên trách đảm bảo khoa học. Cùng với đó, đến cuối tháng 12/2019 phải thông qua được đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ