Rủi ro chực chờ
Nhiều điều khoản mập mờ trong hợp đồng giữa Tâm Lộc Phát và nhà đầu tư. |
Trước đó, Báo GD&TĐ đã đăng tải bài viết: “Tâm Lộc Phát thua lỗ nhưng vẫn rải “thính” lãi cao dụ khách hàng” thông tin về việc Công ty Tâm Lộc Phát kêu gọi khách hàng đầu tư vào những gói lãi suất cao trong khi bức tranh tài chính của công ty này đang thể hiện gam màu “xám xịt”.
Hợp đồng mà Tâm Lộc Phát dùng để ký kết với khách hàng có nội dung khá sơ sài, kèm các điều khoản mập mờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.
Trong hợp đồng góp vốn cổ đông của Tâm Lộc Phát lập ra với nhà đầu tư ghi rõ Điều 4.2: “Tâm Lộc Phát được toàn quyền quản lý, điều hành, quyết định công việc kinh doanh và sử dụng vốn đầu tư theo quyết định riêng…”.
Trong khi đó, với kế hoạch kinh doanh và kế hoạch giải ngân vốn đều không được Tâm Lộc Phát nêu trên hợp đồng. Vậy đồng vốn của nhà đầu tư đã được Tâm Lộc Phát sử dụng thế nào?
Cũng theo hợp đồng, tại Điều 5.1, nhà đầu tư bị ràng buộc khi chỉ có quyền yêu cầu rút vốn đầu tư theo hợp đồng trong vòng 15 ngày kể từ ngày công ty nhận được đầy đủ vốn đầu tư theo hợp đồng hai bên ký.
Quá thời gian trên, nhà đầu tư không có quyền yêu cầu rút vốn trước thời hạn. Trong trường hợp được rút vốn, nhà đầu tư phải thanh toán cho công ty chi phí rút vốn là 20% giá trị hợp đồng trước khi công ty ký đơn rút vốn để giải ngân cho nhà đầu tư.
Với biểu mẫu hợp đồng mà Tâm Lộc Phát đưa ra, chỉ ghi số tiền đầu tư của nhà đầu tư mà không ghi rõ trách nhiệm của bên A và lĩnh vực đầu tư cụ thể.
Chưa kể, hợp đồng đưa ra không thể hiện được rõ ràng các loại tài sản mà công ty này đang giới thiệu sở hữu có chắc chắn đem lại lợi nhuận hay không, thậm chí cũng không đưa ra được một đảm bảo nào đối với nhà đầu tư rằng số tiền góp vốn sẽ không bị mất trắng.
Có thể thấy, khi đặt bút ký hợp đồng góp vốn với Tâm Lộc Phát, nhà đầu tư đã giao toàn bộ quyền sử dụng tiền của mình cho doanh nghiệp mà không nắm bắt được số tiền của mình đang đi đâu, về đâu, có thực sự là để hoạt động kinh doanh sinh lợi nhuận hay không, thậm chí có bị sử dụng vào mục đích xấu, vi phạm pháp luật?
Trường hợp Tâm Lộc Phát tuyên bố phá sản, lúc này nhà đầu tư liệu có khả năng đòi lại số tiền đã bỏ ra để tham gia vào các gói đầu tư của doanh nghiệp này?
Không có doanh thu trả lãi ra sao?
Tâm Lộc Phát tung ra gói đầu tư lãi suất cao. |
Thông qua quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội và trên website của doanh nghiệp, Công ty Tâm Lộc Phát hiện đang tung ra các gói đầu tư dao động từ 5 triệu đồng đến 5 tỉ đồng.
Nếu đầu tư gói 2 tỉ đồng, mỗi ngày nhà đầu tư sẽ được nhận lợi nhuận 8 triệu đồng, sau 18 tháng sẽ nhận tổng lợi nhuận 2,88 tỉ đồng.
Đối với gói 5 tỉ đồng, lợi nhuận mỗi ngày được 20 triệu đồng, mỗi tháng 480 triệu đồng, sau 18 tháng sẽ nhận được tổng lợi nhuận 7,2 tỉ đồng.
Công ty này còn tặng thưởng 5% cho khách hàng mới tham gia góp vốn từ 20 triệu đồng trở lên. Góp càng nhiều, thưởng càng cao, trong đó, mức thưởng thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 150 triệu đồng cho người góp vốn 3 tỉ đồng…
Việc Công ty Tâm Lộc Phát liên tục đưa ra những gói đầu tư lãi suất cao đang thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.
Để liên tục trả lãi cho khách hàng với số tiền “kỳ vọng”, đồng nghĩa Công ty Tâm Lộc Phát phải điều hành bộ máy rất tốt trong các lĩnh vực của mình.
Song, ghi nhận từ hoạt động kinh doanh trong 3 năm gần nhất của Tâm Lộc Phát đang cho thấy một bức tranh xám xịt khi các chỉ số tài chính quan trọng đều gần như “đứng im”.
Trong năm 2020, Công ty Tâm Lộc Phát không phát sinh doanh thu, chi phí quản lý kinh doanh ghi nhận 4,7 triệu đồng khiến cả năm 2020 công ty ghi nhận lỗ 4,7 triệu đồng.
Tổng tài sản của Công ty Tâm Lộc Phát trong năm 2020 đạt 22,2 tỉ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm phần lớn đến 99% tương đương 22,1 tỉ đồng, 100 triệu đồng còn lại đến từ các khoản phải thu ngắn hạn.
Sang năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu 0 đồng, trong khi đó, các chi phí khác vẫn tiếp tục phát sinh dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm này ghi nhận âm 4,24 triệu đồng.
Tài sản trong năm 2021 của Công ty Tâm Lộc Phát cũng không có nhiều thay đổi khi chỉ giảm nhẹ 4 triệu đồng. Như vậy, tổng tài sản của công ty vẫn ở mức 22,2 tỉ đồng, với chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 99% tổng tài sản.
Năm tài chính 2022, Công ty Tâm Lộc Phát đã phát sinh doanh thu đạt 467,5 triệu đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính 273.000 đồng.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại cao bất thường gấp 2 lần doanh thu cả năm của doanh nghiệp ở mức 1,03 tỉ đồng.
Với chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn, tổng kết năm 2022, Công ty Tâm Lộc Phát tiếp tục lỗ 565,7 triệu đồng.
Xét về tài sản của Tâm Lộc Phát trong năm tài chính 2022, tiền và các khoản tương đương tiền vẫn là thành phần chủ yếu trong 24,49 tỉ đồng tổng tài sản của công ty với tỷ lệ 84,7%, tương đương 20,75 tỉ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn trong năm 2022 đã tăng 10 lần so với năm 2021 lên mức 0,99 tỉ đồng; hàng tồn kho 2,56 tỉ đồng.
Đáng chú ý, nhìn vào báo cáo tài chính của 3 năm, từ 2020 tới 2022, tài sản dài hạn của công ty này đều là con số 0 tròn trĩnh, trong khi ngành nghề kinh doanh được mở rộng rất đa dạng.