Rủi ro chia sẻ

GD&TĐ - Lẽ ra Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp với cộng đồng doanh nghiệp sớm hơn, ngay sau khi nhậm chức, nhưng vì phải lo chống dịch nên cuối tuần vừa rồi (ngày 8/8) mới tổ chức được.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trình bày của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị cho thấy khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 đã khiến những “mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp”.

7 tháng năm nay, cả nước có hơn 28 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể, tăng gần 29% so với cùng kỳ của năm 2020. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể gần 11.400, tăng hơn 27% so với cùng kỳ.

Có 8 nhóm khó khăn cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt. Đó là tổng cầu giảm mạnh (trung bình từ 40 - 50%, riêng hàng không, du lịch giảm 70 - 80%) khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm.

Doanh thu giảm mạnh trên diện rộng dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn về lao động, chuyên gia. Trong bối cảnh như vậy, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ từ năm ngoái, song việc tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn.

Như cá trên cạn, cộng đồng doanh nghiệp lúc này rất trông đợi vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Thủ tướng cho biết, ưu tiên lớn nhất hiện tại là đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân và không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội. Chính phủ phấn đấu cao nhất đưa Việt Nam trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất, chậm nhất là cuối năm 2021 đầu năm 2022.

Trên tinh thần “cộng đồng trách nhiệm, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Tới đây, Thủ tướng sẽ gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn.

Cùng với đó, một Tổ công tác đặc biệt sẽ được thành lập để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Thẩm quyền của Chính phủ tới đâu thì Chính phủ tận dụng tối đa tới đó, cái gì vướng thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ cố gắng giải quyết”.

Cam kết của Thủ tướng mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều kỳ vọng. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, mối quan tâm lớn hiện nay của doanh nghiệp là Chính phủ cần có đánh giá cụ thể về diễn biến dịch bệnh, kế hoạch mở cửa trở lại và kinh nghiệm của các nước để doanh nghiệp tính toán kế hoạch làm ăn của mình.

Song hành với những chính sách ngắn hạn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, lúc này Chính phủ cũng nên tranh thủ sự đồng thuận của người dân và các ngành, địa phương thúc đẩy các chính sách có tầm nhìn dài hạn nhằm cải thiện nền tảng vĩ mô, môi trường kinh doanh, cơ sở cho niềm tin xã hội, để chuẩn bị cho những bất trắc lớn hơn trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.