Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19: Nhiều rào cản

“Chính sách thì hay vô cùng nhưng rất khó đến được với doanh nghiệp, vì còn nhiều rào cản”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN nói tại Diễn đàn chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Nhiều DN nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ Ảnh: Như Ý
Nhiều DN nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ Ảnh: Như Ý

Khó tiếp cận gói hỗ trợ

Ông Vũ Thế Bình cho biết, năm 2019 là năm đỉnh cao của du lịch Việt. Nhưng đến 2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện, ngành du lịch thiệt hại vô cùng nặng nề. Dự kiến 2020, số khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 3,7 triệu lượt khách (giảm 80% so với năm ngoái), khách nội địa khoảng 50 triệu lượt khách (mất gần một nửa). Khách Việt Nam ra nước ngoài, từ tháng 2/2020 đến nay gần như bằng không. “Ngành du lịch năm nay thiệt hại tới 23 tỷ USD”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, năm ngoái ngành du lịch có 2,9 triệu lao động, trong đó khoảng 1 triệu người trực tiếp trong DN, tới nay 90% lao động nghỉ, tạm nghỉ việc, khoảng 50% mất việc hoàn toàn. Trong số 40.000 DN du lịch, có tới 60% số DN dù chưa phá sản, nhưng đã tạm dừng hoạt động. Số DN còn lại một nửa hoạt động cầm chừng.

“Chúng ta đến các khách sạn, nơi sầm uất nhất cũng chỉ có khách ngày cuối tuần, còn lại rất vắng. Tại TPHCM, khách sạn 4-5 sao hoạt động 10-15% công suất, nhiều khách sạn đóng cửa”, ông Bình nói.

Đánh giá cao sự nhạy bén, quyết liệt trong phòng, chống dịch của Chính phủ thời gian qua, với việc ban hành các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là Chỉ thị 11 làm “nức lòng” cộng đồng DN, nhưng  theo ông Bình, việc tiếp cận chính sách vô cùng khó khăn. Riêng với DN du lịch, gói hỗ trợ rất ít hiệu quả.

“Gói trợ cấp, hỗ trợ người mất việc làm gần như không đến được người lao động. Tại TPHCM có khoảng 10.000 hướng dẫn viên tự do gần như mất việc, nhưng tôi mới hỏi lại thì mới chỉ có khoảng 20 trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ mất việc 1 triệu/đồng/tháng trong 3 tháng. Nhiều người chỉ nhận được hỗ trợ 1 tháng. Vì khi nộp hồ sơ, bị “ngâm” mãi, nên chỉ được hỗ trợ mỗi tháng cuối cùng. Tại Đà Nẵng, số lượng hướng dẫn viên nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Ở các tỉnh gần như không được người nào”, ông Bình nói. Ông bình luận: “Chính sách thì hay vô cùng nhưng không đến được với DN, vì có rào cản, ngăn cản các doanh nghiệp nhận được tiền hỗ trợ”.

Về gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay để trả lương cho người lao động, ông Bình cho biết, trong khoảng 40.000 DN du lịch, chỉ 1 DN vay được gói này.

Về vay ngân hàng, ông Bình cũng cho biết, gần như DN du lịch không tiếp cận được. “Bởi, muốn vay phải thế chấp. Trong khi nhiều DN du lịch chỉ thế chấp bằng chính họ. Như DN lữ hành chỉ có uy tín, thương hiệu, nên hầu như các DN không tiếp cận được gói vay”, ông Bình nói.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, năm 2020 là năm sụt giảm ghê gớm của ngành dệt may sau hơn 20 năm tăng trưởng cao. Dự kiến, hết năm nay, ngành Dệt may chỉ xuất khẩu đạt 35 tỷ USD, trong khi mục tiêu là 40-42 tỷ USD. Về các gói hỗ trợ DN, ông Cẩm cho biết, DN rất kỳ vọng nhưng “chúng tôi cũng xác định, những gói đó rất khó tiếp cận, mà phải tự cứu mình”.

Ông Cẩm lấy thí dụ về điều kiện để DN được vay để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là phải chứng minh có 50% nhân viên nghỉ việc. “Nếu 50% công nhân nghỉ việc, thì coi như…phá sản rồi. Trong khi, mục tiêu của DN là giữ chân người lao động, nên bằng mọi cách họ có thể giảm giờ làm, giảm một phần lương...”, ông Cẩm nói.

Đề cập đến gói 16.000 tỷ đồng cho vay để trả lương, ban hành từ tháng 4/2020 đã bế tắc, nhưng mãi tới tháng 10/2020 mới sửa. “Cả 6 tháng trời DN phải nằm chờ, vô cùng khó khăn. Như vậy, tinh thần “một miếng khi đói…” chúng ta chưa làm được”, ông Cẩm nói.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cũng kiến nghị, một chính sách hỗ trợ cần kéo dài hơn, vì khó khăn của ngành dệt có thể kéo dài đến năm 2022. “Nhà nước cần rà soát các chính sách như phí công đoàn; BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, tử tuất… Nếu những khoản thu mà mục tiêu kết dư, có thể hoãn lại chưa thu, thậm chí giảm cho DN. Cứu được DN là cứu người lao động. Ngành dệt may có tới 2,8 triệu lao động rất khó khăn”, ông Cẩm kiến nghị.

Chính sách cần sát thực tiễn

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, năm 2020 cộng đồng DN chịu ảnh hưởng rất nặng nề: “Nhiều người nói, năm 2020, Việt Nam chỉ có hai mùa, là mùa COVID-19 và mùa thiên tai”, ông Tuấn ví von.

Ông Tuấn cho biết, VCCI vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức điều tra 12.000 DN trên cả nước liên quan đến ảnh hưởng COVID-19. “Gần 90% số DN khảo sát cho rằng bị ảnh hưởng tiêu cực, kể cả DN tư nhân, DN FDI, kể cả DN đã thành lập đã lâu, lẫn DN mới thành lập”, ông Tuấn nói.

Dịch COVID-19 khiến doanh thu của các DN đều giảm. Số DN đăng ký kinh doanh giảm, trong khi con số phá sản, rời khỏi thị trường tăng mạnh.

Về các chính sách hỗ trợ, sau Chỉ thị 11 của Chính phủ (3/2020), nhiều gói hỗ trợ cho DN ra đời. Các bộ ngành, địa phương đã ban hành 95 văn bản để hỗ trợ về giá dịch vụ, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí, vốn, tín dụng, lao động, BHXH… (Gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội, gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN trả lương cho người lao động…).

Theo ông Tuấn tính thực thi của chính sách còn rất thấp. DN biết thông tin ít, vì họ chỉ nghe loáng thoáng ở đâu đó. Cơ quan ban hành chính sách đặt ra nhiều thủ tục, điều kiện ngặt nghèo, không khả thi…

“Liệu có cần hỗ trợ DN quá đuối chuẩn bị rời khỏi thị trường hay không, hay là để các DN chỉ hơi đuối đứng vững, đây là những vấn đề thực tiễn”, ông Tuấn nói và cho rằng: “Đây là quá trình tương tác từ hai phía, trong đó có cả DN và hiệp hội cần tương tác để chính sách có thể áp dụng vào thực tiễn”.

 Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời gian trả nợ cho trên 271.300 khách hàng, với tổng dư nợ trên 350.000 tỷ đồng. Về miễn giảm lãi vay, tại thời điểm cao nhất là trên 1,1 triệu tỷ đồng. Về gói 16.000 tỷ đồng, đến ngày 1/12, đã giải ngân cho 95 DN vay để trả lương cho gần 4.250 lao động.

Theo Tiền phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...