Rối loạn tiêu hóa không do thức ăn hãy nghĩ tới nguyên nhân nhiễm giun
Nhiều trường hợp con bị rối loạn tiêu hóa, uống thuốc mãi không khỏi nhưng khi đi khám tiêu hóa thì bố mẹ mới tá hỏa biết con bị nhiễm giun.
Chị Phương (mẹ bé Bin) cho biết, chị luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho con. Khi con chơi ngoài trời về, chị luôn rửa tay cho bé rất cẩn thận… không ngờ khi đi khám rối loạn tiêu hóa thì bác sĩ phát hiện con bị nhiễm giun.
Chị Phương cho biết, ban đầu bé Bin có triệu chứng đi ngoài, đau bụng, quấy khóc. Thậm chí, bé đi tiêu chảy nhiều lần, chị Phương cho con uống kháng sinh nhưng không đỡ.
Theo GS.TS Phạm Nhật An, Nguyên giám Phó giám đốc - Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung Ương), tỷ lệ nhiễm giun ở Việt Nam đã giảm hơn rất nhiều so với những năm 1970. Những năm 70-80, việc quản lý phân (phân người) và rác thải sinh hoạt không tốt cho nên các hạt bụi trong không khí cũng có trứng giun.
Ngày nay điều kiện cuộc sống ngày càng tốt hơn, nguy cơ bị nhiễm giun cũng ít đi. Nhưng cũng vì lẽ đó mà các bậc cha mẹ chủ quan nên con bị phơi nhiễm với mầm trứng giun.
Giun khi sống trong cơ thể người chủ yếu sống ký sinh ở đường tiêu hóa và đi vào bằng con đường ăn uống. Loại giun dễ bị nhiễm ở trẻ nhỏ là giun đũa và giun kim. Hiện nay, tỷ lệ nhiễm giun kim chiếm phần lớn trong các ca bệnh.
Vệ sinh, ăn uống sạch vẫn bị nhiễm trứng giun
GS.TS Phạm Nhật An cho rằng: “Dù vệ sinh tay sạch sẽ nhưng trong nhà có trứng giun thì trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm. Ví dụ, trong nhà có một người nhiễm giun kim thì trứng giun có thể ở bất cứ vị trí nào trong nhà. Trứng giun có thể dính vào quần áo, giường chiếu, chăn ga, gối đệm… Trong trường hợp gia đình không có người bị giun kim trẻ vẫn có thể bị phơi nhiễm giun từ các gia đình hàng xóm. Do trẻ chơi chung đồ chơi, trèo lên giường chơi cùng nhau có thể bị nhiễm giun kim”.
Giun kim có tỷ lệ nhiễm cao vì dễ bị phơi nhiễm. Mỗi cặp giun đực và cái trước khi chết có thể đẻ ra hàng trăm nghìn quả trứng bám vào quần, áo, chăn, màn… Trứng giun kim rất bé, mắt thường không thể nhìn thấy được. Giun kim không sống lâu được, nhưng nó sống gần ruột già, đẻ trứng ở gần hậu môn nên cảm thấy ngứa ở khu vực này.
“Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ bị nhiễm giun kim cao. Khi nhiễm giun kim, đặc điểm dễ nhận ra nhất là bị ngứa vùng sinh môn (khi giun chui ra đẻ trứng). Khi bị nhiễm giun ở đường tiêu hóa, mỗi loại giun sẽ có những biểu hiện khác nhau. Bị nhiễm giun nhiều có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy (không phải do thức ăn). Nhiễm giun nặng có thể gây ra biến chứng tắc ruột do giun, viêm phúc mạc, giun chui lên đường mật gây ứ mật trong gan… giun làm ap xe gan, chui qua cơ hoành lên phổi, vào màng tim... rất nguy hiểm”, GS.TS Phạm Nhật An nói.
GS.TS Phạm Nhật An khuyến cáo, dấu hiệu để phát hiện trẻ nhiễm giun là thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, trẻ mệt mỏi, vận động kém, còi cọc, da xanh do thiếu máu…
Hiện nay, xu hướng nuôi thú cưng trong các hộ gia đình nguy cơ nhiễm giun, ký sinh trùng của động vật cũng ngày càng tăng lên.