Rủ trẻ con đi “Gõ cửa nhà trời”

GD&TĐ - Ngày Quốc tế thiếu nhi, đọc những vần thơ trong tập thơ “Gõ cửa nhà trời” của nhà thơ, nhà báo Bảo Ngọc - hiện công tác tại báo Thiếu niên Tiền phong thấy chất chứa cả một bầu trời ước mơ.

Tập thơ dành cho thiếu nhi “Gõ cửa nhà trời”.
Tập thơ dành cho thiếu nhi “Gõ cửa nhà trời”.

Không chỉ các em nhỏ mà những ai muốn tìm lại góc của một đứa trẻ trong tâm hồn mình cũng có thể tìm đến “Gõ cửa nhà trời” để ngao du khắp thế gian, quan sát thế giới bằng đôi mắt trẻ thơ.

“Thế là từ sân nhỏ/ Dung dăng cùng vui chơi/ Cưỡi trên lưng ngựa gió/ Bầy trẻ phi lên trời!...”

Nhà thơ Bảo Ngọc đã thủ thỉ như thế, vời gọi những đứa trẻ con, hay đúng hơn là những người mang trong mình một tâm hồn non trẻ, cùng “Gõ cửa nhà trời”.

Cảnh làng quê thanh bình, rộn tiếng cười con trẻ với trò chơi dung dăng dung dẻ chạm đến cả trời cao. Phải chăng nhà thơ hòa vào thế giới trẻ thơ với những trò chơi dân gian để “hoài niệm” về tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên nơi vùng quê Bắc Bộ.

Lớn lên ở làng quê Bắc Bộ thanh bình, Bảo Ngọc và lũ bạn cùng hòa mình vào đống ruộng chân trần trong mùi thơm của rơm mới, giờ đây những hình ảnh ấy cũng dần lui vào dĩ vãng. Những vần thơ ngộ nghĩnh của chị tựa như trang nhật ký ghi lại ký ức tuổi thơ ngọt ngào.

Rặng tre vi vút/ gẩy đàn trâu nghe/chú nghé ngộ ghê/ nằm nhe răng sún…

Thuở ấy còn nhiều khó khăn, đồ chơi là một thứ xa xỉ với đám trẻ ở nông thôn. Nữ thi si và chúng bạn lớn lên cũng những khúc đồng dao mộc mạc, những trò chơi dân gian vui nhộn.

Nhiều bài thơ như dung dăng dung dẻ, đi vay nhà trời, trời mưa trời gió, nhong nhong ngựa ông đã về, một sợi rơm vàng… hay chơi đồ hàng đều mang âm hưởng nhịp nhàng giàu thanh điệu, dễ nhớ dễ thuộc của các bài đồng dao

Trời mưa trời gió/ Ông mang cái vó/ Bố vác cái nơm/ Đi đơm con cá/ Mẹ ngồi khâu vá/ Bà bện chổi rơm/ Chị thì nấu cơm/ Cún ngồi trông cổng.

Nữ thi sẽ bộc bạch: Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở một làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ và tất cả kí ức đã nuôi dưỡng niềm cảm xúc của tôi, cho tôi một tuổi thơ đầy mơ ước và khi tôi viết những câu thơ, những bài thơ nhỏ trong tập thơ này là tôi có hai ý: mong muốn được lưu giữ những kỉ niệm đẹp của mình, tuổi thơ của mình, đồng thời dành tặng tất cả những điều đẹp đẽ ấy cho các em nhỏ thời hiện đại hôm nay.

Khi mà bây giờ sự thay đổi về thiên nhiên, môi trường và rất nhiều những thứ khác nữa, công nghệ đã làm chúng ta xao nhãng thiên nhiên, quên đi thiên nhiên là người bạn rất là đáng trân trọng, mang lại nhiều giá trị trong cuộc sống của mỗi người.

Say đắm thiên nhiên, trong thế giới thơ của Bảo Ngọc, tất cả cây cối, động vật và lũ trẻ đều như nhau – đẹp, trong sáng, hồn nhiên và biết nghĩ cho người khác. Mọi thứ tưởng chừng vô tri đều có linh hồn, và con nít như một thực thể sinh động nhất, chạy qua chạy lại làm bạn với muôn loài, kết nối vạn vật bằng sợi dây cảm xúc.

Yêu trời,

Trời sẽ tặng sao.

Yêu mây,

Mây đổ mưa rào.

xuống cho

Yêu gió,

Được cái quạt mo.

Yêu nắng,

Nắng gọi

sân cho thóc đầy

Yêu rừng,

Rừng sẽ ươm cây.

Yêu sông,

Sông trả

cho bầy cá tôm

Yêu đồng,

Đồng biếu niêu cơm.

Yêu hoa,

Hoa kết trái thơm

ngọt lừ

Yêu già,

Già để tuổi cho.

Ai mà yêu trẻ,

Được no

tiếng cười!

“Tôi luôn bị mê hoặc bởi hoa cỏ dại và mây trời. Hoa cỏ cho tôi cảm nhận sức sống mạnh mẽ ẩn trong đất đai quê mẹ. Còn những đám mây lại cho tôi thỏa sức bay cùng những giấc mơ. Tôi cũng đặc biệt yêu đôi mắt trẻ thơ. Mỗi khi được chơi đùa, ngắm nhìn khoảng trời trong veo ấy là tâm tôi lại sáng lên niềm tin tiếp tục gieo những con chữ như gieo những hạt mầm bé nhỏ” – nhà thơ tâm tình.

Nhà thơ Bảo Ngọc hòa mình vào thiên nhiên.
Nhà thơ Bảo Ngọc hòa mình vào thiên nhiên.

Với nhà thơ, cuộc sống quanh ta có bao điều kỳ lạ. Thiên nhiên cất giữ những điều rất đặc biệt, kì diệu. Trẻ em luôn mong muốn được trải nghiệm, được khám phá những điều kì vĩ, bí ẩn từ thiên nhiên.

Nữ sĩ cùng trẻ nhắn nhủ yêu thương:

Người lớn không nghe thấy

Tiếng trẻ gọi bên nôi

Trẻ con gieo mầm sống

Từ mầm cỏ sinh sôi

Hãy yêu những nhành cỏ

Nâng niu đôi bàn chân

Và hãy ngước đôi mắt

Lên bầu trời trong xanh…

Trẻ em hôm nay có mạng xã hội, các em sẽ học được nhiều kỹ năng nhưng các em sẽ học được vốn sống từ thiên nhiên, kinh nghiệm từ thiên nhiên và các em sẽ học cách mơ ước, biết thắp sáng những ước mơ của mình từ thiên nhiên.

Bởi vì bầu trời nếu chỉ là những ngôi sao theo các nhà khoa học phân tích thì chúng ta sẽ không có âm nhạc, không có thơ ca và nếu bầu trời không có những vì sao lấp lánh nhìn theo cái ước mơ của tuổi thơ thì sẽ không có biết bao nhiêu câu chuyện cổ tích hay những vần thơ đẹp để kể cho các em và để vun đắp nuôi dưỡng tâm hồn các em.

Sáng tác thơ cho bạn đọc nhí là một thử thách lớn đối với thi sĩ, ngoài đề tài gần gũi hấp dẫn, tác giả còn phải cân nhắc về câu từ và nhịp điệu sao cho dễ nhớ, dễ thuộc. Ngôn ngữ thơ cũng phải sống động, giàu hình ảnh có như vậy mới níu giữ được con trẻ ở lại với trang sách.

Và quan trọng hơn cả là mỗi vần thơ trong “Gõ cửa nhà trời” được viết lên từ một tâm hồn thơ trẻ, “say” ánh mắt, nụ cười con trẻ nên đã chạm đến cảm xúc của người đọc một cách dung dị, thân thương và tinh khôi đến vậy.

Cú pháp thơ linh hoạt với sự biến hóa tinh tế của các từ láy, từ tượng thanh, tượng hình cùng các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh đã giúp câu thơ bay bổng và giàu sức gợi hơn, bởi thế tác phẩm còn là một món quà thú vị giúp các bạn nhỏ thêm yêu tiếng Việt, bồi đắp cảm xúc để viết văn...

Tập thơ “Gõ cửa nhà trời” do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành gồm 39 bài chia làm 3 phần: “Sương trời trong veo”, “Đồng dao ngày mới” và “Kể chuyện đồng quê”. Mỗi bài thơ như một câu chuyện nhỏ về tình yêu thiên nhiên lồng ghép trong những vần thơ ngộ nghĩnh là những bài học thú vị về thế giới xung quanh để bé khám phá cùng cha mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.