Lần đầu tiên bước vào lớp học, chúng tôi hết sức xúc động khi chứng kiến các bà, các mẹ dù đã lớn tuổi, thậm chí nhiều người nay đã có cháu nhưng vẫn tích cực kiên trì đến lớp.
Thấy có khách lạ ghé thăm, thầy Huỳnh Văn Hưng (hiện là giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang, phụ trách trên địa bàn thôn Cự Lại Đông) vội lau mồ hôi trên trán rồi ân cần dẫn tôi đến bên bàn học của một cụ bà tóc đã bạc màu, thầy giải thích nhẹ nhàng: Ở đây làm thầy khó lắm anh, nhất là không được quát mắng "học trò"! Để học viên sớm biết chữ mình phải chuẩn mực làm gương, đặc biệt phải tỏ thái độ lễ phép với những người đến học vì học viên trong lớp này toàn ngang tuổi chị, tuổi mẹ mình.
"Đôi khi dạy cũng khó nhưng rồi quen dần nên các mẹ cũng quý thầy. Vì mục đích cuối cùng của mình là giúp các mẹ biết đọc, biết viết để rồi tính toán làm ăn” - thầy Hưng phấn khởi khoe.
Dù lớn tuổi nhưng các mẹ, các bà vẫn đến lớp học đều đặn |
Các học viên của thầy Hưng từ ngày đến với lớp học luôn hớn hở, vui mừng, bởi lẽ từ nay ra xã, lên huyện làm giấy tờ không còn phải "ngượng nghịu", thẹn thùng khi phải dùng ngón trỏ để lăn chỉ tay. Nhiều mẹ khi được hỏi đều nói thật tình: “Cái tuổi này ai còn đi học nữa con. Mà có muốn học thì cũng đâu có chỗ nào dạy. May mà có lớp học miễn phí của thầy Hưng mở ra nên bà con trong xóm biển ai cũng phấn khởi".
Bà cụ Trương Thị Lý năm nay đã 62 tuổi, nhưng vẫn không ngại đến lớp để đánh vần con chữ. Cụ Lý vui vẻ kể: “Tui lúc trước muốn học để biết chữ lắm, nhưng gia đình lúc đó không có điều kiện để học, rồi đi lấy chồng thì phải nuôi con nữa lấy mô thời gian để học. Bây chừ cũng như các chị em phụ nữ ở đây vui lắm khi có lớp học ni mở ra”.
Một cụ bà ngồi bên cạnh bàn với tóc đã ngả bạc tiếp lời cụ Lý: "Mấy chú biết không chúng tôi vất vả lắm, cả ngày đi đánh bắt ngoài biển kiếm miếng ăn lo cho gia đình, nhưng dù có bận tới đâu đi nữa, cứ đến giờ lên lớp chúng tôi đều có mặt để đi học đúng giờ. Tui tới giờ chừ vẫn chưa ăn cơm nơi.
Lúc trước nói đi học chồng con cứ nói mình rằng già rồi còn học với hành mà chi cho cực, mãi đến tận bây chừ tui mới đến được lớp. Răng cũng được hết, miễn là có cái chữ, ai ưa nói chi thì nói, tui cứ đi, sợ sệt è dè bao giờ mới biết được chữ".
Hơn hai năm nay thầy Hưng vẫn đều đặn đến với lớp xóa mù |
Là con em của quê hương, hơn hai năm nay đều đặn mỗi tuần 3 buổi tối thầy Hưng lại chạy xe từ TP. Huế về xã Phú Hải để dạy chữ miễn phí cho bà con xóm chài.
"Lúc đầu lớp học gặp vô vàn khó khăn, nhất là từ phía những học viên vì họ vẫn còn e dè. Cũng nhờ sự phối hợp của các ban ngành địa phương, nhất là Hội phụ xã Phú Hải thường xuyên vận động những người không biết chữ tìm đến để theo lớp, do đó lớp học đến nay đã có trên 40 học viên nữ tham gia học. Cứ mỗi khóa học, các học viên được Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang hỗ trợ thêm về sách, vỡ, bút viết" - thầy Hưng kể.
Khi ánh nắng chiều tắt, xẩm tối là khi lớp học bắt đầu. Nhìn các bà các chị ai cũng say sưa đánh vần, phát âm từng chữ cái mà thấy lòng cảm động và thương cho tấm lòng của thầy Hưng cũng như sự hiếu học của các “học trò” đã là mẹ, là bà. Điều vui mừng nhất là những học viên trong lớp ai cũng thương yêu, giúp đỡ để cùng nhau cùng tiến bộ.
Ông Lê Đình Phong - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Vang - cho biết: Thời gian qua lãnh đạo phòng đã phối hợp với nhiều ban, ngành đi vận động tích cực, đến các làng chài ở các xã biển trong toàn huyện để vận động bà con đi học, nhưng hầu như chỉ có phụ nữ đến với các lớp xóa mù. Việc tổ chức lớp học phải áp theo khung chương trình và thời gian, điều này không phù hợp với thời gian làm nghề biển, nên đàn ông gần như không đến lớp được. Một số đàn ông làng biển còn mặc cảm, tự ái rất cao khi đi học xóa mù. Đặc biệt lớp học xóa mù ở thôn Cự Lại Đông tại xã Phú Hải đã duy trì hơn hai năm nay, dù các chị, các mẹ lớn tuổi nhưng mọi người ai cũng rất ham học.