Rowing Việt Nam: Vững vàng trước sóng gió

GD&TĐ - Đội tuyển rowing Việt Nam đã khép lại giải đấu tại Trung Quốc với thành tích 3 Huy chương Đồng.

Bộ tứ Đinh Thị Hảo, Dư Thị Bông, Hà Thị Vui, Phạm Thị Huệ giành Huy chương Đồng ASIAD 19 nội dung thuyền bốn nữ hạng nặng 1 mái chèo. Ảnh: ITN
Bộ tứ Đinh Thị Hảo, Dư Thị Bông, Hà Thị Vui, Phạm Thị Huệ giành Huy chương Đồng ASIAD 19 nội dung thuyền bốn nữ hạng nặng 1 mái chèo. Ảnh: ITN

Đua thuyền Việt Nam đặt mục tiêu giành suất tham dự Olympic Paris 2024, và hy vọng lớn nhất vẫn được đặt vào đội tuyển rowing với những thành viên vừa giành 3 Huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao châu Á 2023 (ASIAD 19).

Những kết quả ấn tượng

Đội tuyển rowing Việt Nam đã khép lại giải đấu tại Trung Quốc với thành tích 3 Huy chương Đồng. Phạm Thị Huệ, Dư Thị Bông, Hà Thị Vui và Đinh Thị Hảo ngoài Huy chương Đồng nội dung thuyền 4 nữ hạng nặng 1 mái chèo, còn góp mặt giành thêm Huy chương Đồng nội dung thuyền 8 nữ hạng nặng 2 mái chèo cùng Hồ Thị Lý, Lê Thị Hiền, Phạm Thị Ngọc Anh, Trần Thị Kiệt.

Huy chương Đồng thứ 3 thuộc về Bùi Thị Thu Hiền, Lường Thị Thảo, Nguyễn Thị Giang và Phạm Thị Thảo ở nội dung thuyền 4 nữ hạng nặng 2 mái chèo.

Kết quả này khiến đội tuyển rowing Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Ông Lê Văn Quang - huấn luyện viên trưởng đội tuyển rowing Việt Nam chia sẻ, Ban huấn luyện đề ra mục tiêu phải có 2 Huy chương Bạc ở nội dung thuyền 8 nữ hạng nặng 2 mái chèo và thuyền 4 nữ hạng nặng 2 mái chèo vì so với cách đây 4 năm, vận động viên Việt Nam đạt thành tích cao, vượt xa rất nhiều.

Mặc dù vậy, năm nay, đội Nhật Bản đã tạo ra nhiều bất ngờ trên đường đua. Cách đây 3 tháng, Nhật Bản tham dự Cúp thế giới và đạt thành tích tốt hơn đội tuyển Việt Nam.

Rowing Việt Nam xác định đến ASIAD đội sẽ phải cạnh tranh với Nhật Bản, tương quan là 50 - 50. Nhưng thực tế, Nhật Bản tiến bộ quá nhanh, trong khi chúng ta không được tham dự các giải đấu quốc tế, chỉ biết thông tin đối thủ qua Internet. Đó là sự thua thiệt.

Ngoài ra, vấn đề khách quan ảnh hưởng khá nhiều. Với thuyền đơn, thuyền đôi, chuyện ngược gió ảnh hưởng rất ít, nhưng ở thuyền 8 nữ hạng nặng 2 mái chèo, dài và to, gió ngược gây ảnh hưởng lớn. Đặc biệt, bước vào vòng chung kết, đội tuyển Việt Nam gặp bất lợi về đường đua.

Tay chèo kỳ cựu Phạm Thị Huệ cho biết, đội tuyển rowing Việt Nam có chút tiếc nuối. Khi thi đấu, toàn đội luôn muốn hướng đến việc giành những tấm huy chương cao nhất có thể. Do đó, việc về thứ ba sau đội tuyển Nhật Bản cũng có phần làm các thành viên trong đội buồn.

Nhưng rowing Việt Nam tại ASIAD 19 phải chấp nhận thực tế rằng họ là đội mạnh hơn, quen thi đấu với thuyền hạng nặng hơn. Và thật sự, cô và các đồng đội đã cố gắng hết sức và tấm huy chương nào cũng đều đáng quý cả.

Hơn nữa, ASIAD là đấu trường khốc liệt khi có sự cạnh tranh của những quốc gia hàng đầu châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nội dung thế mạnh làm nên lịch sử với tấm Huy chương Vàng quý giá năm 2018 của rowing Việt Nam đã không có trong chương trình thi đấu năm nay.

Ông Nguyễn Hải Đường - Phó Chủ tịch Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam (Cục TDTT) cho biết, 3 Huy chương Đồng ASIAD 19 là thành tích đáng khen ngợi. Thể chất con người Việt Nam chủ yếu chơi nội dung hạng nhẹ. Vận động viên Trung Quốc có thể hình hơn chúng ta nên thể lực rất sung mãn. Nhưng các tay chèo Việt Nam đã thi đấu rất quyết tâm.

Vậy nên, dù không hoàn thành chỉ tiêu 2 Huy chương Bạc, song nhìn tổng thể, đội tuyển rowing vẫn là môn mũi nhọn, duy trì được sự ổn định của thể thao Việt Nam trong những năm qua.

Ngược dòng thời gian, năm 2002 đoàn thể thao Việt Nam đến Busan (Hàn Quốc) dự ASIAD 14 và khi đó, chúng ta chưa có đại diện thi đấu ở môn rowing. Một năm sau, tại SEA Games 22, Việt Nam là chủ nhà, lứa vận động viên đầu tiên của rowing mới xuất hiện để rồi từng bước, môn thể thao này gặt hái được rất nhiều thành tích ấn tượng.

Tại Doha (Qatar) năm 2006, ở kỳ Á vận hội lần thứ 15, rowing Việt Nam chính thức trình làng ở sân chơi châu lục. Nhưng phải đến ASIAD 16, diễn ra ở Quảng Châu (Trung Quốc), các tay chèo Việt Nam mới gây được tiếng vang với thành tích 2 Huy chương Bạc.

Từ quốc gia “vùng trắng” về rowing, hơn một thập kỷ qua, các tay chèo đã mang về 10 huy chương ASIAD các loại. Trong đó, gồm: 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng (ASIAD 2014); 3 Huy chương Đồng (ASIAD 19). Đặc biệt tại ASIAD 2018, rowing Việt Nam giành 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc.

Ngoài ra, tuy là môn nằm trong chương trình thi đấu Olympic, song rowing lại không được xuất hiện thường xuyên ở đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games). Đơn cử như năm 2017, môn rowing bị chủ nhà Malaysia loại khỏi chương trình thi đấu.

Lý do là bởi người Mã lấy quyền chủ nhà tổ chức đại hội để gạt bỏ môn mà họ không có khả năng tranh chấp Huy chương Vàng. Mới đây, chủ nhà Campuchia cũng loại bỏ rowing khỏi chương trình thi đấu SEA Games 32 bởi một năm trước, đội tuyển rowing của họ chỉ giành… 1 Huy chương Đồng.

Vượt qua những trở ngại và sự ngắt quãng mang tính “làng xã” ở sân chơi SEA Games, rowing Việt Nam vẫn luôn duy trì được thứ hạng và huy chương ở sân chơi khu vực, châu lục cũng như khẳng định được sự ổn định ở giải đấu cấp cao như Olympic.

SEA Games 31, diễn ra năm ngoái tại Việt Nam, rowing Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với 8 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng, trong sự bám đuổi quyết liệt từ đối thủ Indonesia, đứng thứ Nhì toàn đoàn với 8 Huy chương Vàng và 8 Huy chương Bạc.

Cùng năm, rowing Việt Nam giành 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng, chỉ xếp sau đội đầu bảng Trung Quốc (4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc) tại giải rowing vô địch châu Á.

Nhóm 8 tay chèo nữ giành Huy chương Đồng ASIAD 19. Ảnh: ITN

Nhóm 8 tay chèo nữ giành Huy chương Đồng ASIAD 19. Ảnh: ITN

Trọng trách Olympic

Điều quan trọng nữa, thành tích quốc tế ấn tượng của đội tuyển rowing Việt Nam trong những năm qua đã khiến cho lãnh đạo thể thao của nhiều địa phương chuyển hướng đầu tư cho môn thể thao này. Tại kỳ Đại hội thể thao toàn quốc 2018, môn rowing chỉ có 14 đoàn đăng ký tham dự.

Nhưng đến năm 2022, theo thông tin từ Ban tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc, số đoàn tranh tài tăng lên 18. Nhiều địa phương đầu tư quyết liệt như Sóc Trăng, Bắc Ninh, Kiên Giang… Qua đó, các vận động viên rowing có thêm cơ hội cọ xát, phát triển, thể hiện năng lực bên cạnh hệ thống thi đấu quốc gia hàng năm.

Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng ở giải quốc gia đã giúp cho đội tuyển rowing Việt Nam có được lực lượng kế cận, bảo đảm sự thay thế cần thiết và duy trì thành tích ở sân chơi quốc tế.

Như tại ASIAD 19, đội tuyển rowing Việt Nam là sự đan xen lực lượng của thế hệ 8X, 9X và thế hệ gen Z (sinh năm 1997 - 2012). Trong đó, Bùi Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Giang lần đầu dự đại hội thể thao châu lục đã đoạt Huy chương Đồng. Phạm Thị Thảo (sinh năm 1989) lớn tuổi nhất. Bùi Thị Thu Hiền trẻ nhất (sinh năm 2002), mới 21 tuổi. Hà Thị Vui 24 tuổi.

Sau ASIAD, mục tiêu quan trọng tiếp theo của rowing Việt Nam là giành suất tham dự Olympic Paris 2024 cũng như cần có sự thay đổi trong chiến lược đào tạo để thích ứng với thế vận hội ở những kỳ tiếp theo.

Huấn luyện viên Lê Văn Quang cho biết, Cúp thế giới là giải đấu quá lớn với rowing Việt Nam nên chúng ta không đưa vận động viên tham dự. Một lý do khác, với những giải đấu tổ chức ở châu Âu như vậy mà đưa thuyền 8 người đi thi đấu, kinh phí tốn kém rất nhiều. Rowing Việt Nam thời gian tới sẽ tập trung cho vòng loại Olympic, cuộc đua tranh được nhận định sẽ rất quyết liệt.

Ông Quang cho biết thêm, vòng loại Olympic 2024 chỉ có 4 nội dung hai thuyền đơn nhẹ và hai thuyền đơn nặng, đơn nam và đơn nữ chúng ta không có, đôi nhẹ nam và đôi nhẹ nữ thì chúng ta có cơ hội.

Căn cứ vào thành tích của tất cả các quốc gia tại ASIAD lần này, nếu cặp Đinh Thị Hảo và Phạm Thị Thảo tiếp tục cống hiến cho đội tuyển, tâm huyết với nghề, cơ hội tham dự Olympic rất cao.

Đội tuyển rowing Việt Nam nội dung 4 nữ hạng nặng 2 mái chèo. Ảnh: ITN

Đội tuyển rowing Việt Nam nội dung 4 nữ hạng nặng 2 mái chèo. Ảnh: ITN

Và điều ông Quang nhấn mạnh, theo thông tin từ Liên đoàn rowing thế giới, sau Olympic 2024 sẽ không còn nội dung thuyền nhẹ nữa. Điều đó buộc rowing Việt Nam điều chỉnh chương trình để thích ứng. Nhưng sẽ rất khó khăn bởi thể trạng vận động viên Việt Nam dễ dàng bắt nhịp với hạng nhẹ, rất khó khăn để chuyển sang hạng nặng, nhất là ở sân chơi như Olympic.

Trước đó, cặp tay chèo Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo đã giành quyền tham dự Olympic 2020, nội dung đôi nữ hạng nhẹ 2 mái chèo. Sau vòng loại, thành tích của bộ đôi rowing Việt Nam không đủ có mặt trong nhóm tranh huy chương.

Ở nhóm thi đấu phân hạng, Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo kết thúc với vị trí thứ 15/18 chung cuộc. Kết quả này nằm trong dự tính của Ban huấn luyện và rowing Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích giành suất chính thức dự Olympic từ năm 2012 tại London (Anh).

Trở lại mục tiêu tham dự Olympic 2024, cơ hội của rowing Việt Nam vẫn được đặt vào nội dung đôi nữ hạng nhẹ 2 mái chèo. Đinh Thị Hảo sinh năm 1997 đang có phong độ cao và ổn định. Tay chèo quê Tuyên Quang sẽ còn cống hiến cho đội tuyển quốc gia trong nhiều năm tới.

Phạm Thị Thảo, người được “quy hoạch” cho cuộc đua giành suất Olympic đã bước vào tuổi 34. Nhưng “bà mẹ hai con” Phạm Thị Thảo sau 4 lần tham dự ASIAD, giành 5 huy chương và có cả Vàng, Bạc, Đồng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tham vọng cho cuộc đua Olympic.

Phạm Thị Thảo và Phạm Thị Huệ đã giành Huy chương Bạc nội dung thuyền đôi nữ 2 mái chèo tại ASIAD 2010. Đây cũng là tấm huy chương danh giá đầu tiên của rowing Việt Nam ở Á vận hội. Bốn năm sau, Thảo tiếp tục dự ASIAD năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc), và cùng Lê Thị An, Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Hài đoạt Huy chương Bạc thuyền bốn nữ hạng nhẹ và Huy chương Đồng thuyền bốn nữ hai mái chèo.

Kỳ tích với rowing Việt Nam xảy đến tại Indonesia vào năm 2018. Phạm Thị Thảo cùng Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền, Lừng Thị Thảo của đội thuyền bốn nữ hạng nhẹ xuất sắc giành Huy chương Vàng, lần đầu tiên và duy nhất đến giờ, Việt Nam bước lên bục cao nhất ở môn thi đấu này tại một kỳ ASIAD.

Tại Hàng Châu (Trung Quốc), Phạm Thị Thảo chia sẻ: Khi sinh bé trai thứ hai (năm 2019), tôi cũng đắn đo nhiều lắm. Nhưng khi được lãnh đạo và Ban huấn luyện cùng các đồng đội động viên, lúc con vừa thôi nôi, tôi lại xách ba lô lên đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 31.

Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã ở bên tôi cả những lúc thăng trầm. Tấm Huy chương Đồng mà chúng tôi giành được thật sự quý giá. Chị em trong đội chịu nhiều áp lực vì chỉ chuyên thuyền hạng nhẹ. Với tôi, Huy chương Đồng lần này đắt giá hơn cả Huy chương Vàng.

Rowing Việt Nam đã vượt qua nhiều sóng gió để vững vàng trên hành trình hơn 20 năm qua. Giờ đây, các tay chèo sau kỳ ASIAD sẽ ngay lập tức bước vào tập luyện và chuẩn bị cho những giải đấu kế tiếp. Rowing Việt Nam đã có mặt ở 3 kỳ Olympic liên tiếp và mục tiêu là sẽ tiếp tục giành quyền tham dự Olympic Paris.

Với nội dung thuyền 8 nữ hạng nặng 2 mái chèo, đặt cạnh những chiếc thuyền đơn, đôi, hay thậm chí cả thuyền 4, thuyền 8 thực sự giống như cá mập. “Chiến thuyền” này có độ dài lên tới 14m và nặng 96kg. Theo ước tính, những chiếc phục vụ tranh tài ở ASIAD 19 khoảng 1,5 tỉ đồng. Rowing Việt Nam hiện nay có khoảng 20 đơn vị đầu tư phát triển nhưng không hề có thuyền, vận động viên chuyên thuyền 8. Dù vậy, khi thuyền 8 được đưa vào ASIAD 19, Việt Nam quyết tâm dự tranh với chỉ khoảng 7 tháng chuẩn bị, rèn tập và thật ngoạn mục, các cô gái Việt Nam đã có huy chương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ