Rộng cơ hội xét tuyển vào chương trình đào tạo đặc biệt

GD&TĐ - Với khuynh hướng tự chủ trong tuyển sinh, từ năm 2018, bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, nhiều trường đại học mở rộng thêm các chương trình đào tạo đặc biệt, rộng cơ hội cho thí sinh vào đại học.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào UEF.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào UEF.

Nhiều lựa chọn

Với chương trình đào tạo đặc biệt, tùy trường sẽ tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ kèm theo các điều kiện phụ như chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi tiếng Anh đầu vào hoặc xét theo học bổng… Không ít trường như ĐH Mở TPHCM, ĐH Văn Lang, ĐH Duy Tân, ĐH Công nghệ Thông tin (CNTT) - ĐHQG TPHCM, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM… còn có chương trình đào tạo đặc biệt dạng liên kết với nước ngoài (du học tại chỗ), học tại Việt Nam lấy bằng nước ngoài. Các chương trình liên kết 1+3, 2+2 hay 3+1, thực hiện theo hình thức học 1 - 2 năm tại Việt Nam, những năm còn lại ra nước ngoài học (Anh, Mỹ, Úc, New Zealand, Phần Lan) và nhận bằng quốc tế.

Theo TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, các chương trình đào tạo đặc biệt của nhà trường tuyển sinh rất tốt, điều kiện tuyển sinh là xét tuyển với thí sinh đã tốt nghiệp THPT kèm theo các điều kiện phụ về tiếng Anh tùy theo ngành.

“Nhà trường có 14 ngành đào tạo theo chương trình đặc biệt. Đây là những ngành hot của trường như Thiết kế đồ họa, Khoa học dữ liệu, Marketing,   Kinh doanh thương mại, CNTT, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng… Sinh viên theo học được nhà trường thiết kế chương trình đào tạo riêng theo hướng giáo dục khai phóng.

GS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM - cho biết: Điểm nổi bật của các chương trình đào tạo đặc biệt là thiết kế linh hoạt, với khung chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. Sinh viên ngoài việc được nhận học bổng, có cơ hội săn học bổng toàn phần khi theo học, còn được đảm bảo chỗ thực tập tại nước ngoài, có cơ hội làm việc và định cư sau tốt nghiệp. Đặc biệt là sau khi tốt nghiệp, các em được nhận bằng cử nhân quốc tế. Cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn khi thí sinh có vốn ngoại ngữ tốt.

Người học sẽ được trải nghiệm thực tế, rèn luyện các kỹ năng ứng dụng công nghệ để trở thành công dân toàn cầu. Điều đáng nói khi theo học các chương trình này, sinh viên được quyền chọn học thêm một ngành phụ để bổ trợ cho ngành học chính, cũng như lộ trình và thời gian đào tạo được rút ngắn lại”, TS Tuấn cho biết.

Tương tự, tại Trường ĐH Mở TPHCM, các chương trình đào tạo đặc biệt do khoa Đào tạo đặc biệt phụ trách. Ngoài chương trình liên kết đào tạo với Úc, Anh, Bỉ theo chương trình 1,5+2 hay 2+2 (nửa học tại Việt Nam, nửa học ở nước ngoài), trường còn có nhiều chương trình đào tạo chuyên ngành khác như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Tài chính, Ngân hàng, Khoa học máy tính… Điều kiện tuyển sinh là tốt nghiệp THPT và làm bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào hoặc có bằng thi Tú tài quốc tế (IB) trên 26 điểm, có điểm IELTS từ 4,5 điểm trở lên.

Sinh viên chương trình đặc biệt ngành Kiến trúc Trường ĐH Văn Lang trải nghiệm tại lớp học thực tế ảo.
Sinh viên chương trình đặc biệt ngành Kiến trúc Trường ĐH Văn Lang trải nghiệm tại lớp học thực tế ảo.

Chương trình đào tạo đặc biệt có gì khác?

Chương trình đào tạo đặc biệt hiện nay ở các trường đều theo mô hình chất lượng. Vì vậy, ngoài sĩ số sinh viên ít (35 - 40 sinh viên/lớp), các chương trình  được thiết kế theo chuẩn quốc tế (nhập chương trình nước ngoài và biên soạn lại), phương pháp giảng dạy cũng hướng đến việc tăng tính trải nghiệm, tăng cường nghiên cứu khoa học (NCKH) cho sinh viên.

Đơn cử tại Trường ĐH CNTT - ĐHQG TPHCM, các chương trình đào tạo đặc biệt được chia ra làm 3 loại hình đào tạo. Cụ thể, đó là chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình tài năng với chỉ tiêu tuyển sinh tương đối khiêm tốn, nhằm đào tạo nguồn nhân lực thật sự chất lượng. Sinh viên được học với thời lượng toàn phần bằng tiếng Anh, được tham gia sâu vào các hoạt động NCKH chung với giảng viên... qua đó nhanh trưởng thành và lành nghề hơn.

Nhận định việc thiết kế khung chương trình các chương trình đào tạo đặc biệt được các trường triển khai rất linh hoạt, TS Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, nhận xét: Ngoài sự tinh gọn, hướng việc học tập đến việc thích ứng với tiêu chuẩn mới, sinh viên năm cuối còn được trải nghiệm nhiều thông qua Học kỳ doanh nghiệp, Dự án doanh nghiệp (Social Business Project, Startup Incubation Program).

Với các chương trình có yếu tố nước ngoài, các trường sẽ thiết kế theo chuẩn 1 - 2 năm đầu sinh viên theo học chương trình này tại Việt Nam và có thể chuyển ngành dễ dàng nếu học trong cùng một nhóm ngành, sau đó chuyển sang học ở nước ngoài giai đoạn sau. Ngoài ra để phát huy tối đa sự chủ động và năng lực học tập của sinh viên, các trường thiết kế khoảng 50% – 70% chương trình sẽ đào tạo bằng tiếng Anh và hơn 50% chương trình gắn liền với các hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp. Với các chương trình liên kết, hệ số học tập bằng tiếng Anh là 100%.

ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), nhấn mạnh điểm khác biệt lớn của các chương trình đào tạo đặc biệt chính là tính linh hoạt và tinh gọn. Trong đó, trọng tâm đào tạo của chương trình là hướng đến xây dựng cho sinh viên kỹ năng mềm, khả năng tiếng Anh và các kỹ năng nghề nghiệp.

“Nhà trường có chương trình chuẩn song ngữ quốc tế đào tạo theo mô hình đặc biệt với thời lượng học tập 50% bằng tiếng Anh. Ngoài ra, trường cũng có các chương trình liên kết quốc tế (du học tại chỗ) hợp tác cùng trường ĐH hàng đầu tại Anh để sinh viên tham gia lựa chọn, xét tuyển. Các chương trình đào tạo này được nhà trường xây dựng theo tiêu chuẩn của nền giáo dục Anh quốc, do các GS, TS của đối tác và UEF trực tiếp giảng dạy.

Tham gia chương trình này, sinh viên được trải nghiệm học kỳ quốc tế, học tăng cường mùa hè tại Anh quốc trong quá trình học tập. Điểm đặc biệt của chương trình là ngoài trải nghiệm trong quá trình học, sinh viên còn có cơ hội đăng ký học song ngành và nhận hai bằng đại học, một của UEF và một của trường ĐH đối tác tại Anh quốc”, ThS Nguyên chia sẻ.

Chị Trần Nguyễn Trâm Quyên - cựu sinh viên khóa đầu tiên (năm 2017) chương trình liên kết Cử nhân Kinh doanh giữa Trường ĐH Mở TPHCM và Đại học Flinders, Úc - cho biết: Chương trình học mang lại thuận tiện rất lớn cho người học khi được chuyển tiếp tín chỉ và tiếp tục chương trình tại cơ sở chính của trường bên Úc.
“Điểm quan trọng nhất của chương trình theo tôi là giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thực tế của cuộc sống rất nhiều, khả năng Anh ngữ cũng như sự trải nghiệm. Học bên đó, sinh viên được khuyến khích tự tư duy và trải nghiệm rất nhiều, từ công tác NCKH, tự học cho đến các hoạt động xã hội. Mỗi một hoạt động không có cộng điểm khuyến khích nhưng nó luôn mang đến cho sinh viên sức hút bởi tính thực tiễn. Tôi đánh giá cao tính khoa học của chương trình học, vì nó giúp tôi trưởng thành nhiều hơn từ khi du học cho đến lúc ra trường” - chị Quyên chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ