Từ năm 2012, Bộ GD&ĐT đã giao cho các trường ĐH, CĐ tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở năng lực của nhà trường (đội ngũ giảng viên, mặt sàn xây dựng/sinh viên...). Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích các trường xây dựng phương thức tuyển sinh riêng.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên trong năm 2012, không có trường nào tự tuyển sinh. Sang năm 2013, chỉ có 10 trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật tổ chức thi riêng. Trên 400 trường ĐH, CĐ còn lại vẫn tuyển sinh theo phương thức ba chung.
Ngược trở lại lịch sử, phương thức tuyển sinh 3 chung bắt đầu từ năm 2002. Đây là kỳ thi được xã hội đánh giá là nghiêm túc, với việc tổ chức thành một số cụm thi có những ưu điểm nổi bật sau đây:
- Thứ nhất, tạo được mặt bằng chung về chất lượng của thí sinh trong cả hệ thống GDĐH;
- Thứ hai, góp phần phân tầng các trường ĐH, CĐ và điều tiết thí sinh giữa các trường, các ngành học, vùng miền;
- Thứ ba, hạn chế rủi ro trong công tác tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ; chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan;
- Thứ tư, việc hình thành các cụm thi ở Vinh, Cần Thơ, Quy Nhơn, Hải Phòng đã tạo thuận lợi cho thí sinh, tiết kiệm kinh phí và hình thành mô hình tổ chức kỳ thi quốc gia sau THPT sau này.
- Thứ năm, quan trọng hơn, tạo sự yên tâm cho xã hội...
Để chuẩn bị cho lộ trình tự chủ tuyển sinh, Đại học Vinh đã tích cực chuẩn bị cho tự chủ trong tuyển sinh, công việc mà trước năm 2002 (khi chưa có kỳ thi ba chung) Trường đã từng làm.
Khi tự chủ trong tuyển sinh, Trường dự kiến sẽ lựa chọn phương án kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Còn tại thời điểm này, quan điểm của Đại học Vinh là nên tiếp tục tổ chức kỳ thi ba chung, ít nhất cho đến năm 2016, để các trường tự xây dựng phương án tự chủ trong tuyển sinh của mình.
Về phía Đại học Vinh, trong năm 2014 và một số năm tiếp theo vẫn tổ chức thi theo phương thức 3 chung và tiếp tục làm tốt nhiệm vụ Cụm trưởng Cụm thi Vinh.
Tôi cho rằng, để các trường ĐH và CĐ tự chủ trong tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các trường, từ khâu xây dựng đề án tuyển sinh, tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển; điều kiện đảm bảo nguồn tuyển...để từng bước nâng cao chất lượng đầu vào, hạn chế tiêu cực cũng như rủi ro có thể xảy ra đối với các trường trong công tác tuyển sinh.
Thí sinh được tuyển chọn (qua thi tuyển hoặc xét tuyển) vào các trường phải đạt trình độ tối thiểu để có thể học ở bậc ĐH hoặc CĐ.
Một phương thức tuyển sinh nào cũng đều có ưu điểm và hạn chế của nó. Nhưng tự chủ trong tuyển sinh vẫn là điều mà các trường ĐH, CĐ cần hướng tới.
Khi mọi điều kiện cho tự chủ trong tuyển sinh được Bộ GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ chuẩn bị chu đáo, đồng thời tạo được sự đồng thuận của xã hội, chắc chắn chủ trương tự chủ trong tuyển sinh sẽ được hiện thực hóa. Bức tranh tuyển sinh ĐH, CĐ của chúng ta sẽ đa dạng và nhiều màu sắc.