Họ đang nghiên cứu một hệ thống nhấn chìm hàng triệu chiếc “phao” nhỏ làm bằng gỗ và đá vôi cùng rong biển xuống đáy đại dương sâu thẳm.
Ý tưởng độc đáo
Rong biển có khả năng hấp thụ carbon trong khí quyển, hạn chế tác động của khí thải mê tan từ gia súc và cung cấp nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học. Chúng không cần phân bón, nước ngọt, thậm chí đất cần thiết để sinh sống và phát triển.
Từ những đặc tính này của rong biển mà Running Tide, một trong những công ty khởi nghiệp quan tâm đến môi trường, có dự án nhấn chìm chúng xuống đại dương để cô lập carbon trong thời gian dài.
Công ty Running Tide, hoạt động trên bến tàu của Portland, bang Oregon, Mỹ, được thành lập năm 2017 bởi Marty Odlin, 39 tuổi, một kỹ sư xuất thân trong gia đình có 4 đời làm ngư nghiệp.
Anh đã tận mắt chứng kiến những thay đổi ở vịnh Maine: Do nước ấm lên nhanh hơn hầu hết các vùng đại dương khác khiến cá ở đây di chuyển về phía Bắc đến vùng biển lạnh hơn và vỏ sò hòa tan trong nước acid hóa.
Khoảng 15 năm trước, sau khi nghe bài nói chuyện của Klaus Lackner - nhà Vật lý từng phổ biến ý tưởng loại bỏ carbon khỏi khí quyển, Odlin đã vỡ ra nhiều điều. Anh nhớ lại: “Đúng là không có cách nào hữu hiệu nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong 50 năm tới. Nhưng chúng ta sẽ phải hạ giảm nó”.
Một đánh giá gần đây của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu lặp lại ý tưởng này. Ngoài việc phải nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải, tại một hội thảo, các nhà khoa học ước tính cần loại bỏ và cô lập khoảng 10 gigaton (10 tỷ tấn) CO2 khỏi bầu khí quyển mỗi năm và con số này sẽ tăng gấp đôi vào cuối thế kỷ này.
Hiện tại, có khoảng 2.000 km2 trang trại rong biển trên thế giới, nhưng để cô lập một 1/10 gigaton carbon hằng năm sẽ cần đến 73.000 km2 - theo một báo cáo từ Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật Quốc gia, và Y học Hoa Kỳ.
Dùng rong biển để làm giảm carbon là một giải pháp khá nhẹ nhàng. Rừng rong biển hấp thụ lượng carbon nhiều bằng rừng nhiệt đới Amazon. Nhưng phần lớn sự cô lập khí thải đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Khi rong biển được thu hoạch, bị động vật ăn hoặc dạt vào bờ biển, carbon lưu trữ trong nó sẽ được giải phóng trở lại bầu khí quyển.
Mô hình của Running Tide, về mặt lý thuyết, sẽ nhấn chìm lượng carbon trong rong biển xuống đáy đại dương. Ở đó, trong điều kiện lạnh và tối, chúng sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ, phân hủy từ từ.
Tuy nhiên, theo dõi số phận của rong biển sẽ là một công việc đầy khó khăn. Bên cạnh đó, có những câu hỏi quan trọng về việc trồng một lượng lớn rong biển hoặc đánh chìm nó xuống đáy biển có ảnh hưởng như thế nào đến hệ sinh thái biển.
Phao rong biển của công ty Running Tide. |
Liệu có khả thi?
Mối quan tâm đến rong biển như một công cụ để loại bỏ carbon dioxide đã tăng lên trong những năm gần đây khi các nghiên cứu phát hiện ra rằng thế giới có thể cần phải giảm một lượng lớn khí nhà kính và các loại tảo vĩ mô khác nhau có thể lưu trữ gần 200 triệu tấn carbon một cách tự nhiên.
Gần đây, Running Tide và các dự án loại bỏ carbon dioxide dựa trên rong biển khác đã gây sốt trong giới khoa học môi trường. Kristen Davis, giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học California Irvine, cho biết biến đổi khí hậu đang gia tăng và mọi người đang “hoảng sợ”.
Tuy nhiên, xem việc loại bỏ carbon dựa trên rong biển như một giải pháp trước khi có sự xác nhận chính thức của khoa học có thể gây hại cho môi trường hoặc làm xao nhãng các chiến lược chắc chắn hơn, chẳng hạn như cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải.
Một số nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực này lập luận rằng, các hoạt động đánh chìm rong biển đang “được đánh giá chiếu lệ về các tác động môi trường và lợi ích xã hội”.
Để tạo lòng tin, Running Tide đang làm việc với một ban cố vấn khoa học độc lập và một công ty kiểm toán, đồng thời xuất bản một tài liệu nêu chi tiết về cách thức tính toán lượng carbon mà họ đang loại bỏ.
Kristen Davis, sau khi đọc bài báo, cho rằng đó không phải là một sáng kiến tồi nhưng là “một bản phác thảo rất chung chung về một quy trình cần những lời giải thích chi tiết hơn để có thể thực hiện được”.
Giữa một loạt các nghiên cứu về rong biển, các nhà khoa học nhận thấy việc nhấn chìm chúng để cô lập carbon tốn kém hơn nhiều so với việc sử dụng rong biển nuôi trồng để thay thế một số loại thực phẩm có lượng khí thải cao.
Họ đã nêu một loạt các thách thức tiềm ẩn đối với rong biển như một giải pháp khí hậu bất kể nó được sử dụng như thế nào, bao gồm chi phí cao cho việc loại bỏ carbon, khả năng phá vỡ hệ sinh thái và sự không chắc chắn về thị trường lớn cho các sản phẩm từ rong biển.
Nichole Price, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Khoa học Đại dương Bigelow, người đang nghiên cứu cách sử dụng rong biển để giảm thiểu biến đổi khí hậu, cho biết chỉ có hai lựa chọn - “nhấn chìm hoặc sử dụng nó”.
Có thể sản xuất các sản phẩm từ rong biển và cô lập carbon trong trầm tích. Bằng cách đó, lượng carbon thu hồi và các tác động môi trường có thể được theo dõi trực tiếp, điều này rất khó, nếu không muốn nói là không thể, dưới đáy đại dương.
Odlin nói rằng anh coi trọng những lời chỉ trích nhưng không thấy có lý do gì để đợi cho đến khi mọi vấn đề được giải quyết mới thực hiện dự án. Thử nghiệm của Running Tide sẽ được tiến hành trong những tháng cuối năm 2023.