Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Khoa học Hàng Hải USF, Mỹ đang theo dõi sự phát triển của một thảm rong biển khổng lồ trôi nổi trên Đại Tây Dương, kéo dài từ vùng biển Tây Phi đến tận vịnh Mexico. Các quan sát từ vệ tinh của NASA cho thấy chúng dường như sinh sôi nảy nở qua từng năm, đe đọa nghiêm trọng hệ sinh thái.
Thảm rong biển, còn có tên là vành đai tảo mơ Đại Tây Dương, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2011. Tính đến tháng 6/2018, chúng đạt kích thước khoảng 8.850 km và có khối lượng ước tính lên tới 20 triệu tấn, nặng tương đương 200 tàu sân bay.
Sự phát triển của vành đai tảo mơ Đại Tây Dương qua các năm. Ảnh:Guardian. |
Các thảm tảo mơ cung cấp môi trường sống cho nhiều sinh vật biển như cá, cua, rùa và chim. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của chúng có thể chắn ánh sáng mặt trời, cản trở sinh vật biển di chuyển và hô hấp. Khi tảo mơ chết đi và chìm xuống đáy đại dương với số lượng lớn, chúng có thể làm chết san hô và cỏ biển.
Chưa hết, các đám tảo mơ chết trôi dạt vào bờ còn giải phóng khí hydro sunfua (có mùi trứng thối) khi phân hủy, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân ven biển cũng như ngành công nghiệp du lịch. Tháng trước, chính quyền bang Quintana Roo của Mexico đã phải đưa ra cảnh báo sức khỏe khẩn cấp do sự bùng phát của rong biển.
Các đám rong biển chết dạt vào bãi biển bốc mùi như trứng thối. Ảnh:Phys. |
Bên cạnh điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguyên nhân dẫn đến sự sinh sôi nảy nở của tảo mơ còn có sự tác động của con người, theo nhóm nghiên cứu.
Các chất thải hữu cơ từ nạn phá rừng và phân bón trong nông nghiệp được đưa xuống biển qua các con sông đã cung cấp dinh dưỡng cho đại dương, tạo điều kiện cho rong biển phát triển mạnh.