Giảm khí phát thải nhờ... rong biển

GD&TĐ - Gia súc là nguồn phát thải khí nhà kính chính, chủ yếu là do chúng ợ ra khí mê-tan.

Thịt và sữa của bò không thay đổi sau khi ăn rong biển.
Thịt và sữa của bò không thay đổi sau khi ăn rong biển.

Một nghiên cứu mới đây đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy, việc cho bò ăn một lượng nhỏ rong biển có thể làm giảm đáng kể lượng khí mê-tan chúng thải ra. Phương pháp này đồng thời không ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc mùi vị của thịt bò.

Mê-tan có thể không phải là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh như cacbon điôxít, nhưng nó đóng góp vào tình trạng này. Trong khoảng 20 năm, mê-tan giữ nhiệt nhiều hơn 84 lần so với CO2. Nông nghiệp là ngành tạo ra nhiều khí đốt nhất. Trong đó, gia súc thải ra 37% khí mê-tan.

Do đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi mọi người giảm ăn thịt đỏ. Mặc dù, đây được coi là một ý tưởng hay, nhưng việc thay đổi chế độ ăn của người có thể không phải là giải pháp duy nhất. Theo các nhà khoa học, việc thay đổi chế độ ăn của các loài gia súc cũng là biện pháp hữu ích.

Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu tại CSIRO và Đại học California, Davis (UCD) (Mỹ) đã chỉ ra rằng, việc bổ sung một chút rong biển vào thức ăn chăn nuôi của gia súc có thể làm giảm đáng kể lượng khí mê-tan chúng thải ra.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã kéo dài thí nghiệm từ 2 tuần lên 5 tháng. Trongthời gian đó, họ đã cho 21 con bò ăn những lượng khác nhau của Asparagopsis taxiformis. Đây là một loài rong biển mọc ở vùng biển nhiệt đới của Australia. Loại rong biển này hoạt động bằng cách phá vỡ các enzym trong ruột động vật tạo ra khí mê-tan.

4 lần một ngày, các nhà nghiên cứu đo nồng độ khí mê-tan trong hơi thở của bò bằng cách cho chúng ăn nhờ thiết bị chuyên dụng. Nghiên cứu cho thấy, những con bò ăn rong biển với liều lượng khoảng 80g ợ ra khí mê-tan ít hơn 82% so với thông thường. Trong khi đó, trọng lượng của chúng không có sự khác biệt so với những con bò không ăn rong biển.

Điều quan trọng là, hiệu quả của quá trình khử khí mê-tan không giảm trong thời gian thử nghiệm kéo dài 5 tháng. Các thử nghiệm về mùi vị cho thấy không có sự thay đổi nào trong thịt hoặc sữa đối với động vật được cho ăn theo chế độ mới.

Ermias Kebreab - tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Hiện, chúng tôi đã có bằng chứng xác thực rằng, rong biển trong chế độ ăn của gia súc có hiệu quả giảm khí nhà kính. Hiệu quả này không giảm theo thời gian”.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại cần phải vượt qua. Theo nhóm nghiên cứu, rất khó để nuôi loại rong biển đặc biệt này ở quy mô lớn hơn. Ngoài ra, cách thức bổ sung rong biển đối với bò thả rông vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng, những vấn đề này sẽ là điều họ chú trọng giải quyết trong tương lai.

Theo New Atlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).