Rộn ràng ăn Tết… online

Rộn ràng ăn Tết… online

(GD&TĐ) - Cộng đồng mạng Facebook những ngày giáp Tết thật xôm tụ. “Bà con” í ới rủ nhau đi mua sắm, hẹn nhau tụ tập để nhậu nhẹt, rồi thì gửi cho nhau những lời chúc mừng, hình ảnh câu đối đỏ, cây phát lộc, thậm chí là cả hình ảnh đồng tiền mệnh giá... một trăm nghìn tỉ đồng, năm trăm nghìn tỉ đồng đã qua bàn tay phù phép của công nghệ photoshop cũng là món quà gửi nhau nhân ngày Tết đến xuân sang.

* Đa dạng những cung bậc cảm xúc

Có nhà trên facebook thì ắt hẳn phải “khoe hàng” một cách tối đa. Mà chủ đề của ngày cận Tết thì đầu tiên phải kể đến ăn uống. Cứ dạo một vòng trên facebook là sẽ thấy thức ăn, bia rượu bày la liệt trên bàn, các nam thanh nữ tú cùng nâng cốc “zô zô”, thậm chí có người còn đưa cả đoạn video ngắn quay cảnh chúc tụng lên mạng. Tiếp theo là màn “tự sướng” của chị em tranh thủ khoe ảnh con, các bé xúng xính áo dài khăn đóng đứng tạo dáng rất “pro” bên chậu quất, cành đào của studio, thậm chí có bé mới....hơn 1 tuổi và đứng chưa vững cũng mặc áo dài đỏ, đầu đội khăn xếp rất “hoành tráng”, miệng cười hớn hở, hai tay vịn vào nôi cho...khỏi ngã!

Không khí Tết tràn ngập các trang mạng
Không khí Tết tràn ngập các trang mạng

Facebook mà thiếu cảm xúc thì không phải là “phây”. Màn chia sẻ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố của cảm xúc khi năm hết, Tết đến cũng được bà con rủ rỉ online. Thôi thì đủ thứ “trời ơi đất hỡi”, người tỏ ra bức xúc vì các cô tính tiền trong siêu thị những ngày giáp Tết hay bực dọc, người lo lắng Tết này sắm sanh gì cho đủ, người thì rất phấn chấn khi sắp được trở về quê, người lại than thở về một cái Tết xa nhà, có người sâu lắng hơn, viết những tâm sự, cảm xúc cuối năm... Khắp mạng xã hội rộn ràng các bài hát xuân và những lời “còm men” có cánh.

* Đón Tết qua mạng

Trái với niềm hân hoan mỗi dịp xuân về của bạn bè ở Việt Nam, một số sinh viên, cựu du học sinh tại nước ngoài lại đón một cái Tết lặng lẽ. Bởi ở xứ người, Tết Âm lịch là những ngày bình thường trôi qua hối hả với vòng quay học tập, làm việc. Không được sum họp với gia đình trong giờ phút giao thừa thiêng liêng, họ rất chăm chỉ lên facebook để để cập nhật thông tin về cái Tết ở quê hương. Họ chia sẻ niềm háo hức với bạn bè trong cộng đồng mạng nhưng lòng lại chạnh buồn khi nghĩ đến mình thui thủi không đào không quất...

Một thành viên có nickname lovelybee hiện đang sống tại Melbourne chia sẻ : “Có những khi lòng bật khóc, sao nghèn nghẹn. Mọi năm vào giờ này cả nhà đang ríu rít sắm Tết và về quê tạ mộ. Gia đình luôn tràn ngập tiếng cười rộn rã. Những mùa xuân đã trôi qua thật bình yên...”.

Nguyễn Đăng là một du học sinh chuyên ngành kế toán tại Mỹ. Năm nay, Đăng không về ăn Tết vì học thêm khóa hè để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình. Hầu như ngày nào Đăng cũng lang thang trên facebook để nắm bắt tình hình Tết. Vì vậy, khi nói chuyện với bạn bè, Đăng có thể nói vanh vách về Tết như thể đang ở Việt Nam, Đăng cho biết, là con trai nên bạn không mấy nhớ nhà nhưng lại vẫn muốn được biết đến không khí Tết ở Việt Nam và rất mong đợi cô em gái up ảnh trang trí nhà cửa, bữa cơm tất niên của gia đình lên để xem. “Và kể cả ảnh con chim sẻ (bạn gái) của em năm nay diện đồ gì đi chơi Tết nữa”. Đăng mỉm cười hóm hỉnh.

Đã hai năm rồi Lê Thùy Dương - cựu sinh viên Trường Đại học Victoria, Úc và hiện đang làm việc cho VDM Group không được đón Tết cùng gia đình vì công việc bận rộn, hơn nữa, ở Úc không được nghỉ Tết Âm lịch. Vì mới ra trường đã tìm được việc làm ngay nên trong năm đầu tiên đi làm, Dương cố gắng không nghỉ phép nhiều. Bạn chỉ nghỉ vào dịp Giáng sinh theo đúng chế độ nên sau đó không về Việt Nam ăn Tết. Dương chia sẻ: “Nhìn thấy những lời chúc tụng, hình ảnh bao lì xì, câu đối đỏ, mứt trái, hoa quả Tết đầy rẫy trên mạng, mình lại cảm thấy trong lòng chộn rộn, xốn xang y hệt cái cảm giác háo hức, mong chờ được đi chợ Tết cùng mẹ như lúc còn ở Việt Nam vậy. Cho dù không ở Việt Nam nhưng mình vẫn biết đến không khí Tết của quê hương qua mạng xã hội nên cái Tết tuy xa nhưng lại trở nên rất gần.”

Bức ảnh được cộng đồng facebook “treo” trên tường
Bức ảnh được cộng đồng facebook “treo” trên tường

Có những người du học khi đã có gia đình, vừa học vừa đi làm tranh thủ kiếm thêm ít vốn trước khi trở về nước. Với họ, nhớ nhà chính là nhớ người vợ tảo tần, nhớ người chồng đang chăm con thơ. Hàng ngày, sau khi làm thêm về nhà trọ, họ lại lập tức lên mạng để chat, xem webcam và xem ảnh của con gái được chồng, vợ đưa lên Facebook. 

* Tết từ thiện của những người nghiện web

“Xin cám ơn tấm lòng của tất cả mọi người. Ngày mai, 4h sáng chúng tôi sẽ lên đường...”, đó là một trong những lời nhắn trên mạng xã hội Facebook mùa quyên góp làm từ thiện. Để được các bạn trẻ hưởng ứng, một bạn đã tâm sự qua Facebook của mình: “Đối với mỗi chúng ta chắc ít ai có thể hình dung được việc có gạo, có thịt để ăn lại là việc xa xỉ chỉ xảy đến vài lần trong năm, và chúng ta chắc cũng không hình dung được một xã vùng biên có hàng ngàn nhân khẩu ấy chỉ được trợ cấp khoảng 750 kg gạo để những hộ nghèo nhất có cái mà ăn trong dịp Tết về. Đó không phải chuyện ngày xa xưa mà là chuyện thực tế hiện nay trên những xã vùng biên heo hút, cheo leo của cao nguyên đá, sát với mỏm cực Bắc của dải đất hình chữ S của chúng ta”.

Tại các thành phố của Việt Nam, nhiều nhóm bạn trẻ quen nhau ở các diễn đàn trên mạng cũng đã hẹn nhau những buổi offline để tụ tập đi làm từ thiện trong mùa Tết đến. Khó khăn để tập hợp lại cùng một thời điểm, rồi cùng chăm lo cho những phần quà, phân chia công việc hậu cần, nhưng những nhóm bạn trẻ đã tổ chức nhiều chuyến đi từ thiện thành công. “Niềm vui khó tả khi giúp được những người khó khăn và thật sự cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười và lời cảm ơn của họ khi nhận được những phần quà. Những phần quà ấy tuy nhỏ không đáng là bao nhưng nó là cả một tấm lòng muốn chia sẻ của người tặng và đối với người nhận là cả một tình thương giữa con người với con người”, bạn tholovely - thành viên ban tổ chức kể khi quay trở về nhà vào rạng sáng đã lên ngay facebook để cập nhật tình hình. 

Hình ảnh các nhóm bạn trẻ đi đến các ngôi nhà mở, mái ấm tình thương, chùa nuôi trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng người già... để tặng quà, thăm hỏi và chia sẻ tình thương trong mùa Tết đến nay đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Nhiều bạn trẻ làm từ thiện như một hình thức cho đi và họ đã nhận lại những hạnh phúc khó mua được bằng tiền như một món lộc đầu năm. Hy vọng hình ảnh này trở nên quen thuộc suốt mọi ngày trong năm chứ không chỉ riêng mỗi độ xuân về.

Mẫu Đơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ