Rơm vàng thơm nức đường quê

Rơm vàng thơm nức đường quê

(GD&TĐ) - Tháng tám về rồi, cái se se lạnh của mùa thu làm cho ai ai cũng thấy khoan khoái, dễ chịu sau cái nắng hè oi ả. Lũ chim sẻ, chim ri chao lượn trên cánh đồng quê như những tấm thảm vàng óng ả. Một mùa gặt đã về với người dân quê sau bao ngày lam lũ, mùa của những sợi rơm vàng tự thuở nào thơm nức đường làng. 

Ngày mùa, trên khắp cánh đồng, đâu đâu cũng tấp nập cho mùa gặt. Những bông lúa chín vàng trĩu nặng đang được người nông dân gặt về. Cũng thời điểm này, trên khắp các nẻo đường quê, đâu đâu cũng xuất hiện những đống rơm sau khi tuốt lúa. Rơm có ở ven đường, trong ngõ xóm, ngoài cánh đồng, hay ở sân nhà. Vì thế, người dân quê đã quá quen thuộc với rơm rồi. Không chỉ thu hạt lúa về, người dân quê tôi còn dùng  những sợi rơm vàng vào nhiều việc khác nhau trong đời sống hằng ngày. 

Khi lúa tuốt xong, rơm được chất thành từng đống ở ven đường còn nguyên màu xanh pha chút vàng. Bọn trẻ con trong xóm thích lắm. Ấy là chúng dùng đống rơm ngày mùa để chơi những trò chơi chỉ có ở thôn quê. Đống rơm cao ngất ngu, bọn trẻ trèo lên đỉnh đống rơm rồi nhảy xuống chỉ thấy êm mà không đau đớn gì cả. Rồi chúng còn tổ chức chơi ú tim, đuổi bắt quanh đống rơm thú biết mấy. Chiều về se lạnh, lũ trâu bò được khoan thai bên đống rơm nhai những đọn rơm ngọt lành của mùa gặt. Còn bọn trẻ thì lấy rơm quây tròn thành tổ ấm. Trên tay chúng không quên cầm nắm rơm làm con cúi để giữ lửa. 

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Ngày mùa, đường quê tràn ngập rơm là rơm. Người dân phơi rơm ra đường để cho khô và cất giữ một phần còn một phần đốt để lấy tro bón ruộng. Chiều nào cũng vậy, khói rơm cùng mùi thơm nồng của lúa mới, mùi khen khét của rơm cháy và mùi ngai ngái của khói rơm bảng lảng làm thành mùi đặc trưng chỉ có riêng ở miền quê thôn dã. Ngửi thấy nó, người ta dù đi xa quê bao tháng ngày vẫn nhận ra đấy là quê mình rồi, đấy là vị của đồng đất, của bông lúa củ khoai quê mình. Đi trên đường làng, rơm vàng cuốn theo bước chân mỗi người, cuốn cả vào xe, vào chân quần. Đâu đó, trên cánh đồng, bọn chim sẻ, chim ri, chim cu gáy thi nhau cắp từng sợi rơm mới về xây tổ trên ngọn cau, ngọn mít. 

Ở quê, rơm không bỏ đi chút nào mà nhà nhà đều dựng cây rơm cao ngất ở cạnh bếp để dùng quanh năm. Sau khi đã lọc những lá rạ nát, người dân dùng một cây to đóng xuống đất sau đó lấy từng bó rơm chất lên vòng tròn tạo thành cây rơm của nhà. Lâu dần, rơm được phơi nắng, khô và vàng óng ả. Khi rơm đã khô nỏ, bà chọn những bó rơm sóng, mượt để bện thành những chiếc chổi rơm bền chắc và xinh xắn để dùng trong cả năm mà không phải mua chổi. Những nồi cơm ngày mùa thơm nức mùi gạo mới và đượm mùi than rơm mỗi khi bà nấu.

Mẹ không quên lấy rơm vàng bện cho đàn chó con mới đẻ ổ rơm tròn ấm áp, bố dùng rơm vá lại mái nhà bị dột mùa trước. Vào những ngày mùa đông giá lạnh, bọn trâu bò không ra đồng được mà ở nhà nhai rơm cũng đủ no. Mấy cô gà mái thấy ổ rơm vàng thơm nức bèn nhảy ổ đẻ và cho ra những quả trứng hồng hồng, ấm nóng. Ở quê, nhà nào dù giàu hay nghèo cũng làm cây rơm sau mỗi mùa gặt.

Ngày mùa, từ bao đời nay, sợi rơm vàng quê tôi vẫn thơm nức mỗi mùa gặt như thế. 

Nguyễn Thế Lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ