Rơi nước mắt khi trò không được ăn cơm trắng, vượt rừng đến trường

GD&TĐ - Sau nhiều ngày trăn trở, ngược xuôi và quyết tâm thực hiện, cô Nguyễn Thị Lệ đã tổ chức được bữa ăn bán trú cho học sinh ở hai điểm trường ở nơi vùng cao của xã Văn Lăng huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên.

Cô và trò của trường Mầm non Văn Lăng xã Văn Lăng huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên
Cô và trò của trường Mầm non Văn Lăng xã Văn Lăng huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên

Cô Lệ hiện là Hiệu trưởng Trường mầm non Văn Lăng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). 

Trăn trở với bữa ăn bán trú

Cô Lệ kể: Tháng 12/2017, cô nhận quyết định lên công tác tại trường này - một ngôi trường nằm ở vùng đặc biệt khó khăn của xã Văn Lăng huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên.

Nơi đây, giao thông đi lại vô cùng khó khăn vất vả, người dân ở địa phương có hơn 70% là người dân tộc thiểu số, trong đó người dân tộc Mông chiếm tới 35%.

Đặc biệt, trường Mầm non Văn Lăng có 7 điểm trường, nằm rải rác ở các xóm bản. Điều khó khăn là các điểm trường cách xa nhau, khoảng cách gần nhất giữa các trường là 4 km, có điểm trường cách xa nhau lên tới 13 km đó là điểm trường Liên Phương và điểm trường Bản Tèn.

Rơi nước mắt khi trò không được ăn cơm trắng, vượt rừng đến trường ảnh 1

 Đường đến trường của học sinh điểm trường Bản Tèn và Liên Phương

“Khi nhận công tác tại xã vùng cao Văn Lăng, điều trăn trở nhất của tôi là: Hai điểm trường Liên Phương và điểm trường Bản Tèn chưa tổ chức được bữa ăn bán trú cho các em học sinh. Nguyên nhân do bởi điều kiện kinh tế của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề, đến tiền đóng học cho các con còn không có, thì lấy đâu tiền đóng góp bữa ăn bán trú cho các con.

Vì thế, sau khi học xong, buổi trưa các con sẽ về nhà ăn cơm cùng bố mẹ. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ chuyên cần, nhất là buổi chiều của học sinh ở 2 điểm trường thường không cao” – cô Lệ chia sẻ.

Rơi nước mắt khi trò không được ăn cơm trắng, vượt rừng đến trường ảnh 2
Các đồng chí lãnh đạo Phòng GD&ĐT Đồng Hỷ thăm và tặng quà cho học sinh Trường mầm non Văn Lăng

Nhiều lần chứng kiến bưa trưa của các em học sinh cùng với gia đình chỉ có mèn mén (ngô xay, giã ra rồi nấu chín), rất hiếm khi các con được ăn cơm trắng, là điều khiến cô Lệ không khỏi chạnh lòng.

Có những hôm mưa gió, rét mướt, nhưng các con vẫn phải vượt đèo, lội suối, băng qua nhiều ngọn núi cao, triền đồi để đến được lớp học.

“Hình ảnh, các con đi chân trần đến lớp sau khi phải vượt qua những cung đường khó khăn, vất vả như vậy, khiến tôi không khỏi xót xa.

Ấy vậy mà, trên người các em cũng chỉ phong phanh một chiếc áo sờn vai, rách chỉ, được vá víu lỗ chỗ, cùng một chiếc váy hoặc chiếc quần của người dân tộc Mông.

Đến lớp mà em nào em nấy run lên bần bật, hai hàm răng chạm vào nhau lách cách vì rét” – cô Lệ nhớ lại.

Rơi nước mắt khi trò không được ăn cơm trắng, vượt rừng đến trường ảnh 3
Các nhà hảo tâm, các đoàn từ thiện lên thăm và tặng quà cho học sinh điểm trường Liên Phương và Bản Tèn

Quyết tâm thực hiện

Chứng kiến những cảnh thiếu thốn của các em học sinh khi đến trường, cô Lệ đã không cầm được nước mắt và day dứt khôn nguôi. Điều đó càng thôi thúc cô quyết tâm tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh của mình. Cô hạ quyết tâm với chính mình: Bằng mọi cách, phải tổ chức cho các con được ăn bán trú, được ngủ trưa ở lớp.

Theo cô Lệ cho biết, làm được điều này sẽ giải quyết được 3 điều quan trọng: Vừa bảo đảm dinh dưỡng bữa ăn cho các con; vừa không để các con phải đi lại vất vả; thứ nữa là để duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh.

Để thực hiện điều này, cô Nguyễn Thị Lệ đã quyết định trao đổi ý kiến về xây dựng kế hoạch tổ chức ăn bán trú cho học sinh với các đồng chí lãnh đạo địa phương. Sau khi nghe cô trình bày kế hoạch, lãnh đạo địa phương nhất trí ủng hộ và đề nghị nhà trường thực hiện ngay.

Rơi nước mắt khi trò không được ăn cơm trắng, vượt rừng đến trường ảnh 4
Bữa ăn bán trú của học sinh điểm trường Liên Phương và Bản Tèn

Được chính quyền ủng hộ, cô Lệ tổ chức họp Ban giám hiệu và hội đồng sư phạm nhà trường để bàn thảo, thống nhất cách làm, cách tổ chức bán trú nấu ăn cho học sinh.

Để thực hiện, trước mắt, cần phải có sự ủng hộ, quyết tâm của cán bộ, giáo viên trong trường và xin hỗ trợ kinh phí ban đầu từ cấp trên. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường kết nối với các tổ chức doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bán trú cho học sinh.

Rơi nước mắt khi trò không được ăn cơm trắng, vượt rừng đến trường ảnh 5
Các cô giáo chăm sóc cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ

Được sự đồng tình ủng hộ, những bữa ăn bán trú đầu tiên của các học sinh ở điểm trường Liên Phương và điểm trường Bản Tèn đã được thực hiện. Những bữa ăn bán trú đầu tiên, nhà trường mời phụ huynh đến chứng kiến các con ăn bữa trưa và ngủ tại lớp.

Tận mắt chứng kiến các con được ăn, ngủ bán trú tại trường, bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi vì con em mình được chăm sóc tận tình, chu đáo, được ăn ngủ, điều độ và được chăm sóc, giáo dục tử tế. Từ đó, phụ huynh đồng lòng, chung sức ủng hộ chủ trương và cách làm của nhà trường.

Đến nay, 100% trẻ được ăn bán trú với đầy đủ thịt, cá, trứng… thay đổi theo từng bữa. Nhờ vậy mà trẻ phát triển tốt. Những bữa cơm bán trú đã làm ấm lòng người dân địa phương và các cô giáo Trường mầm non Văn Lăng, trong đó có cô Nguyễn Thị Lệ.

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.