Theo dõi sức khỏe trẻ hàng ngày
Ông Nguyễn Quốc Tiệp, quản lý Trường Mầm non Ngôi sao sáng (quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết: Thời gian qua, nhà trường vẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế như cho trẻ rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường; đo thân nhiệt, khử khuẩn khu vực trường và đồ chơi, đồ dùng học tập thường xuyên cũng kết hợp cùng phụ huynh theo dõi sức khoẻ của trẻ mỗi ngày.
Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, nhà trường thông báo tới phụ huynh về việc khai báo thông tin nếu di chuyển tới Đà Nẵng từ ngày 1/7. Nếu gia đình, người thân hoặc trẻ tới Đà Nẵng thời gian trên, trường đề nghị phụ huynh cho trẻ nghỉ tại nhà để theo dõi sức khỏe, bảo đảm an toàn. Ngoài ra, giáo viên tuyên truyền cho phụ huynh về việc hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…
Chị Nguyễn Quyên, có con theo học tại Trường Mầm non Sóc Nâu (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết: Trường thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho trẻ hàng ngày, phụ huynh tới đưa rước không vào trường… nên thấy yên tâm.
Đứng ngồi không yên
Trường Mầm non Bé Thông Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức Lễ bế giảng vào ngày 15/7 cũng đồng thời là ngày dạy - học cuối cùng của cô trò. Sau 10 năm thành lập trường với rất nhiều tâm huyết, nhà trường phải dừng hoạt động do không đủ khả năng tài chính để duy trì.
Bà Phan Thị Thu Hà - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Phát triển giáo dục chuyên Việt – đơn vị đầu tư Trường Mầm non Ngôi sao xanh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: "Tháng 6 vừa rồi, nhà trường mới quyết toán xong khoản hỗ trợ lương tháng 4/2020. Với mức lương trung bình 7 triệu/tháng/GV, trong đợt HS nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, chưa kể lương cho khối văn phòng và cán bộ quản lý, chỉ tính phần hỗ trợ lương cho GV trong thời gian đóng cửa, mỗi tháng, trường phải chi khoảng 170 triệu đồng".
Thời gian đầu trẻ ra lớp trở lại, tỉ lệ chỉ đạt khoảng 60%, sau đó tăng dần qua các tháng cùng với sự phục hồi trở lại của các ngành du lịch - dịch vụ ở Đà Nẵng. Bà Thu Hà chia sẻ: Trường dự kiến qua đầu tháng 8 này, tỉ lệ trẻ ra lớp đạt khoảng 80% so với trước nghỉ dịch Covid-19 đợt đầu. Nhưng với tình hình hiện nay, chúng tôi xác định sẽ phải hỗ trợ cho GV ít nhất lương tháng 8 và dự phòng hỗ trợ lương tháng 9.
Gần như chủ các trường mầm non ngoài công lập đều "chới với" khi buộc phải đóng cửa trường do dịch Covid-19 quay trở lại và số ca nhiễm ở Đà Nẵng ngày một nhiều. Cô Nguyễn Thị Thảo - chủ nhóm lớp độc lập tư thục (ĐLTT) Hoa Sen (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: Nhà trường và GV gần như phải nỗ lực gấp đôi khi hoạt động trở lại sau dịch, để vừa thu hút trẻ ra lớp trở lại và để tuyển sinh thêm trẻ mới. Theo kế hoạch, tháng 8 này, nhóm sẽ nhận thêm nhiều bé mới thì dịch ập đến.
Nhóm lớp ĐLTT Hoa Sen hoạt động từ tháng 8/2019, và gần như phải bù lỗ từ đó cho đến nay. Những ngày mới đi vào hoạt động, có thời điểm chỉ có 1 cô/1 trẻ. Nhóm lớp Hoa Sen dạy theo phương pháp Montessori nên GV vừa chăm trẻ vừa được đào tạo lại. Trong đợt nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 trước, cô Nguyễn Thị Thảo phải làm thủ tục thế chấp nhà vay vốn ngân hàng để duy trì mức lương tối thiểu 3 triệu/tháng cho 9 giáo viên, nhân viên.
Đứng ngồi không yên là tình trạng chung của nhóm lớp, trường mầm non ngoài công lập trước áp lực trả tiền thuê mặt bằng. Theo tính toán của bà Phan Thị Thu Hà, trong những tháng trẻ nghỉ học do dịch bệnh, dù không hoạt động nhà trường vẫn phải chi tiền mặt gần 250 triệu/tháng, đó là chưa kể khấu hao tài sản.
Như trường hợp Trường Mầm non Bé Thông Minh, tháng 1/2020, nhà trường đóng tiền thuê mặt bằng cho 6 tháng đầu năm là gần hết 500 triệu. Nhưng trong suốt 3 tháng nghỉ dịch, trường không có một nguồn thu nào để "gánh" cho khoản tiền thuê mướn này. Đầu tháng 5, nhà trường cố gắng cầm cự, mở cửa hoạt động trở lại để hoàn thành khóa học cho số trẻ mẫu giáo lớn ra trường.
Sở GD&ĐT TPHCM khuyến cáo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh không có việc gì cấp thiết không nên đến nơi có dịch và thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn cá nhân, đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết.