Để góp phần phòng, chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác từ rối loạn hành vi thách thức chống đối ở trẻ em, bác sĩ Nguyễn Thúy Anh (Bệnh viện tâm thần Hà Nội) đã có những chia sẻ nhanh với báo GD&TĐ xoay quanh vấn đề này.
* Bác sĩ có thể chỉ rõ đâu là dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn hành vi thách thức chống đối của trẻ?
- Rối loạn thách thức chống đối là một rối loạn khá phổ biến đối với trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải hiểu được rối loạn chống đối không phải là rối loạn lúc nào cũng bất thường.
Có thể các biểu hiện từ khi 2 - 3 tuổi là bình thường, đặc biệt là độ tuổi trẻ em hoặc độ tuổi đầu dậy thì các em rất hay có biểu hiện như là cãi lại, không vâng lời, làm theo những gì mà cha mẹ, người lớn sai bảo. Vì vậy những biểu hiện này chỉ trở thành bất thường khi xuất hiện một cách quá thường xuyên hoặc quá rõ rệt so với các trẻ cùng độ tuổi và phát triển giống như vậy.
Nếu như trẻ đã có biểu hiện rối loạn thách thức chống đối thì ta sẽ thấy các cháu có biểu hiện như: gây hấn, có những cơn cáu giận, cãi lại... luôn luôn không làm theo ý người khác mà làm theo ý mình. Từ đó, khiến những người xung quanh như: bố mẹ, giáo viên hoặc các bạn cùng tuổi cảm thấy khó chịu và bực bội.
Ví dụ: Một trường hợp cụ thể, khi bạn Nguyễn Văn T. (Hà Nội) dưới 5 tuổi thì bạn T chỉ được coi là một đứa trẻ hiếu động và đến lúc khoảng 5 tuổi thì bạn được chẩn đoán là rối loạn thách thức chống đối. Bởi 6 tuổi bạn T. vào lớp 1, bạn ý có hành vi rất khác thường so với độ tuổi mỗi lần đứa trẻ đến lớp như: không nghe lời giáo viên, giáo viên yêu cầu bạn T. luôn làm ngược lại (giáo viên yêu cầu làm bài kiểm tra bạn lấy tất cả các lý do để đi ra ngoài làm việc bạn ý thích… hoặc cô giáo yêu cầu ngồi trong lớp bạn ấy đòi ra ngoài, thậm chí giả vờ đau bụng để xuống phòng y tế…).
Việc bạn T. giả vờ khiến cho người khác cảm nhận là bạn ấy đau bụng thật mặc dù bạn ý không đau bụng. Và nếu giáo viên không cho bạn ý đi ra thì bạn ý liên tục gây ra các hành động khiến cho những người xung quanh không tập trung học được. Những lần đầu giáo viên có thể kiểm soát được nhưng đến những lần sau giáo viên không kiểm soát được nữa. Bạn T. liên tục làm những biểu hiện như vậy và bạn ấy chỉ ngồi trong lớp 1 - 2 tiết học đến tiết thứ 3 là bạn ý không thích nữa và đòi ra ngoài.
Bác sĩ Nguyễn Thúy Anh (Bệnh viện tâm thần Hà Nội). |
Hết học kỳ 1, giáo viên liên lạc với hiệu trưởng, hiệu trưởng đã có những biện pháp đối với bạn T. như trao đổi với phụ huynh cùng bạn ấy. Bạn T. vâng dạ tuy nhiên chỉ được 1 ngày, đến ngày hôm sau bạn ý lại muộn thậm chí không vào lớp. Khi vào lớp lại viện ra một loạt các lý do ra ngoài để chơi…
Sau đó, bạn T. được gia đình đưa tới Bệnh viện tâm thần Hà Nội để can thiệp, tại đây bạn T rất ngoan, yêu cầu bạn làm gì bạn làm rất tốt nhưng khi về nhà bạn ý lại nói dối bố mẹ tiếp… Bạn T. gần như là điển hình của một đứa trẻ có biểu hiện của thách thức chống đối.
* Vậy đâu là nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn thách thức chống đối ở trẻ và khi nào thì cần đưa trẻ đến gặp các bác sĩ?
- Thực ra cho đến nay chưa có nguyên nhân rõ ràng nào giải thích được việc rối loạn thách thức chống đối tại sao lại có. Tuy nhiên, người ta vẫn đưa ra những cách giải thích rất khác nhau từ vấn đề về gia đình, môi trường, nguyên nhân sinh học hoặc là liên quan đến yếu tố tâm lý xã hội…
Ngoài yếu tố về di truyền từ gia đình (trong gia đình có người bị rối loạn thách thức chống đối hoặc giảm chú ý, rối loạn cảm xúc) nếu như bố mẹ hoặc anh chị có bệnh lý này thì trẻ có nguy cơ bị mắc rối loạn cao. Cùng với đó, là trong môi trường gia đình nếu như bố mẹ quá nghiêm khắc hoặc trẻ có quá ít sự quan tâm như: thiếu sự ràng buộc của người thân (có bố hoặc có mẹ) thì có thể sẽ là một yếu tố chứ không ai khẳng định đó là nguyên nhân, hoặc gia đình hướng dẫn đứa trẻ không đầy đủ.
Đối với trẻ bị mắc rối loạn thách thức chống đối gia đình thường sẽ không đến gặp bác sĩ ngay mà thường có những cách giải quyết như: đưa trẻ đến chuyên gia tâm lý, đặc biệt như tại trường học có tư vấn tâm lý học đường, sẽ có chuyên gia hỗ trợ.
Tuy nhiên, những bạn rối loạn thách thức chống đối thì không phải lúc nào cũng là rối loạn thách thức chống đối đơn thuần mà có thể mắc kèm theo rối loạn khác như:rối loạn tác động, rối loạn trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ…
Vậy thì trong những trường hợp bố mẹ nhìn thấy đứa trẻ ngoài những vấn đề về bướng bỉnh, cãi lời ra mà có những vấn đề về cảm xúc, có vấn đề về lo lắng hoặc giấc ngủ thì trong trường hợp này bố mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để có những sự can thiệp điều trị kịp thời, lời khuyên nhất định.
* Hiện nay những kỹ thuật y tế nào dùng để chuẩn đoán rối loạn thách thức ở trẻ và những phương pháp điều trị rối loạn thách thức chống đối ở trẻ?
- Rối loạn thách thức chống đối cũng giống như rất nhiều bệnh lý tâm thần khác việc đưa ra chuẩn đoán dựa trên quan sát lâm sàng, một số trắc nghiệm tâm lý cũng được đưa ra để sàng lọc và đánh giá các vấn đề bất thường ở trẻ và tất cả các trắc nghiệm này chỉ có ý nghĩa sàng lọc thôi.
Tức là trẻ có thể có bất thường hành vi hay không, có những bất thường khác kèm theo về mặt cảm xúc như lo lắng và các triệu chứng cơ thể hay không. Đến nay, các hướng dẫn đưa ra sẽ dựa chủ yếu trên quan sát lâm sàng của đứa trẻ. Khi điều trị rối loạn thách thức chống đối ở trẻ chủ yếu với 2 phương pháp kết hợp điều trị:
Điều trị chính vẫn là các phương pháp gọi là không dùng thuốc ngoài can thiệp về tâm lý, giáo dục đặc biệt thì trong các phương pháp này chúng ta cần đào tạo cả kỹ năng cho cha mẹ. Đồng thời, làm việc với trẻ hướng dẫn trẻ các kỹ năng về quản lý cảm xúc, quản lý hành vi tương tác xã hội, bạn bè… bởi bệnh lý xuất hiện vào độ tuổi rất sớm khi trẻ chưa hoàn thiện kỹ năng việc đào tạo kỹ năng cho trẻ là rất quan trọng.
Việc dùng thuốc cũng sẽ được đưa ra trong những trường hợp mà trẻ mắc những rối loạn kèm theo như: rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, hoặc bệnh lý tâm thần khác nếu như chúng ta phát hiện ra… thì việc dùng thuốc sẽ được bác sĩ cân nhắc xem xét…
Hậu quả của rối loạn thách thức chống đối nếu không được điều trị hoặc không điều trị đích đáng thì khi đứa trẻ trưởng thành sẽ phát triển thành một rối loạn hành vi không còn rối loạn thách thức chống đối đơn thuần nữa, thậm chí trẻ tham gia các hành vi phạm pháp, lệch chuẩn… trong xã hội. Vì vậy, chúng ta cần hiểu và có những can thiệp sớm đối với những trẻ có hành vi rối loạn thách thức chống đối.
Cha mẹ nên có thời gian với trẻ và quan tâm trọn vẹn đến cảm xúc của trẻ, tìm hiểu những điểm mạnh, điểm yếu và tiềm năng của trẻ để giúp trẻ phát triển tối ưu nhất theo khả năng của chính trẻ. Không nên áp đặt và mong đợi quá mức hay phê bình chỉ trích khi trẻ không thành công, điều này làm cho trẻ ấm ức, tự ti, mặc cảm, và có thể góp phần vào việc gia tăng sự chống đối ở trẻ.